KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Thực hiện Kế hoạch số 460-KH/BTGTW ngày 26/1/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi toàn quốc năm 2021 tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025” (Hội thi), nhằm tạo sự thống nhất về phương thức, nội dung tiến hành, ngay từ giữa tháng 2/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long đã chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế hội thi và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan. Từ đó, giúp các địa phương, đơn vị có căn cứ để xây dựng kế hoạch, quy chế và tiến hành tổ chức tốt hội thi ở cấp mình quản lý, cụ thể là vòng cơ sở và trên cơ sở. Theo đó, hầu hết các địa phương, đơn vị đều chọn hình thức thi cụm để tiến hành vòng cơ sở.
Tính đến thời điểm này, Vĩnh Long là địa phương đầu tiên của cả nước đã có sự chuẩn bị và khởi động tổ chức cơ bản đồng loạt Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021 vòng cơ sở. Cập nhật kết quả, diễn biến tình hình hội thi vòng cơ sở dưới hình thức thi cụm đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 10/5/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 3/11 huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức xong vòng cơ sở theo hình thức thi cụm, gồm Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (10 cụm), Thị xã Bình Minh (3 cụm), huyện Bình Tân (05 cụm), với trung bình mỗi cụm thi có từ 10 - 13 thí sinh dự thi; các địa phương, đơn vị còn lại đang tiếp tục tổ chức (Thành phố Vĩnh Long, huyện Mang Thít, Trà Ôn) và sẽ tiến hành (huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Tam Bình, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh) để hoàn thành vòng cơ sở trong tháng 5/2021 theo quy định.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, do đó, tại tất cả các hội thi, ban tổ chức rất quan tâm chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo “5K” của Bộ Y tế.
Kết quả bước đầu, có thể đánh giá Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021 vòng cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được tổ chức tốt hơn, cả về hình thức lẫn nội dung; chất lượng báo cáo của từng thí sinh cũng được nâng cao hơn so với các lần tổ chức trước. Trình độ nghiệp vụ báo cáo viên của thí sinh đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chứng tỏ thí sinh được chọn lựa kỹ từ các báo cáo viên đã qua tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng trước khi hội thi cấp cơ sở diễn ra. Kết quả, các hội thi cấp cơ sở theo cụm đã chọn ra được những thí sinh xuất sắc nhất để trao các giải Nhất, Nhì, Ba. Đây là lực lượng nòng cốt để tham dự hội thi cấp trên cơ sở (huyện, thị xã, thành phố và tương đương). Qua các cụm thi cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy các cấp đối với công tác tuyên truyền miệng nói chung và vai trò của các báo cáo viên cơ sở nói riêng. Đây là một tín hiệu đáng mừng của công tác tuyên truyền miệng trước những yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.
ĐỂ TỔ CHỨC HỘI THI TỐT HƠN NỮA
Song song đó, qua thực tiễn diễn biến các hội thi cụm đã được tổ chức, thiết nghĩ cũng cần rút ra một số vấn đề để phát huy và khắc phục, nhằm tổ chức tốt hơn các cụm còn lại cũng như vòng trên cơ sở theo quy định dự kiến tổ chức trong thời gian tới, như sau:
Thứ nhất, mỗi hội thi cần nên đảm bảo được cả 2 yếu tố là “hội” và “thi”. Vì trong thực tế một số cụm, do áp lực về mặt thời gian, phải tổ chức cho từ 10 – 13 thí sinh thi trong 1 ngày nên không bố trí được cho phần “hội”. Do đó, cần nên có thêm phần thi dành cho cổ động viên theo hình thức hỏi - đáp đơn giản, tạo khí thế sôi động và thu hút sự quan tâm của cổ động viên. Đồng thời, nên có các tiết mục giao lưu văn nghệ do cổ động viên có năng khiếu thực hiện, với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ xen giữa các phần thi của thí sinh hay trong giờ giải lao, góp phần tăng thêm không khí vui tươi, phấn khởi cho hội thi.
Thứ hai, thí sinh tham dự hội thi phải là “báo cáo viên” của địa phương, đơn vị, được cấp ủy ra quyết định công nhận. Tránh trường hợp thí sinh được cử đi thi theo kiểu “chữa cháy” nhưng thí sinh lại không làm công tác báo cáo viên tuyên truyền ở cơ sở. Đồng thời, nên cử “thí sinh” đã được tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền miệng để tránh thiệt thòi khi không biết cách soạn đề cương hoặc thực hiện nội dung dự thi với phong cách một báo cáo viên theo nội dung nghiệp vụ tập huấn. Hội thi là sân chơi bổ ích và cũng là cơ hội để các đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, góp phần nâng cao công tác chuyên môn và nghiệp vụ.
Thứ ba, thống nhất về chủ đề, nội dung dự thi xoay quanh nghị quyết đại hội mà cụ thể là: một (hoặc một phần) nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, các nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ở Vĩnh Long, nhiệm kỳ 2020- 2025. Tránh trường hợp báo cáo viên triển khai nghị quyết hàng năm hay nghị quyết chuyên đề của cấp ủy các cấp.
Thứ tư, đối với mỗi thí sinh, cần phải lưu ý đây là 3 phần thi riêng biệt với hệ số điểm, gồm: thi đề cương hệ số 2, thi thuyết trình hệ số 3 và thi trả lời câu hỏi hệ số 1. Do đó, các thí sinh cần phải quan tâm chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt cả 03 nội dung thi thì mới đạt kết quả cao. Cụ thể, như:
Phần thi đề cương: phải thể hiện đầy đủ yêu cầu và nội dung theo quy định (mở đầu, nội dung chính, kết luận đúng theo các vấn đề đã được tập huấn) và chú ý phân tích, nêu số liệu để chứng minh, liên hệ tình hình thực tế ở địa phương; đánh máy vi tính rõ ràng, độ dài không quá 12 trang A4. Khuyến khích thí sinh sử dụng phần mềm powerpoint khi thi thuyết trình để tăng tính hấp dẫn của nội dung trình bày.
Phần thi báo cáo bài thuyết trình: Nội dung báo cáo phải là nội dung trong đề cương đã gửi trước cho ban tổ chức hội thi. Trong đó, thí sinh được được phép tự giới thiệu bản thân trong khoảng thời gian tối đa 2 phút. Sau đó, từ bắt đầu vào phần dự thi với tư cách là báo cáo viên thì mới bắt đầu tính giờ bằng câu chuyển: Sau đây, thí sinh xin phép thực hiện phần thi của mình.
Khi dự thi, thí sinh phải thể hiện được phong cách của một báo cáo viên. Phải đảm bảo “nói”, “triển khai” nội dung trong đề cương chứ không được “đọc” đề cương hoặc “nói thuộc lòng”, “nói bằng văn viết”,… Đồng thời, hội thi cũng không chấp nhận trường hợp thí sinh báo cáo đề tài khác với đề tài đã đăng ký với ban tổ chức hội thi. Các thí sinh cũng phải chú ý đến quy định thời gian báo cáo nội dung, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Phần thi trả lời câu hỏi: Mỗi thí sinh phải trả lời tối đa không quá 3 câu hỏi xung quanh nội dung bài thi. Mỗi thành viên ban giám khảo nên căn cứ nội dung bài dự thi để chuẩn bị câu hỏi đối với mỗi thí sinh. Sau mỗi câu hỏi, thí sinh có 1 phút để suy nghĩ, chuẩn bị (không trừ vào tổng thời gian), sau 1 phút chuẩn bị cho mỗi câu hỏi, nếu thí sinh không trả lời được, có thể xin chuyển câu hỏi tiếp. Thời gian chỉ tính khi thí sinh trả lời câu hỏi, tuy nhiên, tổng thời gian trả lời tất cả câu hỏi của thí sinh tối đa không quá 5 phút. Đồng thời, khi trả lời câu hỏi, thí sinh vẫn có thể đứng ở trong bục nhưng không được sử dụng bất cứ tài liệu nào ngoài đề cương đã trình bày. Sau phần trả lời câu hỏi của thí sinh, ban giám khảo nên có nhận xét cụ thể về nội dung thí sinh vừa trả lời hoặc đọc đáp án của ban giám khảo cho thí sinh và cổ động viên biết.
Thứ năm, các đơn vị phải tổ chức, quản lý cổ động viên đúng theo tinh thần cổ động, học tập và các cổ động viên phải chấp hành sự sắp xếp của ban tổ chức hội thi, không nói chuyện riêng, nhắc bài hay thường xuyên đi ra ngoài, ... làm ảnh hưởng đến các thí sinh và hội thi.
Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi triển khai quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 với mục đích chính là nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời, góp phần tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hội thi được xem là sinh hoạt chính trị sâu rộng, đợt tập huấn nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm thực tiễn, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở nói riêng, cổ vũ, động viên hoạt động của lực lượng báo cáo viên các cấp nói chung. Đồng thời, thông qua hội thi, giúp cấp ủy các cấp đánh giá đúng thực chất về năng lực, trình độ và khả năng của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp mình quản lý, để từ đó xây dựng kế hoạch củng cố, bồi dưỡng, phát huy, sử dụng đúng năng lực của từng báo cáo viên, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Phạm Quang Chiến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long