Thứ Sáu, 22/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Tư, 17/7/2019 10:28'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Khắc phục khó khăn trong công tác phát triển tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp

Sản xuất bảng mạch điện tử tại khu công nghiệp Bình Xuyên II, Vĩnh Phúc (Ảnh: Chu Kiều)

Sản xuất bảng mạch điện tử tại khu công nghiệp Bình Xuyên II, Vĩnh Phúc (Ảnh: Chu Kiều)

Theo thống kê của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh có gần 130 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp với trên 4.000 đảng viên; trong đó chỉ có 43 chi, đảng bộ thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và 2 chi bộ thuộc doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. 

Số doanh nghiệp có tổ chức đảng so với tổng số doanh nghiệp hiện không nhiều. Toàn tỉnh còn 20 doanh nghiệp có từ 1 đến 2 đảng viên, hơn 300 đảng viên có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên tại doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng tại nơi cư trú. Điều đáng nói là dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhưng 6 tháng đầu năm 2019, cả tỉnh mới có thêm 1 doanh nghiệp tư nhân thành lập tổ chức đảng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Linh, huyện Yên Lạc với 10 đảng viên. Đặc biệt, vai trò của nhiều tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong các doanh còn mờ nhạt, phương pháp công tác còn hạn chế, nội dung sinh hoạt thiếu cụ thể, hấp dẫn với người lao động và chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ thành lập tổ chức đảng thấp là do một số cấp ủy đảng chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp. Công tác vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp trong việc hình thành tổ chức đảng chưa thường xuyên. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, gây khó khăn cho việc thành lập tổ chức Đảng. Một bộ phận công nhân, người lao động chưa giác ngộ, không làm việc ổn định tại công ty nên không thiết tha phấn đấu vào Đảng.  

Bên cạnh khối doanh nghiệp, việc phát triển Đảng ở một số địa phương vùng nông thôn cũng gặp khó khăn. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đảo đặt ra là mỗi năm kết nạp từ 160-180 đảng viên mới. Trên thực tế, năm 2016, toàn huyện Tam Đảo kết nạp 147 đảng viên, năm 2017 kết nạp 81 đảng viên… 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; về vai trò, vị trí, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Với các doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng, các huyện ủy phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, đề ra những giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; hướng dẫn tổ chức đảng tại doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục tìm hiểu thực tế, tìm ra những phương pháp, cách làm hay để vừa nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chủ các doanh nghiệp, vừa bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thành lập tổ chức Đảng ở những nơi có đủ điều kiện; sắp xếp tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên… trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp đồng bộ với tổ chức Đảng để đảm bảo sự thống nhất; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở chính trị để tạo nguồn phát triển Đảng…/.

PV

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất