(TG)-Sau hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đã có 104/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với mục tiêu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng tốc đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm đưa 8 xã cuối cùng về đích đúng thời hạn.
Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc có 104/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 huyện, thành phố là Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc đã được công nhận đạt chuẩn. Toàn tỉnh còn 8 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Chấn Hưng, Nghĩa Hưng, Yên Lập, Kim Xá, Tân Tiến (huyện Vĩnh Tường); Tứ Yên, Như Thụy (huyện Sông Lô) và xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương).
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2019, Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sức dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Vĩnh Phúc tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, triển khai thí điểm đề án mỗi địa phương một sản phẩm, nhằm tạo điểm nhấn cho xây dựng nông thôn mới.
Với 8 xã còn lại, Vĩnh Phúc quyết định hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để cùng tháo gỡ khó khăn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng cam kết. Ngoài các hạng mục được hỗ trợ theo cơ chế chung của tỉnh, 8 xã này được hỗ trợ thêm ở 3 hạng mục công trình nông thôn mới là: Giao thông nông thôn, xây dựng Trung tâm văn hóa xã, môi trường. Đối với giao thông nông thôn, tỉnh hỗ trợ 90%, cụ thể thêm 50% cho các xã đồng bằng, 40% cho các xã trung du và 30% cho xã miền núi. Đối với trung tâm văn hóa xã, hỗ trợ thêm tối đa 3 tỷ đồng/xã và thêm tối đa 500 triệu đồng/xã để thực hiện tiêu chí môi trường.
Nhằm nâng cao chất lượng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến giai đoạn 2019-2020, Vĩnh Phúc dành khoảng 1.333 tỷ đồng cho các địa phương hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030./.
Thảo Nguyễn