Lịch sử 90 mùa xuân của Đảng ta đã chứng minh: Mọi thắng lợi của cách mạng đều xuất phát từ sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng với nhiều khó khăn, thử thách, Đảng ta luôn bền tâm, vững chí, dựa vào dân và nguyện chiến đấu, hy sinh và phụng sự nhân dân. Để có được sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân thì việc rất quan trọng đối với Đảng ta là xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng.
Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hưởng ứng Lời kêu gọi của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(1), cả dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên Tổng khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, hơn 20 triệu người Việt Nam từ miền Bắc tới miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, đồng loạt nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công trên cả nước, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền công nông.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thời gian đã trải qua 75 năm, nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Một trong những bài học đó là Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân và đặc bệt phải luôn bồi đắp, xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
|
Xây dựng, bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng làm nền tảng phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, là bài học lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa xuất sắc trong quá trình lãnh đạo cách mạng trong suốt những năm qua.
Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ví dụ như những kết quả bước đầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; “thế trận lòng dân” được tăng cường. Mặc dù vậy, những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; biểu hiện và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, xảo quyệt,… tác động không nhỏ đến niềm tin, tình cảm của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có các chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi Đảng phải tập trung vào thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng phải thực hiện bằng được các cam kết chính trị của mình với dân tộc, trên các vấn đề cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, an sinh xã hội…, như các mục tiêu mà Đại hội XII của Đảng đề ra, đó là: “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…; phát triển kinh tế nhanh, bền vững… Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;... bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…”(2). Theo đó, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chính là cam kết chính trị trực tiếp nhất, quan trọng nhất trong số các cam kết chính trị, đồng thời cũng là các biện pháp để hiện thực hóa những cam kết đó.
Thứ hai, Đảng phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”. Quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ ba, lãnh đạo xây dựng năng lực tổng hợp của chính quyền các cấp. Để chủ trương, đường lối của Đảng được cụ thể hóa, hiện thực hóa trong đời sống thực tiễn thì năng lực cầm quyền của các cấp chính quyền giữ vai trò quyết định. Đảng phải lãnh đạo xây dựng chính quyền các cấp thực sự vì dân. Nâng cao năng lực cầm quyền của các cấp chính quyền sẽ quyết định chất lượng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thứ tư, Đảng phải nêu gương, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong đạo đức và lối sống, kết hợp hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung; khi lợi ích riêng mâu thuẫn với lợi ích chung thì phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Đây là nhân tố góp phần tạo nên uy tín của cán bộ, uy tín của Đảng với nhân dân và góp phần xây dựng, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nếu Đảng không vững vàng về chính trị, không chặt chẽ về tổ chức, không trong sạch về đạo đức, lối sống thì không thể đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3), và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4).
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tham gia quản lý xã hội, chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân. Đảng cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe… của nhân dân.
Thực hiện chính sách hợp lòng dân là tạo nên “cốt vật chất” cho việc củng cố, tăng cường mối quan hệ, niềm tin của nhân dân với Đảng.
|
Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng luôn luôn gắn liền với niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Giữ vững niềm tin của dân với Đảng không chỉ là bài học “xương máu” mà còn là nhân tố quan trọng quyết định đến sự tồn vong của Đảng./.
____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.3, tr.596.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.19-20.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16
ThS. Nguyễn Vương Long
Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng