Thứ Tư, 23/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 14/12/2012 17:18'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long (Bạc Liêu): Nghị quyết từ lòng dân

Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) do nhân dân địa phương đóng góp xây dựng

Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) do nhân dân địa phương đóng góp xây dựng

 

Bắt đất trũng thành cánh đồng 100 triệu

Đánh giá những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội ở huyện Phước Long trong nhiều năm qua, phần lớn người ta chỉ mới tổng kết, phân tích ở khâu huy động nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ, khơi dậy sự chung sức chung lòng của người dân trong xây dựng các công trình. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa thấy được tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa - vốn là sức mạnh nền tảng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó chính là văn hóa nghị quyết. Bởi phần lớn những nghị quyết do Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Phước Long ban hành đều thực hiện thắng lợi. Trong đó, có những nghị quyết thực hiện thành công hơn cả sự mong đợi và trở thành những bài học, mô hình điểm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh học tập, nhân rộng. Điều đáng ghi nhận ở Đảng bộ huyện Phước Long là đi cùng với những nghị quyết là các chỉ thị, đề án để cụ thể hóa nghị quyết bằng những công trình, phần việc rất thiết thực. Điển hình như để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo và nghị quyết của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất…, bên cạnh việc ban hành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện các nghị quyết này, BCH Đảng bộ huyện còn kèm theo chỉ thị, đề án cho từng lĩnh vực cụ thể như: Đề án cải tạo vườn tạp; Chỉ thị phát triển vườn rau gia đình; Chỉ thị phát động phong trào cán bộ, đảng viên tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; Chỉ thị phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM)… Những nghị quyết, chỉ thị ấy đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, trở thành nền tảng văn hóa tinh thần, có sức lan tỏa sâu rộng để mọi người tích cực tham gia.  Đơn cử như việc Huyện ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/HU về chỉ đạo cải tạo vườn tạp. Từ đề án này, nhiều người dân thoát nghèo và có điều kiện làm giàu ngay trên mảnh đất đã bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Chỉ hơn 2 năm thực hiện đề án, đã có trên 5.000ha đất vườn tạp, đất bỏ hoang, đất lung trũng trở thành những ruộng lúa, vườn rau, ao cá cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Văn Cảnh (ấp Tường 4, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) cho biết: “Trước khi thực hiện phong trào nông dân cải tạo vườn tạp, ở ấp này nhiều hộ nghèo lắm. Phần lớn là đất vườn, cây cối mọc um tùm; nhiều khu vực bị lung trũng, có nơi nước ngập sâu hơn đầu gối nên nông dân bỏ hoang. Sau khi phát động phong trào nông dân cải tạo vườn tạp, do thấy được hiệu quả kinh tế nên ngày càng có nhiều nông dân hưởng ứng. Người thì cải tạo đất để trồng rẫy, còn người thì trồng lúa, lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/ha/năm”. Riêng gia đình ông Cảnh, với mô hình trồng màu, mỗi vụ cũng thu lãi khoảng 12 triệu đồng/2 công. Nếu tính cả năm cũng thu lãi trên 70 triệu đồng. Hiện nay, ông Cảnh đang áp dụng mô hình trồng dưa hấu trên giàn ngay trên mảnh đất lung trũng bị bỏ hoang ngày xưa.

Đưa chỉ thị vào… từng hộ dân

Không chỉ có đề án cải tạo vườn tạp, nhiều chỉ thị khác đã giúp người dân tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng đất. Như Chỉ thị số 06 của Huyện ủy Phước Long về việc phát triển vườn rau gia đình. Mục đích ban đầu của chỉ thị là vận động các hộ nghèo tận dụng diện tích đất trống nhằm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn trong gia đình. Chỉ cần một mảnh đất nhỏ trước sân nhà hoặc sau vườn, mỗi gia đình cũng có thể tự trồng rau để ăn. Rồi từ việc một số hộ trồng nhiều, ăn không hết, nên lại nghĩ đến chuyện bán bớt cho các hộ lân cận hay đem bán ở chợ. Vậy là mô hình phát triển vườn rau gia đình cũng hình thành nên mô hình sản xuất rau hàng hóa để bán ở chợ.

Nếu trồng rau mang lại hiệu quả thiết thực như thế, thì tại sao lại không thả nuôi cá ở những ao bị bỏ trống lâu nay? Và từ đó, một chỉ thị của Huyện ủy về vườn rau đã được phát triển thêm ao cá; rồi theo đó là mô hình trồng cây bạch đàn giống cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng/vụ (vì áp dụng mô hình này chỉ cần vài chục mét vuông đất).

Lý giải vì sao so với các huyện, thành phố khác của tỉnh, việc thực hiện nghị quyết ở huyện Phước Long luôn mang lại kết quả cao, ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy, cho rằng: “Trước khi triển khai nghị quyết xuống dân, phải xem đâu là vấn đề bức xúc nhất của người dân để ưu tiên tập trung làm trước. Đồng thời phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Theo sau các nghị quyết là chỉ thị, đề án hay các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa nghị quyết, nhưng phải ngắn gọn, dễ hiểu và tuyên truyền cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa. Khi thực hiện nghị quyết chỉ lấy tinh thần chung của nghị quyết, chứ không áp đặt theo hình thức rập khuôn. Tùy theo điều kiện đặc thù của từng địa phương, tập quán sinh hoạt của người dân mà bổ sung, hoàn thiện các giải pháp. Như việc thực hiện nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, huyện cũng ban hành nhiều chỉ thị, đề án, quyết định riêng cho từng vùng sản xuất. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và khai thác có hiệu quả nguồn lực, tài nguyên…”.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân cơ bản để Phước Long trở thành 1 trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo về XDNTM là do đã có nhiều cách làm sáng tạo và hội đủ các điều kiện cần thiết. Những thành tựu đó đều bắt nguồn từ việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, đề án mà huyện Phước Long đã và đang tập trung thực hiện. Đó là những tiền đề quan trọng cho huyện Phước Long tiếp tục thực hiện thành công các tiêu chí về XDNTM.

“Nghị quyết gia đình”

Để thực hiện thành công các nghị quyết, chỉ thị hay đề án, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện xác định: cán bộ, đảng viên phải tiên phong làm trước, rồi mới đến vận động nhân dân cùng làm. Đơn cử như việc Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU về phát động phong trào cán bộ, đảng viên tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua đó, đảng viên làm gương cho nhân dân và góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo. Bởi, nếu bản thân đảng viên và dòng tộc còn nghèo thì không thể nhận đỡ đầu hộ nghèo.

Hoặc trong vận động mọi người thi đua lao động sản xuất và áp dụng những mô hình mới. Từ quan điểm chỉ đạo “đảng viên đi trước”, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đảng viên thực hiện, đặc biệt là phát huy truyền thống văn hóa từ mỗi gia đình đảng viên.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, đảng viên (ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long). Để thực hiện Chỉ thị số 02, ông Sơn họp các thành viên trong gia đình và ban hành một “nghị quyết gia đình”. Trong đó, chỉ đạo từ vợ đến con phải nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, học tập để trở thành những công dân tiêu biểu của ấp. Theo đó là kế hoạch, giải pháp cho từng thành viên. Như người con gái thứ hai thì vừa làm ruộng, vừa mua bán nước đá và làm thêm dịch vụ che rạp cho các đám tiệc. Người con trai thứ ba và thứ năm thì ngoài giờ làm việc ở huyện, phải làm ruộng để tăng thêm thu nhập. Người con trai thứ tư thì mua bán vật liệu xây dựng. Và người con thứ sáu thì làm ruộng và làm dịch vụ che rạp đám tiệc như chị hai. Phần vợ ông Sơn thì quản lý chung kiêm nội trợ. Còn ông Sơn, ngoài công việc là trưởng ấp, thời gian còn lại thì làm ruộng. “Nghị quyết gia đình” còn đề ra các giải pháp về thực hiện công việc, lựa chọn mặt hàng kinh doanh, lúa giống, kỹ thuật canh tác mới… Nhờ tổ chức thực hiện tốt “nghị quyết gia đình”, nên gia đình ông Sơn được xếp vào TOP hộ giàu của ấp.

Chưa dừng lại ở đó, “nghị quyết gia đình” này còn được ban hành trong dòng tộc bên vợ và thân tộc của ông Sơn để mọi người cùng thực hiện. Khi thấy mô hình thành công, nhiều hộ dân (cùng ấp với ông Sơn) cũng đã áp dụng.

Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, nuôi dạy con nên người, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: “Muốn mọi người làm theo mình, bản thân mình phải gương mẫu, và gia đình mình phải là tấm gương. Muốn làm được điều này, phải phát huy truyền thống văn hóa gia đình và gắn kết các thành viên với nhau. Không những chỉ thị về sản xuất, mà các nghị quyết, chỉ thị, đề án khác của Huyện ủy khi triển khai xuống dân, đảng viên phải luôn đi đầu”.

Việc thực hiện các nghị quyết ở huyện Phước Long đã khơi đúng mạch nguồn của văn hóa, để mỗi điển hình trở thành chuỗi giá trị kết nối cộng đồng với nhau. Thực hiện nghị quyết không phải ở đâu xa, mà ngay từ bản thân mỗi gia đình và thuyết phục được mọi người bằng chính hiệu quả mang lại.

Chung sức xây dựng quê hương

Cùng với phát huy vai trò của các gia đình đảng viên, BCH Đảng bộ huyện Phước Long còn phát huy vai trò hạt nhân của những công dân tiêu tiểu, nhất là các trưởng lão ở các ấp trong thực hiện các nghị quyết chuyên đề. Nhờ uy tín và tiếng nói của họ trong dòng tộc, xóm làng mà việc thực hiện các nghị quyết rất thuận lợi.

Điển hình như gia đình ông Phan Đình Suy (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) - một trong những gia đình tiêu biểu, đạt 13 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi khi ấp có tổ chức hội họp hay nhờ làm công tác vận động, ông Suy đều tích cực tham gia. Hoặc khi phải giao đất để thực hiện các công trình chung là ông lại hăng hái đi đầu. Ông Suy cho biết: “Làm người dân phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước, thậm chí phải hy sinh quyền lợi. Bởi, đây là nét đẹp văn hóa truyền thống. Muốn làm được việc này và vận động mọi người cùng tham gia, trước tiên, mình phải giáo dục con cháu trong gia đình để làm gương. Sau đó, vận động thì mọi người mới nghe”.

Bằng cách nghĩ trên, ông nắm chặt nội dung các tiêu chí về XDNTM. Đồng thời yêu cầu con cháu phải thực hiện tốt 13 tiêu chí dành cho hộ gia đình và xem đó là một hành động thể hiện văn hóa. Ông còn dán bảng tiêu chí ở vị trí gần cửa ra vào để mọi người trong gia đình qua lại nhìn và đọc cho thuộc.

Từ những cách thức và việc làm của các cá nhân điển hình trên cho thấy, văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh, mà còn tạo nên những nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Cũng nhờ vào văn hóa, đã tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để XDNTM. Chỉ mới 2 năm thực hiện XDNTM, nhưng người dân đã tự nguyện đóng góp để xây dựng các công trình chung hơn 750 tỷ đồng. Tiêu biểu là một số công trình như: xây dựng 170 tuyến đường ngõ xóm bằng bê-tông dài hơn 218,56km, làm hàng rào, tự nguyện hiến đất để làm lộ giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa ấp…

Để đạt được những thành tựu trên, phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của BCH Đảng bộ huyện Phước Long. Kết quả ấy không chỉ ở sự sáng tạo trong việc không ngừng bổ sung, hoàn thiện, nâng tầm các nghị quyết, chỉ thị, đề án… mà còn thể hiện sự tâm huyết, hết lòng hết sức phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Nếu không, thì không thể có những chính sách hợp lòng dân và sát với nhu cầu thực tế đến thế. Đặc biệt là huyện xây dựng được nền tảng tinh thần từ văn hóa, một trong ba mục tiêu chiến lược của Đảng là: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

Phước Long vẫn còn là một huyện nghèo, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, những gì mà nhân dân đóng góp để XDNTM đã thể hiện sinh động sự tin tưởng, quyết tâm của người dân. Điều đó bắt nguồn từ việc Đảng bộ huyện Phước Long không ngừng phát huy truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng hào hùng, để văn hóa trở thành sức mạnh thôi thúc mọi người cùng thi đua, vượt khó, tiếp tục XDNTM.

Lư Dũng ( báo Bạc Liêu)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất