Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 29/3/2012 22:31'(GMT+7)

Xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thiên nhiên Thế giới


Tỉnh Ninh Bình vừa lập Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và đẩy nhanh tiến trình lập hồ sơ đề nghị công nhận Tràng An là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Long Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, dự kiến ngày 30-4, Ninh Bình sẽ xác định tiêu chí rõ ràng để lập hồ sơ trình UNESCO.

Giá trị nổi bật

Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích hơn 10.000ha, gồm 3 khu vực là: Khu Du lịch sinh thái Tràng An, Khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động và Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư. Trong đó toàn bộ Khu Du lịch sinh thái Tràng An, một phần Khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động và khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư là trung tâm, vùng lõi của di sản.

Được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Tràng An có cảnh quan tuyệt mỹ với sự hòa quyện liên hoàn của các dãy núi đá vôi, hồ nước và hang động trên diện tích khoảng 2.168 ha. Các nhà khoa học khẳng định Tràng An xưa là một vùng vịnh biển cổ, cách ngày nay khoảng 251 đến 200 triệu năm, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Tràng An được các nhà khoa học coi như một “Bảo tàng địa chất ngoài trời”, bởi địa hình hang động và trầm tích nơi đây được kiến tạo từ một vùng biển thấp biến đổi qua hàng triệu năm vận động của hệ karst nhiệt đới. Đặc biệt, Tràng An có rất nhiều hang nước (hang sông) và hang khô lên tới hàng trăm, mỗi hang lại có những vết tích xâm thực của nước biển, đánh dấu quá trình biển tiến, biển lùi. Chỉ tính riêng số hang xuyên thủy đã được khảo sát là 48 hang động, xen lẫn 31 thung nước (hồ, đầm nước) tạo thành một tuyến tham quan khép kín; mỗi thung nước, hang động ở đây là một bức tranh đa sắc màu, biến đổi theo thời gian trong ngày.

Hơn 1000 năm kể từ khi Đinh Tiên Hoàng tận dụng địa thế hiểm trở lũy núi hào sông làm nơi định đô, nhưng non nước Hoa Lư -Tràng An -Tam Cốc -Bích Động không phải chỉ gắn với lịch sử loài người, lịch sử nước Nam bằng chừng ấy thời gian. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy, cách đây 20.000 năm, người tiền sử đã biết dùng hang động ở đây làm nơi trú ngụ, trải qua cả thời kỳ đồ đá nguyên thủy tới thời đại đồ đồng, đồ sắt sau này.

Bên cạnh những giá trị to lớn về cảnh quan và địa chất, Tràng An còn có những di chỉ khảo cổ học như hang Búi, hang Trống, núi hang Chợ… minh chứng cho quá trình sinh tồn và phát triển của con người tại mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Họ đã biết tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên ở nơi đây để định cư, sinh sống và đưa những giá trị văn hóa nơi đây vượt ra khỏi không gian văn hóa của khu vực, có tầm ảnh hưởng mạnh đến những khu vực khác. Nổi bật là kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X, với lối xây thành tận dụng mọi lợi thế của tự nhiên lấy núi làm thành, lấy sông làm hào để làm nên một kinh đô với lối kiến trúc mang dáng dấp một quân thành, có tính riêng biệt của nhân loại (kinh đô đá). Nơi đây còn có sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, kết nối với quần thể di tích lịch sử cố đô Hoa Lư… đã tạo nên một không gian văn hoá Hoa Lư huyền thoại.

Như vậy, quần thể danh thắng Tràng An không chỉ có giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất -địa mạo mà còn có giá trị lịch sử, giá trị khảo cổ học to lớn. So với phần lớn các di sản khác của thế giới, thường chỉ đáp ứng được tiêu chí về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất -địa mạo, cũng thấy dễ hiểu vì sao người Ninh Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung tin rằng, quần thể Tràng An xứng đáng được UNESCO tôn vinh là di sản của thế giới.

Lựa chọn tiêu chí nào?

Ông Nguyễn Đức Long Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, UBND đã quyết định thành lập ban quản lý ngày 5-3-2012. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng hồ sơ. Ông Long chia sẻ, chuyên gia người New Zealand Paul Dingwall đến Ninh Bình ngày 5-3 với vai trò tư vấn. Trước đây khi làm hồ sơ đăng ký với UNESCO thế giới, Ninh Bình trên cơ sở tư vấn các chuyên gia trong nước định tập trung vào tiêu chí 7: cảnh quan thiên nhiên và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo. Chuyên gia đi khảo sát tất cả khu vực Tràng An, mọi hang động, có khuyên ngoài hai tiêu chí trên, Ninh Bình nên quan tâm tiêu chí 5. Đại diện BQL cho biết, chuyên gia Paul Dingwall đi vào các hang động, như hang Trống, hang Bói phát hiện nhiều vỏ sò, vỏ ốc của các cư dân người tiền sử. Quần thể danh thắng Tràn An gồm 3 khu vực: Khu sinh thái Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc-Bích Động, khu Cố đô Hoa Lư. Trong đó, Ninh Bình dự kiến vùng lõi là toàn bộ hang động Tràng An. Từ 7 năm qua, ĐH Cambridge Anh hợp tác với địa phương trong quá trình khai quật.

Giám đốc Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết, hiện nay Ninh Bình chưa quyết định lập hồ sơ theo hướng nào; nhưng đã và đang tích cực nghiên cứu tài liệu về địa chất địa mạo và cảnh quan qua báo cáo chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, ngay khi chuyên gia UNESCO khuyến cáo, Ninh Bình liên hệ làm việc với Viện Khảo cổ học, làm rõ tiêu chí định cư lâu dài trong quá trình tiến hóa của loài người. Thực tế, ngoài hơn 50 hang động nước, 40 hang động khô ở Tràng An có nhiều dấu tích khảo cổ học liên quan đến cuộc sống của cư dân người Việt cổ. Dự kiến ngày 30-4, tỉnh Ninh Bình xác định tiêu chí rõ ràng lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài làm việc với các chuyên gia, tỉnh khảo sát, học tập kinh nghiệm lập hồ sơ di sản của Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng), Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long) và Thanh Hóa (Thành nhà Hồ).


Quang Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất