Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 22/2/2013 22:14'(GMT+7)

Xây dựng tiêu chí lựa chọn khu kinh tế ven biển

Cảng Chu Lai.

Cảng Chu Lai.

Từ năm 1991, Nhà nước đã chủ trương hình thành các trung tâm sản xuất công nghiệp, dịch vụ, trong đó mô hình đầu tiên là khu công nghiệp, khu chế xuất.

Từ mô hình này, năm 2002 Chính phủ đã thí điểm, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống các khu kinh tế ven biển để tận dụng những lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên của đất nước cũng như áp dụng thể chế và chính sách kinh tế mới, nhằm huy động tối đa nguồn nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.

Hiện cả nước có 15 khu kinh tế ven biển được thành lập, gồm hai khu kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Hồng; 10 khu kinh tế ở vùng duyên hải miền Trung và ba khu kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù có quá trình hình thành và phát triển chưa dài, song một số khu kinh tế đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hóa dầu, nhiệt điện... góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Điển hình như công nghiệp cơ khí ô tô tại Khu kinh tế Chu Lai, công nghiệp luyện kim tại Khu kinh tế Vũng Áng, lọc-hóa dầu tại Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế Nghi Sơn...

Tuy vậy, quá trình phát triển các khu kinh tế ven biển còn bộc lộ một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư phát triển còn dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý... trong đó vấn đề bất cập nhất là các khu kinh tế này hiện vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, chưa huy động được nhiều các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là phải lựa chọn một số khu kinh tế ven biển có tiềm năng, thuận lợi nhất để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện, nhằm sớm phát huy hiệu quả, tạo tác động tích cực lan tỏa cho khu vực xung quanh và toàn bộ nền kinh tế.

Ông Vũ Đình Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong quá trình xây dựng kế hoạch năm 2012, Bộ đã xây dựng “Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013."

Mục đích của Đề án là đề xuất bộ tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá lựa chọn trong 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập, tìm ra một số khu kinh tế có tiềm năng, thuận lợi nhất, từ đó đề xuất các giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện để tập trung nguồn lực, cũng như cơ chế chính sách phát triển các khu kinh tế đã được lựa chọn, làm tiền đề và động lực thúc đẩy các khu kinh tế còn lại phát triển trong giai đoạn sau.

Qua thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước các khu kinh tế thời gian qua, Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rút ra một số điều kiện chung mà các khu kinh tế ven biển phải đáp ứng để làm tiền đề cho sự phát triển, cụ thể như phải thuận lợi trong giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa mà yếu tố hàng đầu là cảng biển, sân bay và đường giao thông.

Thực tế cho thấy các Khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng đều có những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nhờ có những lợi thế này. Mặt khác, vị trí của các khu kinh tế cũng có vai trò khá quan trọng, ngoài việc gắn với cảng biển, sân bay, khu kinh tế ở gần trung tâm kinh tế của vùng, của địa phương sẽ là những điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, cần có hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế, đảm bảo hoạt động cho các dự án đầu tư và vai trò dẫn dắt của các dự án đầu tư trong khu kinh tế, thúc đẩy các nhà đầu tư khác vào đây.

Trên cơ sở nêu trên, Đề án đề xuất bộ tiêu chí để lựa chọn và xác định một số khu kinh tế ven biển trong số 15 khu kinh tế đã được thành lập, để tập trung phát triển trong giai đoạn 2012-2015 gồm năm tiêu chí, đó là Cảng biển đầu mối vận chuyển hàng hóa: quy mô, trọng tải, công suất giữ vai trò đầu mối vận chuyển của cảng đối với địa phương, vùng, tình trạng hoạt động của cảng.

Cảng hàng không thuận lợi cho khu kinh tế như vị trí, khoảng cách, quy mô, mức độ thuận lợi của cảng hành không đối với hoạt động của khu kinh tế. Dự án động lực của khu kinh tế: vai trò của dự án trong việc tạo động lực phát triển kinh tế vùng, thu hút các dự án đầu tư.

Thu hút đầu tư: kết quả thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển và đóng góp của các dự án vào phát triển kinh tế địa phương. Tiêu chí cuối cùng là vị trí chiến lược khu kinh tế đối với phát triển vùng: đánh giá vị trí, vai trò của địa phương trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Như vậy, việc lựa chọn khu kinh tế ven biển, phân kỳ phát triển khu kinh tế này vừa nâng cao hiệu quả đóng góp của khu kinh tế trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng và cả nước, vừa để thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nói chung./.

(Văn Hào/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất