Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 24/11/2016 15:1'(GMT+7)

Dấu ấn của đổi mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, trong lời phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định quyết tâm sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Và tại Kỳ họp thứ 2 này, quyết tâm đó đã được cụ thể hóa qua những hoạt động sôi động trên nghị trường.


Đổi mới trong xây dựng pháp luật


Công tác lập pháp luôn là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Theo thông lệ, trọng tâm nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm không phải là lập pháp, nhưng kỳ họp thứ 2 này có điểm khác biệt, Quốc hội dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ xây dựng pháp luật, ước khoảng hơn 60% thời gian làm việc của Quốc hội.


Với tinh thần trách nhiệm cao, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 11 Nghị quyết. Đây đều là những dự án luật quan trọng, có phạm vi tác động lớn, trong đó có những dự án luật được Chính phủ đề nghị Quốc hội gấp rút đưa vào chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.


Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc không theo thông lệ, kỳ họp Quốc hội cuối năm dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp đã cho thấy Quốc hội theo rất sát nhu cầu của cuộc sống để đưa ra những thay đổi cần thiết, đó chính là sự nhạy bén của Quốc hội.


Qua tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một đòi hỏi bức thiết được đặt ra là phải đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Dễ nhận thấy nhất là những đổi mới trong quy trình, cách thức làm luật. Các phiên thảo luận ở hội trường về các dự án luật, bên cạnh việc đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi, còn có sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.


Cùng với sự điều hành linh hoạt, hợp lý của Đoàn Chủ tịch, cuối mỗi phiên thảo luận, bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời, giải đáp các nội dung đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao giữa các đại biểu và cơ quan xây dựng pháp luật. Không chỉ tranh luận với ban soạn thảo, các đại biểu Quốc hội khi không đồng quan điểm với nhau về một nội dung, vấn đề, có thể giơ bảng để đăng ký tranh luận trở lại. Hình thức đổi mới này được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao bởi góp phần làm sáng tỏ vấn đề công khai tại nghị trường.


Nhấn mạnh tinh thần đổi mới của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Kỳ họp thứ 2 tiếp tục được cải tiến về cách thức điều hành, trong đó có việc tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, việc các bộ trưởng trực tiếp giải trình, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo, đã tạo không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.


Tại kỳ họp này, hai dự án luật đã không được thông qua như dự kiến chương trình từ đầu kỳ họp, đó là dự án Luật về Hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, bởi qua các ý kiến thảo luận của đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.


Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017). Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định, việc lùi thời gian thông qua hai dự luật là quyết định trách nhiệm, thận trọng của Quốc hội khóa XIV trước những vấn đề rất lớn của đời sống xã hội.


Tranh luận làm sáng tỏ vấn đề



Kỳ họp thứ 2 đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.


Các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội luôn làm nóng nghị trường bởi những vấn đề bức thiết của cuộc sống, được các đại biểu ghi nhận qua hoạt động tiếp xúc cử tri và truyền tải tới Quốc hội sát thực nhất. Thảo luận về kinh tế - xã hội lần này cũng không nằm ngoài quy luật đó, đặc biệt những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp này có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.


Các phiên thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, phân tích, đề xuất nhiều giải pháp thích hợp để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm 2017, hoàn thành các mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Góp phần vào việc nâng cao chất lượng phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước, là cách điều hành linh hoạt của Đoàn Chủ tịch. Theo quy định, mỗi đại biểu có 7 phút để nêu đánh giá, nhận xét cũng như đề xuất các giải pháp trọng tâm cần lưu ý.


Qua thảo luận, khi những vấn đề nêu ra đã có sự tập trung hoặc có sự trùng nhau, Đoàn Chủ tịch đã linh hoạt rút bớt thời gian đặt câu hỏi. Là đại biểu có nhiều thời gian theo dõi hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) rất tâm đắc với cách điều hành này, bởi theo đại biểu tuy cách làm mang tính "kỹ thuật" nhưng sẽ góp phần rất lớn vào việc đưa ra những giải pháp trong thời gian tới.


Chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội luôn là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của cử tri và nhân dân cả nước. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội khóa XIV tổ chức phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.


Hơn 200 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn trong hai ngày rưỡi tiến hành phiên chất vấn, trong đó có hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận ngay tại nghị trường đã thể hiện đầy đủ sự sôi động cũng như không khí thẳng thắn, xây dựng của phiên chất vấn - một nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân mong đợi.


Nội dung chất vấn đi vào các nhóm vấn đề, cách thức điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, đổi mới so với trước, đặc biệt là việc chất vấn và sau đó trả lời chất vấn, có sự tranh luận giữa đại biểu Quốc hội và bộ trưởng. Đây là cách hữu hiệu để bộ trưởng làm rõ những vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời cũng giúp cho bộ trưởng, các thành viên Chính phủ nhận ra trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội.


Đánh giá cao chất lượng của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí ( Hà Nội) hài lòng với việc áp dụng hình thức giơ bảng tranh luận trong chất vấn, tạo hiệu ứng tốt. Đại biểu tâm đắc với điểm mạnh của hình thức này là vấn đề đưa ra chất vấn không bị "trôi" đi hoặc bị vấn đề khác phủ lên, không làm mất đi tính nóng bỏng của vấn đề được đưa ra trước nghị trường, qua đó góp phần tạo nên không khí sôi nổi cho các phiên chất vấn.


Quốc hội khóa XIV ngay tại Kỳ họp thứ 2 đã ghi dấu tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đây chính là điểm nhấn quan trọng, tạo tiền đề cho những hoạt động tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất