Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 18/9/2016 21:28'(GMT+7)

“Đúng quy trình”!

Bên ấm trà nóng, hai ông bạn già - một người là nhà giáo, một người là cựu chiến binh - hàn huyên về sức khỏe, gia đình, con cháu... rồi chuyển sang bàn luận về nhân tình thế thái, thời cuộc.

- Thời gian gần đây, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông có thấy dư luận bàn tán xôn xao nhiều về vấn đề gì không?

- Dư luận xôn xao nhiều vấn đề, nhưng đáng nói nhất là bây giờ người dân rất hoài nghi, thậm chí dị ứng với cụm từ “đúng quy trình” mà cơ quan chức năng và người có trách nhiệm giải trình trước công luận. Này nhé: Con ông A. được xem xét, bổ nhiệm ở vị trí mới theo “đúng quy trình”. Cháu bà B. đã được cấp ủy, chính quyền cất nhắc vào chức danh cao hơn cũng trải qua các khâu, các bước chặt chẽ bảo đảm “đúng quy trình”. Việc khen thưởng, phong tặng danh hiệu cao quý cho doanh nghiệp X. được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét kỹ lưỡng, thực hiện đúng thủ tục và “đúng quy trình”. Quá trình cấp cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp Z. cũng được các cơ quan hữu quan thực hiện đúng trình tự và tuân thủ  “đúng quy trình”. Tóm lại, về mặt lý thuyết, đúng là những trường hợp trên đều trải qua các khâu, các bước khá bài bản và cũng từng lấy ý kiến tham khảo của “người có chức năng này, ông có trách nhiệm kia”.

- Nhưng tại sao, tuy không sai về mặt pháp lý mà khi xảy ra sự cố liên quan đến những trường hợp “đúng quy trình” vẫn gây thắc mắc rất lớn trong dư luận?

- Có gì khó hiểu đâu ông. Việc người ta nói “đúng quy trình” thực chất cũng là một kiểu ngụy biện, thậm chí là một “tấm bình phong” để đánh lạc hướng, che giấu dư luận thôi mà! Người ta làm “đúng quy trình”, nhưng cái tâm người ta không trong, con mắt người ta không sáng, bản lĩnh người ta không vững bởi những “viên đạn bọc đường” chi phối, cho nên người ta đã khôn khéo “hợp thức hóa” các thủ tục liên quan theo đúng quy định của luật pháp. Về mặt danh nghĩa, khi đã được “hợp thức hóa” thủ tục rồi, nếu không có sự phát hiện, lên tiếng của dư luận thì những trường hợp được bổ nhiệm “đúng quy trình” vẫn có “bệ phóng” để thăng quan tiến chức vùn vụt; còn những doanh nghiệp đã được “bật đèn xanh” vẫn dễ bề hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, thậm chí có cơ hội phất lên “như diều gặp gió”!   

- Nhưng ông thấy không, những trường hợp “đúng quy trình” nếu không có “gót a-sin” bị dư luận coi thường, khinh rẻ, thì trước sau cũng “dính” vụ này, “phốt” nọ khiến họ bẽ bàng trước công chúng?

- Đúng đấy ông ạ. Các cụ cảnh báo rồi, “ăn mặn nhiều sẽ có ngày khát nước”, hay “tham thì thâm” mà. Cứ vênh vênh váo váo tưởng ta được “hợp thức hóa” bởi những “bàn tay quyền lực vô hình”, nhưng chẳng qua cũng là một thứ “đi đêm” chả đàng hoàng tí nào cả! Thế nên, những trường hợp “đúng quy trình” ấy, chả mấy khi thuyết phục được nhân tâm đâu!

- Nhưng theo ông, đâu là nguyên nhân của những trường hợp “đúng quy trình” đã bị dư luận lên tiếng, phê phán trong thời gian gần đây?

- Đó là hệ quả tất yếu của cơ chế “xin-cho” vẫn còn tồn tại dai dẳng từ thời bao cấp, nhưng đồng thời đó cũng là “mặt trái” của chủ nghĩa duy tình, thân hữu, thậm chí có dáng dấp “lợi ích nhóm” chi phối liên quan đến những trường hợp “đúng quy trình”.

- Theo ông, những trường hợp “đúng quy trình” nêu trên có liên quan gì đến câu “danh ngôn” mà người đời vẫn râm ran, than phiền là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” không?

- Nhất định là liên quan rồi. Người xưa chả nói, “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là gì? Với những trường hợp nêu trên, chẳng có cá nhân, tổ chức nào thuộc diện ưu ái, ưu tiên “đúng quy trình” là ngẫu nhiên cả. Nếu họ không phải là thành phần “con ông cháu cha”, thì cũng phải chịu khó đi “cửa sau”, thậm chí đã “lăn lộn” vòng vèo “chạy” đủ các “ông nọ, bà kia” mới có thể tranh giành, vun vén lợi lộc cho mình đấy!

- Vậy theo ông, làm thế nào để bảo đảm “đúng quy trình” mà vẫn không bị dư luận thắc mắc, hoài nghi? Hay nói cách khác, có cách nào để lấp đầy những “kẻ hở, lỗ hổng” để cho các “quy trình” thực sự đi vào đúng quỹ đạo và không bao giờ bị “chệch hướng” không?

- Tôi thiển nghĩ thế này. Muốn vá lành những “kẽ hở” và lấp đầy những “lỗ hổng” đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, bền bỉ giáo dục, bồi đắp đức tính trung thực, tinh thần liêm sỉ, ý thức đạo đức công vụ nghiêm ngặt và thái độ không vụ lợi cho tất cả những người có trọng trách “cầm cân nảy mực” khi tham gia làm các thủ tục, quy trình bổ nhiệm cán bộ hay thẩm định, cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp. Phải làm sao để khi người ta nhắc đến cụm từ “đúng quy trình” là không chỉ đúng về mặt pháp lý, mà quan trọng hơn, phải đúng cả về đạo đức, văn hóa, lương tâm, danh dự của những người trong cuộc. Chỉ có như vậy, cụm từ “đúng quy trình” mới có ý nghĩa, giá trị./.

Thiện Văn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất