Thứ Hai, 29/4/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 25/10/2016 14:36'(GMT+7)

Không biến nợ tư thành nợ công!

Thực tế cho thấy, nợ công tăng trước hết do áp lực về chi thường xuyên và chi tiêu công đột xuất nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia; cũng như do nhu cầu ngày càng lớn về vốn đầu tư phát triển và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế... Trong khi đó, nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) còn nhiều hạn chế về quy mô và cơ cấu, cũng như do giảm thuế, nợ đọng thuế, trốn thuế, thất thu và hụt thu tương đối lớn. Thị trường tài chính - tiền tệ còn khiêm tốn và chưa thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn, hoạt động nghiên cứu, triển khai và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, còn do quản lý đầu tư công và nợ công có nhiều bất cập, lãng phí; khu vực DNNN hoạt động kém hiệu quả, gây thua lỗ, nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; điều kiện vay nợ công ngày càng kém ưu đãi, với thời hạn rút ngắn và lãi suất cao hơn …

Đặc biệt, nợ công còn gia tăng áp lực từ việc Nhà nước tham gia xử lý nợ xấu trên thị trường tài chính, nhất là thông qua mua nợ xấu trong hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mua các Ngân hàng thương mại (NHTM) với giá 0 đồng. Theo NHNN, đến tháng 8-2016, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 2,66%, nhưng vẫn không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối và có tính tập trung cao (nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng yếu kém chiếm 55,1% tổng nợ xấu toàn hệ thống).

Dù mới được áp dụng lần đầu ở Việt Nam, chưa có thời gian tổng kết đánh giá sâu, đầy đủ; nhưng cả về lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, việc mua nợ xấu của các NHTM và tổ chức tín dụng qua cơ chế mua - bán nợ hiện nay của VAMC và mua lại các NHTM “dưới chuẩn” với giá 0 đồng bằng vốn NSNN hoặc có nguồn gốc NSNN chưa theo cơ chế giá thị trường luôn có tác động hai mặt: Một mặt, góp phần gỡ nút thắt nợ xấu, khơi thông dòng vốn xã hội và giảm thiểu những cú sốc cả về kinh tế và tâm lý từ sự phá sản của các NHTM-con nợ có thể gây làn sóng đổ vỡ lan chuyền và hệ lụy tiêu cực trên thị trường tài chính - tiền tệ…; Mặt khác, nếu lạm dụng và kéo dài việc mua nợ xấu bằng NSNN không tuân thủ cơ chế thị trường, thì sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp đều đồng nghĩa với việc biến nợ của các đơn vị cổ phần (không phải DNNN) thành nợ của các tổ chức nhà nước, biến nợ của các nhà đầu tư tư nhân thành nợ công. Mức gia tăng nợ công của hoạt động xử lý nợ theo cơ chế nêu trên chí ít cũng sẽ bằng phần nợ xấu không thể thu hồi trên thực tế sau khi đã “bù trừ” chi phí mua-bán các gói nợ và nghĩa vụ nợ mà các NHTM và tổ chức tín dụng đã chuyển giao cho VAMC và NHNN. Hơn nữa, cơ chế này còn tạo ra sức ỳ, thói vô trách nhiệm, thậm chí cố tình cho vay sai pháp luật trong hoạt động ngân hàng, khi một số NHTM và nhà đầu tư tư nhân đầu cơ và làm giàu bất chính trên cơ sở khai thác cơ chế NHNN đứng sau bảo đảm không để NHTM nào đổ vỡ và biến sự lo sợ mất an toàn, ổn định hệ thống làm con tin để trục lợi. Rốt cuộc, nợ xấu cũ khó giảm, nợ xấu mới có thể gia tăng, mục tiêu xử lý nợ xấu khó đạt được như kỳ vọng, trong khi gánh nặng nợ công không ngừng lớn theo….

Những thách thức gia tăng nợ công và nguy cơ chuyển hóa, biến nợ tư thành nợ công nêu trên sẽ ngày càng đậm hơn, nếu không có sự nhận thức, chỉ đạo và cơ chế về quản lý nợ xấu, nợ công hết sức cẩn trọng, đề cao sự minh bạch và trách nhiệm cá nhân cụ thể và thống nhất; phối hợp hài hòa giữa nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, cân nhắc tính đồng bộ và hai mặt của các chính sách; chú ý nhận diện và khắc phục những lúng túng trong quản lý nợ xấu, nợ công nói riêng, trong quá trình huy động, phân bổ và giám sát sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển bền vững.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất