Trong cuốn sổ nhỏ ghi lịch trình chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau phần ghi thời gian từ sân bay về tới nhà khách vào lúc 13 giờ 40 ngày 15-11-2016 theo giờ Cuba, có thêm một dòng chữ ghi lịch làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào lúc 14 giờ 45: Rời đi hoạt động riêng!
Rất ít người biết rằng “hoạt động riêng” ấy là việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi thăm lãnh tụ Fidel Castro, chuyến thăm cuối cùng của một nhà lãnh đạo nước ngoài gặp nhà lãnh đạo huyền thoại của cách mạng Cuba!
Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất xúc động trước việc Chủ tịch Fidel Castro, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn đồng ý tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngay khi Chủ tịch nước vừa đến Cuba. Trong thời gian gần đây, Chủ tịch Fidel cực kỳ ít tiếp khách nước ngoài. Chỉ những trường hợp đặc biệt lắm thì nhà lãnh đạo cách mạng Cuba mới đồng ý tiếp. Dường như trong sâu thẳm trái tim của người anh hùng ấy vẫn luôn có một góc dành riêng cho Việt Nam, đất nước mà ông đã không chỉ một lần đặt chân tới.
Với Fidel, Việt Nam không chỉ là một đất nước mà Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình; đó còn là những người đồng chí cùng chung chiến hào, là những người anh em cùng với Cuba chung lưng đấu cật để vượt qua những tháng ngày gian khó nhất của chiến tranh, của bao vây cấm vận và cả của đổi mới, cập nhật mô hình kinh tế.
Bởi thế nên không có gì lạ khi Fidel đã dành một biệt lệ, gặp sớm nhất Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong khả năng có thể. Có lẽ, cả hai nhà lãnh đạo đều không ngờ rằng đó sẽ là cuộc gặp cuối cùng, một cuộc gặp để lại những dư âm nghẹn ngào, tiếc nuối.
Fidel đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang nồng nhiệt mà thật thân tình ấm áp như những người thân lâu ngày gặp lại. Cuộc gặp diễn ra ở ngay phía ngoài cửa một căn phòng trong ngôi nhà của Fidel. Phiên dịch cho cuộc nói chuyện là một nữ phiên dịch người Cuba mà anh em Việt Nam gọi tên Việt Nam là Linh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngồi một chiếc ghế mây, trong khi Fidel ngồi trên một chiếc ghế đệm có bánh xe lăn. Trời La Habana đang dịp cuối thu, khá lạnh vào buổi chiều nên Chủ tịch Fidel chân đi tất ấm, mặc sơ mi bên trong, bên ngoài khoác áo mỏng theo phong cách thể thao quen thuộc. Vẫn bộ râu huyền thoại nhưng nay đã ngả bạc theo màu tóc, kính trễ, nụ cười hiền. Dẫu đã bước sang tuổi 90 nhưng trông ông vẫn quắc thước, toát lên cái thần thái tinh anh của một con người làm việc trí óc, với ngọn lửa nồng nhiệt luôn cháy trong tâm can.
Hôm ấy, gặp nhà lãnh đạo vừa từ Việt Nam sang, Fidel có vẻ vui, luôn nở nụ cười ấm áp. Thỉnh thoảng ông lại giương gọng kính lên như để nhìn rõ hơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang ngồi đối thoại cùng với mình. Đó là cuộc trò chuyện giữa những người thân và cho dù khoảng cách tuổi tác giữa hai nhà lãnh đạo khá lớn, Fidel vẫn biết cách để cuộc nói chuyện nhanh chóng đi đến chỗ thân thiện, cởi mở.
Fidel hỏi thăm sức khỏe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông đã gặp hồi tháng 4 năm 2012 nhân chuyến thăm của Tổng bí thư tới Cuba. Ông cũng hỏi thăm sức khỏe của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam.
Rồi khá bất ngờ, Fidel chuyển sang hỏi cặn kẽ Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam. Fidel đặc biệt quan tâm về nông nghiệp, lĩnh vực mà hai nước Việt Nam-Cuba có nhiều dự án hợp tác. Ở tình Calimete, cách La Habana chừng 170 cây số đang có một dự án sản xuất lúa gạo của các bạn Cuba với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam. Những dự án như thế này đã giúp các bạn Cuba tăng cường tính tự chủ về nguồn cung cấp gạo, giảm dần lượng gạo mà Cuba phải nhập khẩu hằng năm từ 400.000-500.000 tấn trong thời kỳ 2005-2011 xuống còn mức 300.000 tấn trong giai đoạn từ 2012 đến 2015.
Với tác phong sâu sát của một nhà lãnh đạo thực chiến, Chủ tịch Fidel hỏi cặn kẽ về đặc tính từng loại cây nông nghiệp trồng ở Việt Nam, như cây đậu tương, hay chuyện ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ thì sản lượng đánh bắt có khác nhiều so với đánh bắt gần bờ hay không! Rồi Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp thì đời sống của người dân ra sao, có cải thiện được nhiều không?
Hết sức xúc động trước tấm chân tình của nhà lãnh đạo Cuba, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước tiên chuyển lời thăm hỏi sức khỏe của các nhà lãnh đạo Việt Nam tới Fidel. Chủ tịch nước cũng thông báo với Fidel rằng đời sống của người dân Việt Nam bây giờ đã được cải thiện, khá hơn rất nhiều so với thời kỳ Fidel tới thăm Việt Nam nhiều năm trước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nói rằng mặc dù đã đạt được khá nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới nhưng hiện Việt Nam vẫn tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm tòi mô hình phát triển kinh tế. “Cách mạng không phải là một công việc dễ dàng; cách mạng là cuộc đấu tranh giữa tương lai với quá khứ”-hình như có lần Fidel, nhà tư tưởng của cách mạng Cuba, đã nói như thế. Những người cộng sản Việt Nam ở bên kia bán cầu, không hẹn mà nên, đã làm như lời Fidel!
Trong cuộc gặp ấm áp chân tình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không quên nhắc lại với Fidel tình cảm ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam đối với Fidel, nguyên thủ quốc gia nước ngoài duy nhất đã từng xông pha vào vùng giải phóng Quảng Trị còn khét mùi thuốc súng hồi tháng 9-1973. Bức ảnh Fidel đứng trên chiếc xe tăng của kẻ thù bị Quân giải phóng thu được trên chiến trường Quảng Trị đã đánh một dấu son vĩnh viễn trong tâm khảm của nhân dân Việt Nam về tình cảm thắm thiết mà Fidel thần thánh dành cho đất nước và con người Việt Nam!
Càng về cuối chiều, cuộc nói chuyện giữa Fidel với Chủ tịch nước Trần Đại Quang càng trở nên thân thiết. Đã hơn một giờ đồng hồ trôi qua mà câu chuyện tưởng chừng như không dứt. Chủ tịch nước Trần Đại Quang lo Fidel nói chuyện lâu sẽ mệt nên đành tiếc nuối chủ động nói lời tạm biệt. Có lẽ Chủ tịch nước Trần Đại Quang không thể ngờ rằng đây cũng là lần cuối cùng ông gặp Fidel.
Trong ánh nắng cuối chiều, nhà lãnh đạo Cuba tiễn Chủ tịch nước Việt Nam với nụ cười ấm áp trên môi. Giờ đây, nụ cười ấy đã đi vào miên viễn, trở thành bất tử. Chắc chắn trong tâm khảm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ còn mãi lưu lại nụ cười ấy, như một dấu ấn chẳng thể nào quên về một cuộc gặp gỡ, giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử.
YÊN BA/Báo QĐND