Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 26/2/2012 15:10'(GMT+7)

Dự án bất thường của Jake P. Reilly

Jake (phải) biết quan tâm tới người khác hơn trong thời gian thực hiện dự án Amish  - Ảnh: Bodycopybyjake

Jake (phải) biết quan tâm tới người khác hơn trong thời gian thực hiện dự án Amish - Ảnh: Bodycopybyjake

 

Để thực hiện dự án có tên Amish Project của mình, từ đầu tháng 10 tới cuối tháng 12-2011, Jake đã ngưng hẳn việc sử dụng điện thoại, “khóa sổ” các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng như hộp email... “Tôi cài sẵn chế độ phản hồi tự động, báo sẽ liên lạc lại với mọi người vào đầu năm 2012” - Jake nói.

Jake cho biết dự án này ra đời từ một buổi hội ngộ giữa anh và những người bạn lâu ngày gặp lại. “Chúng tôi gồm sáu người. Cả năm chỉ gặp nhau một lần, tưởng là có nhiều điều muốn nói, nhưng cuối cùng ai cũng mải mê ngồi nhìn vào màn hình laptop, điện thoại thay vì trò chuyện với nhau”, Jake chia sẻ. Sau đó Jake để ý và nhận ra xung quanh có rất nhiều người như nhóm bạn của mình. “Chúng ta đang làm gì thế này?”, câu hỏi đó thôi thúc Jake thử nghiệm dự án mà nhiều người cho là... bất bình thường này.

“Tôi hiểu đây là một quyết định kỳ lạ trong thời đại công nghệ này”, Jake nói về phản ứng của những người xung quanh. Bản thân Jake từng dành cả tiếng lướt Facebook, cập nhật từng phút tài khoản Twitter, gửi trên 50 tin nhắn và ôm điện thoại cả tiếng... mỗi ngày. “Giờ đây tôi viết thư tay, dùng điện thoại công cộng ở một bệnh viện gần nhà để liên lạc với người thân. Tôi đọc báo giấy thay vì coi tivi hoặc xem thông tin trên mạng. Gặp chuyện quan trọng, tôi sẽ đạp xe tới nhà họ để thông báo và viết phấn thông báo ở lối ra vào trong trường hợp họ vắng nhà. Liên lạc giữa tôi và bạn gái cũng không ngoại lệ” - Jake giải thích.

Giai đoạn đầu thực hiện dự án, Jake gặp muôn vàn khó khăn trong chuyện gián đoạn thông tin, liên lạc với bạn bè, người thân. Tuy vậy, Jake cho biết anh nhận được nhiều hơn mất. “Tôi nhận ra đâu là bạn thân thật sự. Tôi có nhiều thời gian hơn để đọc sách và trò chuyện cùng người thân. Khoảng thời gian coi tivi được thay thế bằng việc đạp xe cùng hàng xóm và đọc tài liệu trong thư viện. Sức học của tôi tăng đáng kể và các mối quan hệ cũng cải thiện rõ”, Jake nhìn nhận.

Điều thú vị nhất theo Jake là anh cảm nhận được sự trân trọng trong các cuộc gặp gỡ, anh nói: “Như các cuộc gặp giữa tôi và bạn gái, chúng tôi chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại nên từng phút bên nhau đều được nâng niu”. Jake cũng nhận ra rằng chỉ có gặp mặt trực tiếp thì con người mới hiểu rõ, chia sẻ với nhau thật lòng hơn.

Theo Jake: “Nhiều người cập nhật thông tin trên Facebook mỗi ngày, nhưng đó chỉ là những câu nói phiếm hoặc là những gì hào nhoáng nhất chứ không phải là góc khuất thật sự trong suy nghĩ. Họ chỉ trải lòng khi được ngồi đối diện với bạn”.

“Công nghệ chỉ giúp cuộc sống con người tốt hơn chứ khó có thể đẹp hơn” - Jake đúc kết.

Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner (công cụ hoạch định kế hoạch quảng cáo trực tuyến của Google), chỉ riêng trong tháng 1-2012 số lượng người dùng Internet tại VN là 23 triệu và lượt xem là 18,4 tỉ.

Trong một khảo sát bỏ túi của NST trên 40 bạn trẻ ở độ tuổi 18-27 hiện đang sống tại TP.HCM:

- 90% cho biết thường online tối thiểu 2-10 tiếng mỗi ngày.

- 35% là thành viên của ít nhất năm hội trên Facebook, Zing, các diễn đàn trực tuyến... nhưng chưa từng tham gia hội nào ngoài thực tế.

- 100% có điện thoại di động. Trong đó, hơn phân nửa các bạn hiện đang sống cùng gia đình cho biết điện thoại là kênh giao tiếp chính giữa họ và người thân.

- 47,5% cho biết không thể rời xa laptop hoặc điện thoại dù chỉ trong... một giờ!



Theo Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất