(TG) - Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Quân đội
nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân được thể hiện ở việc luôn kiên
định mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành
nghiêm túc mọi nghị quyết, chỉ thị và các nhiệm vụ được giao, hoàn
thành tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân
lao động sản xuất.
Xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về mọi mặt, có chất lượng tổng hợp
và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách
mạng là nội dung có tầm quan trọng chiến lược trong toàn bộ đường lối
quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng. Trước những yêu cầu
nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn cách mạng mới, Nghị quyết Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định, chúng ta phải đẩy mạnh “Xây dựng
Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.”
Trước hết cần khẳng định Quân đội ta là một quân đội cách mạng và mãi
mãi là một quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân. Điều đó đã được
khẳng định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng
như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân phải
luôn giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng; phải thường xuyên coi
trọng giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao phẩm
chất đạo đức cách mạng, năng lực trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán
bộ, chiến sỹ.
Đó cũng là cơ sở quan trọng bảo đảm cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ sẵn
sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống; đấu tranh làm thất
bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững
chắc trận địa chính trị-tư tưởng của Đảng trong quân đội.
Bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân được thể hiện ở việc luôn kiên
định mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành
nghiêm túc mọi nghị quyết, chỉ thị và các nhiệm vụ được giao, hoàn
thành tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân
lao động sản xuất.
Mọi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội phải thường xuyên quán triệt chủ
trương, đường lối, quan điểm của Đảng; xác định rõ đối tượng và đối tác
của cách mạng theo đúng quan điểm của Đảng được thể hiện trong Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến
lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; luôn nêu cao tinh thần cảnh
giác, nắm chắc mọi diễn biến trên các hướng chiến lược, khu vực và địa
bàn trọng điểm, có kế hoạch và chủ động phối hợp với các lực lượng và
toàn dân tiến hành đấu tranh (bằng cả biện pháp vũ trang và phi vũ
trang), làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá cách mạng, xâm phạm
chủ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Bảo đảm nền nếp chính quy và duy trì kỷ luật là hai nhân tố không thể
thiếu trong quá trình xây dựng quân đội, góp phần nâng cao chất lượng
tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân. Mục đích của việc
thực hiện chính quy hóa quân đội là nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư
tưởng, ý chí và hành động trong mọi hoạt động, công tác của bộ đội và
các đơn vị trong toàn quân. Trong những năm qua, cấp uỷ và chỉ huy các
cấp trong toàn quân đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc xây
dựng chính quy; coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để xây dựng
đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, toàn
quân phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy. Đây là một nội dung
rộng lớn, gồm nhiều vấn đề, liên quan tới mọi quân nhân. Vì vậy, các đơn
vị cần nắm vững và quán triệt sâu sắc Chỉ thị 37-CT/ĐUQSTW của Thường
vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương “Về đẩy mạnh xây dựng chính quy Quân đội
nhân dân Việt Nam lên một bước mới”; Chỉ thị 85/CT-TM của Bộ Tổng Tham
mưu và các văn bản liên quan, cùng với những bài học kinh nghiệm được
rút ra từ thực tiễn; trên cơ sở đó, có chủ trương, giải pháp thực hiện
phù hợp.
Nội dung xây dựng nền nếp chính quy phải toàn diện, tập trung vào trọng
tâm, trọng điểm, khâu đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc
trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là công tác sẵn sàng chiến đấu.
Phải kết hợp chặt chẽ xây dựng chính quy với chấp hành kỷ luật quân đội,
pháp luật Nhà nước; phấn đấu giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật xuống mức thấp
nhất.
Xây dựng Quân đội nhân dân tinh nhuệ là mong muốn và cũng là yêu cầu đặt
ra trong suốt quá trình tổ chức, xây dựng quân đội. Cần bám sát bản
chất và mục tiêu chiến đấu của quân đội ta để xác định nội dung xây dựng
quân đội tinh nhuệ, bảo đảm cho quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; trong
đó, quân đội phải “tinh nhuệ trước hết về chính trị.”
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất,
tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của
Quân đội nhân dân. Trong tình hình hiện nay, cần nâng cao chất lượng các
mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, bảo đảm cho cán bộ,
chiến sĩ trong quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định
mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nhất trí cao và chấp hành nghiêm túc, sáng
tạo đường lối đổi mới của Đảng, nêu cao ý chí, nỗ lực phấn đấu hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ.”
Tiếp tục quán triệt và bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Tập trung xây dựng Đảng bộ
Quân đội trong sạch, vững mạnh; đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực
lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là
năng lực quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra, giám sát
việc chấp hành nghị quyết.
Gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững
mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên,
cán bộ chủ trì với cấp ủy các cấp; tăng cường công tác bảo vệ an ninh,
bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn
phá hoại của địch, các hoạt động xâm phạm an ninh quân sự, an ninh quốc
gia và các loại tội phạm khác.
Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến, hệ
thống công trình phòng thủ, thiết bị chiến trường phù hợp với yêu cầu,
nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình,
tổ chức phương pháp huấn luyện bộ đội; thực hiện nghiêm túc phương châm
huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ
và chuyên sâu, tăng cường huấn luyện cấp phân đội, huấn luyện dã ngoại,
huấn luyện cho lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân
quân, tự vệ; tổ chức tốt các cuộc diễn tập các cấp, diễn tập khu vực
phòng thủ sát với nhiệm vụ của từng đơn vị và từng loại địa hình.
Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo
theo Nghị quyết 86-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân sự Trung ương, đáp ứng yêu cầu
đào tạo cán bộ quân đội trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác hậu cần, công tác kỹ thuật ở tất cả các cấp; bảo đảm tốt
hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên: sẵn
sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống và khắc phục hậu
quả thiên tai...và các nhiệm vụ đột xuất khác; trong đó, ưu tiên bảo đảm
hậu cần - kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên
tuyến biển đảo, biên giới.
Xây dựng quân đội từng bước hiện đại là một yêu cầu rất quan trọng và đã
nhận được được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Kể từ Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, chúng ta đã thực hiện xây dựng quân đội
từng bước hiện đại theo đúng phương hướng, lộ trình, kế hoạch xác định
và đã đạt được những kết quả quan trọng; trong đó, một số lĩnh vực có
bước phát triển nhanh, mang tính đột phá. Tuy nhiên, cần nhận thức được
rằng, việc xây dựng quân đội từng bước hiện đại là vấn đề lớn, đặc biệt
quan trọng, có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng, phát triển đất
nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cần tổ chức nghiên cứu, xem xét một cách
thận trọng, trên cơ sở tư duy khoa học, tầm nhìn tổng thể, toàn diện;
trong đó có hai điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm: Khả năng thực tế
của đất nước và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian tới, chúng ta phải tận dụng thành tựu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự
chủ, có tiềm lực ngày càng mạnh, phù hợp với khả năng của nền kinh tế
đất nước. Công nghiệp quốc phòng phải được phát triển theo hướng gắn
chặt với công nghiệp dân sinh, có cơ cấu hợp lý trong tổng thể nền công
nghiệp quốc gia; kết hợp chặt chẽ các trình độ, các loại hình công nghệ,
trong đó, ưu tiên hướng tới những công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp
ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực
lượng vũ trang nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; tăng cường cơ sở vật chất -
kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị
hiện đại, trước mắt là xây dựng lực lượng hải quân, phòng không không
quân, trinh sát điện tử, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, thông
tin liên lạc đi thẳng lên hiện đại.
Việc Nhà nước ta vừa qua quyết định mua một số vũ khí trang bị hiện đại
cho quân đội như: tên lửa phòng không S-300 PMU1, máy bay tiêm kích đa
năng Su-30 MK2, máy bay tuần tiễu biển C212-400, tàu ngầm lớp Kilo… là
những ví dụ minh chứng cho quan điểm đó./.
Đại tá Vũ Khanh
Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng