Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư về việc thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, vừa qua Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức tổng kết điểm cấp huyện tại Lạc Sơn và Thành phố Hòa Bình. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm chỉ đạo các địa phương khác trong tỉnh.
Là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, Lạc Sơn có diện tích tự nhiên hơn 580 km2, có 28 xã, 1 thị trấn với 378 xóm, phố; dân số của huyện trên 135 nghìn người gồm 7 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mường chiếm 90,5%, dân tộc Kinh 9,1%, còn lại là các dân tộc khác. Lạc Sơn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Dưới thời phong kiến nổi tiếng với câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, người dân tộc Mường ở Lạc Sơn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của người Mường như: Mo mường, Cồng chiêng, Rằng thường, Bộ meeng, hát ví…
Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được ban hành; thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 26/10/1998 của Tỉnh ủy Hòa Bình, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về triển khai, quán triệt học tập Nghị quyết, huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/HU, ngày 03/11/1998, trong đó đề ra 4 chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ chủ yếu sau: Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa lành mạnh nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Xây dựng trung tâm văn hóa, điểm vui chơi cấp huyện và cơ sở, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong nhân dân; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có trình độ ngang tầm với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới; Phát động sâu rộng trong nhân dân phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa.
Việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 5(khóa VIII), Huyện ủy đã tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 30- KL/TW, ngày 20/7/2004 Hôi nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Kết luận số 51-KL/TW (khóa X) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Chỉ thị số 46-CT/TW của ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại”. 100% các chi, đảng bộ cơ sở tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và đồng bào các dân tộc trong huyện được nâng lên rõ rệt. Nghị quyết có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Phong trào xây dựng đời sống văn văn hóa thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều chương trình thực hiện có hiệu quả như: Xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình,cộng đồng; Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Xây dựng các thiết chế văn hóa; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa các dân tộc ít người…
Qua 15 năm ấy, có thể nhận thấy rõ một số kết quả quan trọng như:
Huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các tiêu chí xây dựng, bình xét, công nhận “Xóm, phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; phong trào xây dựng nếp sống văn hóa từng bước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, hạn chế và từng bước tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, uống rược say đến mức bê tha, các tệ nạn xã hội…Hàng năm tổ chức tốt “Ngày hội toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Đến nay toàn huyện đã có 23.905/29.552 hộ (đạt 80,89%); 289/378 xóm, phố (đạt 76,13%); 162/177 cơ quan, trường học (đạt 91,5%) được công nhận “Gia đình văn hóa”, “Xóm, phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”. Việc cưới, việc tang đã trở thành nề nếp, hạn chế nghi lễ hủ tục rườm rà, phức tạp. 100% xóm, phố, khu dân cư đã quy hoach khu nghĩa địa, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hoạt động lễ hội đã trở thành nề nếp tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ yếu vào dịp đầu năm như: lễ hội xuống đồng, lễ hội rước Mẫu Thượng, lễ hội Cầu mùa…
Về đầu tư xây dựng và sử dụng các thiết chế văn hóa, huyện đã xây 171 nhà văn hóa xóm, phố (đạt 45,24%); 03 nhà văn hóa xã; 01 nhà văn hóa huyện và 01 cụm văn hóa Mường Vang; 231/378 xóm, phố có sân vận động và các điểm vui chơi, giải trí; 23/29 xã, thị trấn có sân vận động và khu thể thao; 01 sân vận động,01 Nhà thi đấu thể thao huyện.
Về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian, đã kiểm kê 30 địa chỉ các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc, có 1.200 chiếc cồng chiêng còn được lưu giữ trong huyện. Tổ chức sưu tầm và phục dựng 02 lễ hội dân gian của người Mường (lễ hội Đình Cổi- xã Bình Chân, lễ hội Rước bụt - xã Nhân Nghĩa). Đã trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo vệ khu di tích lịch sử Chiến khu cách mạng Mường Khói, Mái đá lang Vành, hang Khụ Dúng…
Là huyện có hơn 90% dân tộc Mường và các dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những giá trị bản sắc văn hóa riêng. Nổi tiếng nhất ở Lạc Sơn là lễ hội cồng chiêng với một kho tàng văn hóa, văn học dân gian phong phú. Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương; có ý thức coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc. Toàn huyện có 31 đội thông tin tuyên truyền, 292 đội văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức được hơn 300 buổi tuyên tuyền ở cơ sở, tham gia dàn dựng và biểu diễn văn nghệ phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.Hình thức phổ biến là tổ chức giao lưu văn hóa các xã, các cụm với nhau.
Lạc Sơn chú trọng phát triển du lịch gắn với văn hóa tâm linh, sinh thái. Hệ thống di tích, lễ hội truyền thống ở Lạc Sơn có nhiều tiềm năng du lịch như: Suối nước nóng xã Quý Hòa, tuyến đường đi bộ vùng Cao Ngỏ - Luông - Cúc Phương, làng cổ Mường - xã Tự Do, Hang Trại - xã Tân Lập. Chương trình du lịch gắn với nông nghiệp và môi trường sinh thái thu hút khách. Thông qua du lịch, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc đã gìn giữ, tôn vinh; dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc được khơi dậy; một số lễ hội truyền thống của địa phương được khôi phục…
Có thể nói, trong 15 năm qua, huyện ủy Lạc Sơn đã chỉ đạo, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có hiệu quả. Từ đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình hành động của Huyện ủy đã tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân được phát huy; việc thực hiện quy chế dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng. Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo bước chuyển biến tích cực, làm tiền đề cho các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện phát triển. Các giá trị văn hóa ngày càng tác động tích cực vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội; những giá trị văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử được gìn giữ, phát huy. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghệ thuật quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn huyện được duy trì, phát huy làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Thời gian tới, huyện ủy Lạc Sơn tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp lớn của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, để nghị quyết của Đảng đến với từng địa bàn dân cư, từng gia đình, từng người dân. Đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong huyện, phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, đơn vị nhằm xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu xây dựng quê hương Lạc Sơn giàu đẹp, văn minh.
Vũ Công Hội