Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 31/8/2014 17:1'(GMT+7)

5 tỷ đồng và chuyện phòng, chống tham nhũng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dự thảo Thông tư Liên tịch quy định về việc khen thưởng đối với cá nhân có thành tích trong tố cáo tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo nội dung của dự thảo lần này, mức khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng cùng với thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng thì trong một số trường hợp sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm, bằng khen, tiền thưởng. Trong đó, mức thưởng cho cá nhân tố cáo tham nhũng có thể lên đến 5 tỷ đồng.

Phải thừa nhận một thực tế, hiện nay trong xã hội ta nạn tham nhũng vẫn đang là mối nguy cơ đe dọa đến sự phát triển kinh tế, sự ổn định chính trị xã hội; ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005, qua hai lần sửa đổi bổ sung (2007, 2012) đã quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý để đấu tranh với tham nhũng loại bỏ dần những mối nguy cơ.

Lần này, thông tư liên tịch về khen thưởng trong tố cáo tham nhũng dần được hoàn thiện và đi vào cuộc sống sẽ là cơ sở để động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích trong đấu tranh chống tham nhũng. Dù chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, song đây là việc thực sự cần thiết khi mà việc đấu tranh với tham nhũng là không hề dễ dàng, đòi hỏi cả lòng nhiệt huyết, trí thông minh và sự dũng cảm dấn thân của người đấu tranh. Cùng với đó, cần thiết phải xây dựng các cơ chế bảo vệ an toàn cho cá nhân, tập thể trong đấu tranh chống tham nhũng để người dân dám nói. Khi có sự kết hợp hai yếu tố đó sẽ là động lực trực tiếp khuyến khích người dân và các tập thể phòng, chống, tố cáo, đấu tranh với tệ tham nhũng.

Cái đích của phòng, chống tham nhũng là phòng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, xóa bỏ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đục khoét của công, vơ vét, thông đồng xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần có những giải pháp mang tính cấp thiết trước mắt lẫn lâu dài. Việc khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng là giải pháp cần kíp trước mắt. Về lâu dài cần nâng cao đạo đức công vụ, ý thức tận hiến, công tư minh bạch cho mỗi cán bộ, đảng viên. Phấn đấu học tập, rèn luyện và làm theo lời dạy của Bác Hồ về đạo đức của người làm cách mạng là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt chặt các "lỗ hổng" trong cơ chế chính sách, để những kẻ tham lam không có cơ hội tham nhũng. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong tiến trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một khi cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn chưa thông thoáng, chưa minh bạch thì sẽ còn nhiều kẽ hở, góc khuất dễ bị lợi dụng. Việc vận động, giáo dục thuyết phục là cần thiết và rất quan trọng, nhưng không thể thay thế một cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Đó là hai vấn đề mấu chốt về lâu dài cần làm tốt để giảm tối đa tham nhũng. Nếu đề cập đến vấn đề thứ ba trong phòng, chống tham nhũng thì đó chính là những hình thức xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe đối với các hành vi tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng. Tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, bị phạt tù một thời gian ngắn rồi lại được trả tự do, thì với số tiền đó kẻ tham nhũng vẫn có cuộc sống sung túc, an nhàn hơn những người lao động khác, chúng sẵn sàng đánh đổi. Khi "con bệnh nhờn thuốc" thì rất khó cứu chữa.

Mức thưởng đến 5 tỷ đồng cho người tố cáo là rất cao. Tới đây hy vọng tình hình phòng, chống tham nhũng sẽ chuyển biến tích cực, đất nước ngày một trong sạch để trong một tương lai không xa, không còn một người dân nào "phải nhận" tiền thưởng do đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.

Trần Duy Văn (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất