Thứ Bảy, 21/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 31/7/2014 21:37'(GMT+7)

Khi Bộ trưởng tiếp công dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chia sẻ với người dân tại buổi tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương. (Ảnh: chinhphu.vn)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chia sẻ với người dân tại buổi tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương. (Ảnh: chinhphu.vn)

Đây là sự khởi đầu, tạo tiền đề để các Bộ trưởng thực hiện những buổi tiếp dân định kỳ theo Luật Tiếp công dân vừa đi vào thực tiễn cuộc sống và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân sắp có hiệu lực (từ 15/8 tới đây).

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương định kỳ tiếp dân, trực tiếp lắng nghe và giải quyết những khúc mắc của người dân là rất cần thiết nhằm tiến đến một xã hội thực sự dân chủ, công bằng và văn minh.

Bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương trực tiếp tiếp dân, gặp gỡ, trao đổi và giải quyết thấu đáo những nguyện vọng chính đáng của người dân thể hiện trách nhiệm của những người được nhân dân tin tưởng, trao quyền; tác phong sâu sát của lãnh đạo, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, góp phần giữ vững và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Khi Bộ trưởng và người đứng đầu các địa phương tiếp dân, trực tiếp lắng nghe và giải quyết vướng mắc, bức xúc trong cuộc sống, dư luận kỳ vọng rằng chắc chắn những vấn đề lâu nay lùng nhùng, chậm trễ do cơ chế, trách nhiệm chưa rõ hoặc do có khuất tất sẽ được giải quyết nhanh gọn, thấu tình, đạt lý.

Bộ trưởng tiếp dân cũng là hành động đề cao đạo đức công vụ, mỗi vị bộ trưởng đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm của người đảng viên, của người cán bộ đối với nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người dân khi tìm đến các cơ quan công quyền chưa ý thức hết được quyền lợi và trách nhiệm của mình, tự tạo nên khoảng cách không đáng có đối với những người trực tiếp giải quyết nguyện vọng của mình nên không mạnh dạn trình bày. Ngược lại, một số người thiếu bình tĩnh, thiếu tôn trọng những người thực thi nhiệm vụ tiếp công dân, lạm dụng dân chủ để đề đạt những vấn đề không chính đáng hoặc khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, trái pháp luật, làm mất nhiều thời gian của cán bộ tiếp dân...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân của các Bộ trưởng nói riêng, lãnh đạo các cấp nói chung, cùng với sự tận tâm, trách nhiệm của những vị "công bộc", mỗi người dân cần nhận thức thấu đáo quyền lợi và trách nhiệm của mình, chuẩn bị nội dung trình bày ngắn gọn, đúng quy định với tinh thần thượng tôn pháp luật và văn minh nhất.

Muốn như vậy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các quy định về việc tiếp công dân, nhất là quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu không phải sự việc nào cũng mang đến báo cáo và yêu cầu các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao giải quyết; khi đến trụ sở tiếp công dân phải nhất thiết tuân theo các quy định của pháp luật và ứng xử có tính chất xây dựng, thật sự văn hóa./.

Trần Duy Văn (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất