Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 13/2/2014 15:2'(GMT+7)

"Phải chờ đến sau rằm"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cứ là phải chờ đến sau Rằm tháng Giêng - các chủ nhà, chủ công trình cùng các ông chủ thầu xây dựng than vãn như thế trước các công trình, ngôi nhà lớn bé đang ngổn ngang sắt thép, gạch, xi-măng. Cho đến hôm nay, theo dự kiến các khu công nghiệp phía Nam, các nhà máy, xí nghiệp mới có thể gom đủ hơn 90% số lao động đến làm việc. Ấy là con số quá khả quan so với các loại doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, nơi lao động tự do, mùa vụ ứng xử giữa chủ và người làm theo lối cảm tính, sự cảm thông, du di, nhường nhịn, chịu đựng lẫn nhau thay cho hợp đồng lao động ràng buộc chặt chẽ.

Chẳng phải vì vụ cấy lúa xuân giữ chân lao động. Việc đồng áng bây giờ có máy móc đỡ nhiều, người cấy trồng cũng dễ dàng thuê mướn tại chỗ. Cũng chẳng phải vì cần sức lao động trong nông nghiệp để tạo thêm của ăn của để dư dả, giá trị công lao động nhà nông bây giờ thấp lắm... Người ta dềnh dàng bởi chưa đi làm cũng chẳng sao trong khi các lệ tục cứ quay trở lại níu kéo. "Lễ tết quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng", cũng dịp này là việc họ, việc làng lắm thứ quanh những lễ khao, mừng thọ, cưới gả, và đặc biệt là hội làng và trảy hội nơi xa... Mà mùa lễ hội còn dài lắm, sớm nhất, đại trà cũng qua cả tháng Hai âm lịch. Hóa ra mùa ăn chơi đâu chỉ tháng Giêng. Và việc nhà, việc họ, việc làng là đón khách, là ăn cỗ, là rượu tràn cung mây, là cúng bái giải hạn, là bài bạc đỏ đen, phóng xe máy vù vù...

Các cửa hàng, các xưởng nhỏ, công trình nhỏ hoặc vẫn đóng cửa, hoặc chỉ mở lấy may, bán cho có. Các gia đình đô thị mỏi mắt trông chờ người giúp việc. Đành rằng khó khăn kinh tế nên việc làm ít đi, thu nhập không tăng, nghỉ thêm ít ngày chẳng qua giảm đi đôi chút tiền lương. Đành rằng sau những ngày tháng cuối năm làm tối mắt tối mũi để có tiền tiêu Tết thì cũng cần có đoạn nghỉ xả hơi. Nhưng cứ nghỉ dài nhiều phần thái quá đã làm chậm tiến độ bao công trình, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng đến việc chung xã hội. Và nghỉ dài chính là thứ lãng phí kép với cả công việc và cả sự tiêu dùng trong ăn uống, lễ bái, cờ bạc, là nhịp điệu, tác phong nông nghiệp rề rà, tùy tiện làm hỏng kỷ luật lao động cùng lối sống, phong cách nghiêm túc, chính xác theo lối công nghiệp mà cả đất nước phải phấn đấu gây dựng nhiều chục năm.

Tết đã nặng, đã dài nay lại kéo sang đến hết rằm, hết lễ hội nên càng nặng, càng dài. Nhà nước những năm gần đây đã lo cho việc vui Tết, đi lại của người lao động, người dân bằng việc thu xếp nghỉ Tết dài, làm việc bù, song sự quan tâm ấy vẫn không ngăn được sự tùy tiện cùng các lề thói sinh hoạt cũ kỹ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Có người nêu ý kiến rằng, nên nghiên cứu hai, ba năm mới ăn Tết dài để đỡ chuyện đi lại, tiêu xài lãng phí. Ý kiến này đáng được xem xét, nghiên cứu cũng như những cách thức, nề nếp quản lý tổ chức Tết ở các nước gần, xa. Nhưng dù thế nào biện pháp hành chính của Nhà nước không thể thay thế và thay đổi nhanh chóng được những thói quen lao động và sinh hoạt cũ của người dân. Phải là sự kiên trì vận động trong xã hội cùng với kỷ cương, pháp luật. Đã có những hành lang pháp lý rõ ràng về việc buộc chủ lao động và người lao động phải ký kết, thực hiện hợp đồng lao động, song còn nhiều loại hình lao động, nhất là lao động thời vụ, trôi nổi không được thực hiện và kiểm soát nghiêm. Nguyên nhân có nhiều ở lề thói cũ nhưng đều tập trung ở chỗ người chủ lao động lợi dụng sự ứng xử cảm tính giữa đôi bên mà lờ đi nhiều trách nhiệm phải có của mình. Khi những quyền lợi như lương, thưởng, bảo hiểm thất nghiệp hay tai nạn... không được đề cập đến đầy đủ, rõ ràng và thực thi nghiêm túc, người lao động không thấy mình có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu của người sử dụng lao động, trong đó có việc phải đến làm việc đúng hẹn sau Tết./.

Mạnh Hùng (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất