Thứ Bảy, 7/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 10/4/2014 19:58'(GMT+7)

Thưởng cho người tố giác tham nhũng

(Ảnh minh họa: Dantri.com.vn)

(Ảnh minh họa: Dantri.com.vn)

Đây là một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của dư luận trong suốt nhiều ngày qua. Nội dung này chính là vấn đề được nhiều đại biểu tham gia hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức tại thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa qua.

Không phải tới bây giờ, các cơ quan chức năng của Trung ương mới đề cập đến việc thưởng cho người tố giác tham nhũng. Việc này đã được tiến hành nhiều năm, thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tôn vinh những người dũng cảm tố giác tham nhũng; khen thưởng đột xuất; khen thưởng định kỳ hằng năm gắn với việc đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên… Tuy nhiên, tác dụng của các hình thức khen thưởng nói trên chưa thực sự trở thành động lực, huy động được mọi người, mọi lực lượng tham gia đấu tranh, tố giác tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xã hội.

Công bằng mà nói, việc thưởng cho người tố giác tham nhũng không phải là giải pháp tốt nhất để hạn chế, từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí trong xã hội. Nếu chỉ đơn giản phụ thuộc vào việc thưởng nhiều hay ít thì chắc chắn vấn nạn xã hội này đã được giải quyết, khắc phục từ lâu. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, với một trách nhiệm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến từng địa phương; là cuộc đấu tranh quyết liệt với chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người cụ thể. Đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn là biểu hiện của phẩm giá, đạo đức cách mạng, là trách nhiệm và bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức đối với nhân dân, đối với đất nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên phù hợp chắc chắn sẽ trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ, trở thành sức mạnh nội sinh, huy động và tập hợp được đông đảo lực lượng tham gia để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn và triệt tiêu tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong xã hội. Vì vậy, việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng như thế nào để phát huy tốt hiệu quả thực sự là điều rất đáng bàn.

Cùng với việc thực hiện các cơ chế, chính sách thưởng cho người tố giác tham nhũng, rất cần các cơ quan chức năng có những giải pháp, biện pháp để bảo vệ những con người dũng cảm ấy. Thực tế, thời gian qua, không ít người dũng cảm tố giác tham nhũng, tuy vụ việc đã được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng; những người vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng những người tham gia tố giác cũng gặp phải không ít chuyện phiền toái.

Tham nhũng, lãng phí đang được xem là “giặc nội xâm”; một cuộc chiến không có ranh giới; cuộc chiến không có súng đạn, nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Tham nhũng, lãng phí đang là những con sâu mọt đục khoét tiền của, công sức, mồ hôi, xương máu của nhân dân; là một trong những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, những người dũng cảm tố giác tham nhũng phải được xã hội xem như những người anh hùng. Chỉ khi có cái nhìn đúng, cùng với các chế độ, chính sách đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị thì việc phòng, chống tình trạng tham nhũng, lãng phí mới đạt được kết quả./.

Lê Ngọc Long (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất