Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/3/2009 17:3'(GMT+7)

Âm nhạc truyền thống và việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Khái niệm âm nhạc truyền thống ở đây trước hết cần được hiểu là những tác phẩm âm nhạc chính thống, phản ánh sinh động, sâu sắc hiện thực cách mạng và đời sống tinh thần phong phú cuả quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những bài ca cách mạng của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi ra đời trước Cách mạng tháng Tám, những bài hát thời kháng chiến chống Pháp, rồi sau đó là xây dựng hoà bình ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất giải phóng miền Nam, dựng xây Tổ quốc XHCN chính là âm nhạc truyền thống. Lùi về quá khứ trước khi có Đảng ra đời, cũng có thể coi kho tàng dân ca là âm nhạc truyền thống - theo tôi - vì có thể tìm thấy trong kho tàng đó tất cả mọi khía cạnh tinh tế, phong phú, sinh động của tâm hồn người Việt Nam. Những phẩm chất tốt đẹp nhất cuả người lao động xưa cũng được biểu hiện khá đầy đủ trong dân ca.

Nếu tuổi trẻ hôm nay phát triển đáng mừng về thể chất cộng với sự năng động, khả năng tiếp thu nhanh nhạy mọi thông tin mới mẻ, cập nhật về đủ mọi lĩnh vực cuộc sống thì ở một bộ phận không nhỏ thanh niên, tâm hồn, nhân cách lại có những biểu hiện lệch lạc, thậm chí xa lạ với truyền thống đạo lý cuả người Việt Nam. Bản thân họ không có lỗi, bởi chỉ là sản phẩm của giai đoạn lịch sử, một xã hội đang có rất nhiều biến động theo quy luật tất yếu. Vấn đề là toàn xã hội cần hiểu rõ điều đó để có cách giáo dục, nắn chỉnh, hướng họ phát triển những điểm tốt, hạn chế và loại trừ những điểm dở.

Trong những phương sách giáo dục thế hệ trẻ, có lẽ không có gì hiệu nghiệm hơn văn học nghệ thuật, trong đó âm nhạc là loại hình được họ rất ưa thích, nếu không nói là ưa thích nhất và dễ dàng đến nhất.

Nói đến giáo dục con người tức là giáo dục nhân cách, mà nhân cách hoàn chỉnh là những phẩm chất đẹp của tư tưởng, tình cảm cộng với khả năng cảm thụ cái đẹp. Ba khái niệm chân, thiện, mỹ tạo nên sự hoàn chỉnh đó. Con người chân và thiện sẽ có tư tưởng đạo đức tốt. Thêm yếu tố mỹ, con người sẽ biết thưởng thức, cảm thụ cái đẹp khiến tâm hồn phong phú, trái tim tinh tế.

Âm nhạc truyền thống- và chỉ có âm nhạc này mới có đầy đủ những yếu tố để có thể bồi dưỡng giáo dục sự hoàn chỉnh nhân cách như vừa nói. Trước hết nhân cách lớn nhất của mỗi con người phải là tình yêu, sự trung thành với Tổ Quốc. Sau đó mới đến tình cảm, phẩm chất khác. Xem xét trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam thấy rõ chủ đề Tổ Quốc luôn được biểu hiện sâu sắc, nổi rõ dưới mọi góc độ, khía cạnh, bằng mọi khai thác, thể hiện của người sáng tác là tình yêu Tổ Quốc, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh xứ sở luôn là một chủ đề lớn bao trùm lên nhiều tác phẩm lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chính chủ đề này đã làm nên giá trị lớn lao của âm nhạc truyền thống. Những bài hát ra đời ở thời kỳ tiền khởi nghĩa như Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước)... sở dĩ tồn tại lâu trong trái tim nhiều thế hệ người dân Việt Nam chính vì đã khơi đúng mạch luồng tình cảm yêu nước của mỗi người dân nô lệ đã cháy bỏng khát vọng giải phóng, dành độc lập tự do. Bất cứ lúc nào, ở đâu, Tổ Quốc cũng phải được đặt lên trên hết. Không có Tổ Quốc sẽ không có cuộc sống riêng của mỗi người và quyền làm người chỉ có thể được bảo toàn khi Tổ Quốc nguyên vẹn, không bị đe doạ vận mạng. Bởi vậy khi Tổ Quốc lâm nguy, trước nguy cơ bị xâm lược, nhân cách đẹp nhất của mỗi con người phải là sự lo lắng biến thành hành động thiết thực, đóng góp lớn nhất trong phạm vi có thể khả năng của mình cho công cuộc bảo vệ Tổ Quốc. Hàng loạt bài hát biểu hiện lòng yêu quê hương, căm thù giặc, quyết chiến quyết thắng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chính là những minh chứng rõ nhất trong việc thể hiện phẩm chất công dân của mỗi người Việt Nam. Tuổi trẻ hôm nay cần luôn được nghe những tác phẩm âm nhạc ấy để hiểu cha ông mình từng sống giản dị mà cao đẹp như thế nào trong quá khứ. Cuộc sống thanh bình no đủ, hạnh phúc dễ khiến người ta quên mọi thứ, nhất là những người bỗng nhiên được thừa hưởng những thành quả do người khác, thế hệ khác đem lại chứ không phải do chính họ làm ra. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi con người ta không biết cội nguồn, không biết mình sinh ra từ đâu và khôn lớn nhờ ai.

Hình ảnh những con người bình thường nhưng rất đỗi cao cả, đẹp đẽ được biểu hiện trong những bài ca về chiến đấu, lao động sản xuất , dựng xây cuộc sống mới sẽ luôn có tác dụng cảnh tỉnh những tư tưởng hạn hẹp, tầm thường của những người luôn chỉ biết đến cá nhân mình. Những chiến sỹ lạc quan yêu đời đi chiến đấu như đi làm một việc đẹp đẽ, ý nghĩa nhất trong Nhạc rừng của Hoàng Việt, cô thôn nữ và chàng du kích vừa sản xuất vừa chiến đấu để góp phần gìn giữ quê hương trong Ngày mùa của Văn Cao, những cô gái vui tươi hồn nhiên sâu nặng nghĩa tình với bộ đội luôn là nguồn động viên cổ vũ lớn cho các anh trong Quê em của Nguyễn Đức Toàn… sẽ là những bài học sâu sắc cho tuổi trẻ ngày nay về một lối sống, một nhân cách của mỗi con người trước hiện thực đất nước.

Lần theo lịch sử, đi suốt chiều dài cách mạng kháng chiến, xây dựng Tổ Quốc của dân tộc, khối lượng các tác phẩm âm nhạc truyền thống cứ đồ sộ thêm. Và phẩm chất công dân của mỗi người Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc không chỉ ở ý thức chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc mà còn ở rất nhiều khía cạnh khác: Lao động, xây dựng công cuộc đổi mới, hoàn thiện các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.

Những bài ca truyền thống về lao động và xây dựng Tổ Quốc sẽ thức tỉnh họ nhận ra bản thân trong mối tương quan xã hội. Có thể tìm thấy ý nghĩa này trong bất cứ một tác phẩm âm nhạc có giá trị nào về đề tài lao động. Ta hãy nghe những người thợ xây tâm sự với mọi người: “Bạn đời ơi, bạn có hay chăng niềm vui cuả những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong. Và em thân yêu ơi ngày mai chúng ta lại lên đường đến những chân trời mới…” (Bài ca xây dựng- Hoàng Vân). Người nghe không thể không nhận ra những ý nghĩ mộc mạc giản dị, những tình cảm chân thành nhưng đẹp đẽ và cao cả của những người thợ xây, bình thường khi nghĩ về hạnh phúc, quyền lợi riêng tây không tách rời, đối lập với mọi người: “Trong khói bom, dưới ánh trăng, suốt bốn mùa tôi vẫn xây. Tiếng hát vui cho chúng tôi, tiếng hát vui cho các bạn, cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau.” (Vẫn bài hát trên). “Chúng tôi” luôn gắn bó với “các bạn”. Trong âm nhạc truyền thống cũng có nhiều đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất ( Tôi, anh, em…) nhưng luôn hoà quyện với mọi người. Và không thể tìm thấy đại từ “ta” (số nhiều) trong những bài khác nằm ngoài nền âm nhạc truyền thống. Giáo dục thế hệ trẻ hôm nay rất cần họ hướng đến cái “ta” ấy, bởi phải có nhân cách vị tha, cao thượng mới “ta” được, thay vì cái “tôi” nhỏ hẹp, tư lợi vị kỷ thường vẫn xuất hiện ở bất cứ một chủ thể sáng tác nào trong những sản phẩm văn nghệ không trong nền âm nhạc truyền thống (Ví như trong bài ca của dòng nhạc lâu nay người ta vẫn gọi là Tiền chiến chẳng hạn).

Ngoài tình cảm đối với Tổ quốc, với ý nghĩa những công dân có ý thức, âm nhạc truyền thống còn giáo dục nhiều tình cảm tốt đẹp khác như tình mẫu tử, tình bạn, tình đồng loại và đặc biệt là tình yêu lứa đôi. Điểm khác biệt chủ yếu giữa các bài hát đề cập đến thứ tình cảm nhiệm màu này trong âm nhạc truyền thống với những bài ngoài phạm vi (thời “Tiền chiến”, vùng Mỹ-Nguỵ kiểm soát sau này, hoặc hải ngoại) là một đằng vươn tới những tình yêu cao thượng, trong sáng, đầy niềm tự tin, tự trọng và một đằng thì não nề ủ dột bi quan, yếm thế hoài nghi, có khi tuyệt vọng.

Ngoài những giá trị về tư tưởng, tình cảm, âm nhạc truyền thống còn có giá trị nghệ thuật cao. Đó là liều thuốc bổ giúp tuổi trẻ có được những khả năng tiếp cận, hấp thụ những chân giá trị đích thực, những cái đẹp cao sang mà điều này không thể thiếu trong việc hoàn chỉnh nhân cách như đã nói. Những làn điệu dân ca các vùng đất nước thắm đượm hồn dân tộc được các nhạc sĩ xử lý tài tình nhào nặn khéo léo để tạo nên những tác phẩm hiện đại nhưng lại thuần chất Việt Nam, đã tạo nên những vẻ lung linh như những viên ngọc cho nền ca khúc cách mạng. Những giai điệu được chắt lọc khó tính, những ngôn ngữ âm nhạc được lựa chọn công phu với những thủ pháp mang tính nghệ thuật cao đã tạo nên những vẻ đẹp độc đáo cho nhiều ca khúc truyền thống. Nghe những tác phẩm này, tuổi trẻ sẽ thêm phong phú, giàu có thêm mỹ cảm.

Trong nhiều phương tiện giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hôm nay, âm nhạc truyền thống là một phương tiện tối ưu. Cần đẩy mạnh những công việc hoàn toàn khả thi mà chúng ta đã nghĩ tới nhưng làm chưa mạnh. Trước mắt cần phổ cập hoá trình độ âm nhạc phổ thông ở các cấp học. Đưa việc giáo dục âm nhạc truyền thống vào trường phổ thông như một bộ môn chính thức bằng việc phổ biến, phân tích, phẩm bình những bài hát cụ thể chứ không chỉ là dạy nhạc lý, ký xướng âm. Cần nắn chỉnh lại việc tuyên truyền âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phát thanh truyền hình. Hạn chế bớt âm nhạc giải trí, thay vì hãy gia tăng âm nhạc giáo dục. Những chương trình ca nhạc vô thưởng vô phạt đang có khuynh hướng chen lấn những chương trình âm nhạc truyền thống là điều cần chấm dứt. Cần gia tăng công việc phê bình, lý luận, hướng dẫn thị hiếu âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ và tất nhiên trên hết là phải tìm đủ mọi cách để gia tăng, nối tiếp kho tàng âm nhạc truyền thống bằng những tác phẩm mới có giá trị cao về nghệ thuật./.

Nguyễn Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất