Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/3/2009 16:54'(GMT+7)

Giải "cơn khát" sách cho nông dân

Những tủ sách như thế này đã giúp cho nhiều nông dân được đọc sách.

Những tủ sách như thế này đã giúp cho nhiều nông dân được đọc sách.

Đến nay, mô hình đã giúp hàng trăm nông dân được tiếp cận các giá trị văn hóa, khoa học quý giá, bổ ích. “Trong tương lai, tủ sách sẽ giúp hàng ngàn nông dân giải tỏa cơn khát sách”, anh Thạch khẳng định.

Ý tưởng từ những chuyến đi

Chàng thanh niên có dáng vẻ thư sinh nhưng lại mang khuôn mặt của người từng trải nói rất nhiều về ý tưởng thành lập kênh giải trí cho nông dân, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cho bà con. Anh nói: “Tôi đã dành nhiều thời gian cho những chuyến đi dài, khi làm lơ xe, lúc lại rong ruổi khắp các nẻo đường từ Bắc vô Trung”. Khi được hỏi vì sao anh lại có sáng kiến hữu ích như vậy, Thạch cười: “Tôi sinh ra ở Sơn Lệ (Hương Sơn – Hà Tĩnh). Tuổi thơ gắn liền với nông thôn, người nông dân một nắng hai sương nên tôi hiểu bà con cần và thèm đọc sách đến thế nào. Chỉ một tờ báo hay một cuốn sách cũ nhưng người nông dân hay bọn trẻ cũng rất trân trọng”.

Ông nội anh là nhà nho ham đọc sách. Vì vậy, tuy nghèo nhưng trong nhà vẫn có trên 700 đầu sách với nhiều thể loại. Mỗi khi rảnh, ông đều kể cho anh nghe các mẩu chuyện vui, lúc lại đọc truyện Kiều, Tam Quốc diễn nghĩa... Ngay từ nhỏ, Thạch đã được sống trong câu chuyện của ông và kho tri thức vô tận của nhân loại.

Thế nhưng, cuộc sống với bộn bề khó khăn cơm áo gạo tiền đã đẩy anh trở thành “lơ” xe. Trong câu chuyện với khách, anh được biết có những nông dân nhờ sự cần cù học hỏi, sáng tạo mà trở thành nhà khoa học “chân đất”. Như nông dân Nguyễn Đức Hoàng ở thôn Bình An I, xã An Hòa (Châu Thành - An Giang) có sáng kiến chế tạo máy gặt đập liên hợp; hai bác nông dân ở tuổi thất thập Lê Mậu Trạch và Lê Niên Việt ở thôn Tuyên Hóa, xã Đông Anh (Đông Sơn - Thanh Hóa) đã chế tạo thành công máy cấy lúa. Anh nhận thấy, muốn trở thành người con tốt trong gia đình, thành viên tốt của dòng họ và công dân hữu ích trong xã hội, mọi người phải chuyên tâm đọc sách.

Cũng trên những chuyến đi đó, không ít lần anh chứng kiến những va chạm rất đỗi đời thường và điều làm anh băn khoăn nhất chính là con người đối xử với nhau “tàn nhẫn quá”. Phải chăng vì kiến thức quá ít hay vì đời sống khó khăn mà con người đối xử với nhau như vậy? Anh tự hỏi rồi lại tự tìm câu trả lời: “Nếu người ta có văn hóa, có tri thức, chắc chắn sẽ không bao giờ có cách cư xử như vậy. Nhưng nếu để họ bỏ tiền ra mua sách thì rất khó và quá sức với người nông dân. Thiếu sách, thiếu văn hóa, kiến thức dẫn tới đói nghèo cứ luẩn quẩn, đeo đẳng ở nhiều làng quê, thậm chí con người đối xử với nhau cũng khác”.

Năm 1997, anh bỏ nghề phụ xe và thi vào Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Sau mỗi kỳ nghỉ hè, anh lại về khắp các miền quê tìm hiểu nhu cầu đọc sách của nông dân. Mỗi lần đi, anh nhận thấy dù ở đâu, miền quê nào thì văn hóa dòng họ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống người nông dân. Với bà con, dòng họ là nơi gắn kết của các thành viên, là chỗ dựa tinh thần của mọi người. Và cách tốt nhất để đưa sách tới người nông dân chính là những tủ sách dòng họ.

Tủ sách dòng họ

Với mong muốn mọi người đều có sách đọc để nâng cao dân trí, góp phần khuyến học, nâng cao chất lượng sống cho bà con, anh đã thiết lập mô hình tủ sách khuyến đọc nông thôn thông qua sự quản lý của các dòng họ (gọi là tủ sách dòng họ). Qua mô hình này, người nông dân sẽ có thêm kiến thức khoa học, pháp luật, lịch sử..., làm phong phú đời sống tinh thần cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Thông qua mô hình này, nông thôn Việt Nam sẽ có hệ thống thư viện do chính nhân dân tự xây dựng, bảo quản. Anh bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ chính quê hương mình. Ban đầu, mọi người trong gia đình phản đối, cho rằng đấy là việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng sau khi nghe anh giải thích, ai cũng ủng hộ.

Sau 10 năm nghiên cứu, theo dõi dựa trên những biến chuyển tích cực của văn hóa dòng họ cộng với sự ủng hộ của một số cá nhân, năm 2007, tủ sách dòng họ Nguyễn Quang, xã Sơn Lệ (Hương Sơn – Hà Tĩnh) ra đời. Đến nay, anh đã cung cấp 17 tủ sách cho 17 dòng họ, bao gồm: họ Nguyễn Duy ở xã Sơn Tiến (Hương Sơn – Hà Tĩnh), họ Phan Văn ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên - Nghệ An); họ Lê Xuân ở xã Quảng Ngọc (Quảng Xương - Thanh Hoá)...

Tủ sách được xây dựng giống như một thư viện nhỏ. Trong đó, một người trong dòng họ đóng vai trò thủ thư. Trung bình, mỗi tủ sách có khoảng 200 đầu sách, trị giá 3-4 triệu đồng. Đến nay, mô hình tủ sách khuyến đọc nông thôn đã nhận được 1.243 đầu sách với 1.307 cuốn sách và 11,3 triệu đồng cùng 200 USD do 41 cá nhân ủng hộ. Anh Thạch hào hứng: “Đã có nhiều bác nông dân có thể kể vanh vách truyện Tam Quốc diễn nghĩa, triết lý nhà Phật hay những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt”. Thấy hiệu quả, nhiều dòng họ đã tự góp tiền đóng tủ, sau đó liên hệ với anh xin sách.

Anh còn viết thư gửi bác Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Trong thư anh bày tỏ mong muốn Hội sẽ phối hợp cùng anh thực hiện việc thiết lập mô hình này trong các dòng họ ở nông thôn. Điều này góp phần khích lệ học sinh, trẻ nhỏ thêm yêu và ham đọc sách.

Bác Nguyễn Văn Quỳnh, thủ thư của dòng họ Nguyễn Văn ở xã Sơn An (Hương Sơn – Hà Tĩnh) tâm sự: “Chỉ mới hơn 2 tuần lập tủ sách nhưng đã có trên 200 lượt người đến mượn, chủ yếu là nông dân và học sinh. Không chỉ giúp nâng cao kiến thức cho nông dân mà thông qua mô hình này, quan hệ giữa những người trong dòng họ ngày càng gắn kết, bền chặt”.

Tâm sự về tương lai của mô hình này, anh Thạch nói: “Nhà báo tính xem, nếu mỗi tin nhắn SMS chỉ cần nhà cung cấp dịch vụ ủng hộ chúng tôi 100 đồng, thì mỗi tháng sẽ có hàng chục tỷ đồng được đóng góp. Như vậy, sẽ có hàng triệu nông dân được đọc sách”.

Anh bảo: “Đây là công việc giản dị nhưng với tôi và cả hàng chục triệu người nông dân Việt Nam thì nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao”. Tôi hiểu, chỉ những ai đam mê, có tình yêu thực sự và sự cảm thông sâu sắc với nông dân mới có thể làm được việc này./.
 
(Theo: Quỳnh Hương/Kinh tế nông thôn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất