Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 27/11/2008 15:17'(GMT+7)

“Phản văn hóa”, trước hết là ở người sản xuất

Một quảng cáo cho game bạo lực

Một quảng cáo cho game bạo lực

Sự quan tâm của hệ thống thông tin đại chúng tới các sự kiện thường được gọi là “sốc văn hóa” đã gây nên sự chú ý của dư luận rộng rãi. Và thực tế cho thấy, “sốc văn hóa” được sử dụng trên ý nghĩa rất rộng, từ buổi trình diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc, một tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao, một cuốn sách hay đến một câu nói gây phản cảm của một vị linh mục, một trò diễn lố lăng, rồi bạo hành trẻ em, tình trạng bạo lực học đường và tội phạm gia tăng trong giới trẻ, rồi các văn bản xuyên tạc nội dung một số tác phẩm nghệ thuật vốn được công chúng hâm mộ… Như vậy xem xét thật kỹ lưỡng và trên diện rộng sẽ thấy, khi đề cập tới “sốc văn hóa”, trên hệ thống thông tin đại chúng và trong quan niệm của một số người đã xuất hiện tình huống quy nạp khá nhiều sự vật - hiện tượng mang bản chất đối lập nhau vào nội hàm của một khái niệm, như: hay lẫn dở, tích cực lẫn tiêu cực, hấp dẫn lẫn phản cảm… Bởi trong những sự kiện được gọi là “sốc văn hóa”, bên sản phẩm hay hiện tượng đem lại sự thích thú, hấp dẫn với công chúng, thì lại có sản phẩm hay hiện tượng ngay khi xuất hiện đã bị xã hội - con người lên tiếng phê phán, tẩy chay. Tình trạng này là có nguyên nhân của nó, bởi trong nhận thức chung của xã hội, hình như quan niệm về “văn hóa” và “phản văn hóa” vẫn chưa rạch ròi, đẩy tới sự nhầm lẫn.

Chỉ xét trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, mấy năm qua đã có một số sự kiện làm xôn xao dư luận cả nước, thật sự là những cú “sốc” đối với người đọc, người xem. Như các cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi… chẳng hạn. Đây là hai tác phẩm có số lượng phát hành lớn, được đông đảo công chúng đón nhận, ấn tượng của hai cuốn sách để lại trong công chúng hết sức đậm đà, lành mạnh. Tương tự như thế, các chương trình truyền hình trực tiếp tại thành cổ Quảng Trị, tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi mười nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh,… đã được người xem chờ đợi, tán thưởng nồng nhiệt. Ký ức về các trận đánh oanh liệt và hào hùng, với những con người cụ thể từng sống, chiến đấu trong những ngày gian khổ, đã đem tới cho người xem những cảm xúc không dễ có trong thời kỳ mà sự hối hả của cuộc sống có thể làm một số người sao lãng câu chuyện của ngày hôm qua. Rộng hơn, trên bình diện xã hội, đã có rất nhiều sự kiện - con người làm xôn xao dư luận, và mọi người nhìn thấy ở đó những tấm gương cần học hỏi. Đó là các tỷ phú làm giàu từ hai bàn tay và trí tuệ của chính mình. Đó là sau mỗi kỳ thi đại học, công chúng lại tỏ rõ lòng mến trọng với một số thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn thi đỗ điểm cao. Đó là hình ảnh một người thầy giáo mang trọng bệnh, hàng tuần phải đi hàng trăm cây số để chữa trị, song vẫn miệt mài trên bục giảng để truyền dạy về Tư tưởng của Bác Hồ, để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc trong người học… Có thể kể ra rất nhiều sự kiện - con người như vậy trong cuộc sống hôm nay mà bản chất của các sự kiện - con người này là “tính văn hóa”, là giúp vào việc bổ sung, nâng cao, phát triển các giá trị Chân - Thiện - Mỹ cho con người - xã hội.

Đối lập với các sự kiện kể trên, thời gian qua lại có một số sự kiện gây “sốc” và làm cho dư luận phải phản ứng gay gắt, thậm chí là căm phẫn, chỉ vì chúng không giúp làm cho con người đẹp hơn, lương thiện hơn. Đó là những cuốn sách dành cho trẻ em nhưng chứa đựng các hình ảnh bạo lực, phi luân và nhiều hành vi gợi dục do NXB Thanh Hóa và NXB Văn hóa - Thông tin phát hành. Không có lý do gì để có thể bao biện cho sự vô trách nhiệm của những người đã cho xuất bản các cuốn sách đó. Đây thật là hành vi đầu độc lớp trẻ, là khuyến khích cái xấu và tác động tiêu cực tới thế giới tâm hồn của trẻ em. Rất tiếc là một nhà xuất bản của ngành văn hóa đã tham gia vào sự việc, và không thể không đặt câu hỏi: Chẳng lẽ người ta chưa bao giờ nghĩ đến hậu quả xấu đối với xã hội khi đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích văn hóa hay sao? Phải kể đến sự kiện gần đây hơn là có người đang tâm bỏ người bệnh từ trên xe cứu thương xuống vệ đường rồi bỏ đi; rồi “clip sex” của một nữ diễn viên phát tán trên internet; rồi có người “đạo văn” để ngang nhiên trưng bày giữa Quốc Tử Giám; rồi mấy câu văn vần tục tĩu được gọi là thơ; một số tác phẩm văn xuôi với những chuyện tình ái trần trụi, những câu chửi bậy, lời văng tục. Một ví dụ khác có thể dẫn lại là câu hỏi về tính mục đích của một số tác phẩm hồi ký. Đọc Cô bé nhìn mưa của PGS Đặng Thị Hạnh, người đọc tiếp xúc với các hồi ức được viết bằng một phong cách văn chương vừa trí tuệ vừa trong trẻo, đôn hậu, dịu dàng, ký ức được xem xét từ một góc nhìn nhân ái thì ngược lại, ở một vài hồi ký khác, đọc xong, không khó để đặt ra câu hỏi: Phải chăng tác giả viết hồi ký để “thanh toán ân oán giang hồ”, phải chăng hồi ký là cách thức để tác giả tự đánh bóng, tự tâng bốc bản thân?… Các hiện tượng trên đây (không kể Cô bé nhìn mưa) hoàn toàn không mang tính văn hóa, và nếu con người thiếu khả năng chọn lọc, để từ đó tiêm nhiễm, thực hành thì sự lây lan sẽ trực tiếp đưa tới các tác động làm tha hóa chính bản thân con người. Cho nên về bản chất, chúng là các sản phẩm “phản văn hóa” và hoàn toàn đối lập với các giá trị con người.

Trên một ý nghĩa nhất định và nhìn từ góc độ phát triển các giá trị vật chất và tinh thần thì xét đến cùng, lịch sử nhân loại chính là lịch sử phát triển văn hóa. Với những gì nó mang tải, văn hóa đã trở thành thước đo, trở thành tiêu chí đánh giá phẩm chất và trình độ phát triển của mỗi xã hội, mỗi con người. Vì thế, nói đến văn hóa là nói đến giá trị người, và quá trình “văn hóa hóa” chính là quá trình làm cho con người trở thành “con người viết hoa” với các ý nghĩa cao quý. Lịch sử của nhân loại, lịch sử mỗi quốc gia, lịch sử của mỗi con người có thể có bước thăng trầm, có thể có thời điểm, thời đoạn mà cái ác, cái xấu hoành hành vừa làm tha hóa vừa cản trở bước đi lên của xã hội, nhưng về tính tất yếu, thì xã hội - con người chỉ có thể phát triển bằng các giá trị văn hóa, bằng các giá trị nhân văn.

Trong các giai đoạn lịch sử trước, đã có hàng nghìn năm, hệ thống giá trị văn hóa của xã hội - con người ở Việt Nam vận hành theo một xu hướng khá ổn định. Văn hóa Việt Nam truyền thống bao chứa trong nó những giá trị như là kết quả tổng hòa của quá trình tiếp biến giữa văn hóa nội sinh với văn hóa ngoại sinh. Song, do sự chi phối của quan niệm gần như bất định đối với sự vận hành xã hội, nên hàng nghìn năm trước, văn hóa Việt Nam dù phong phú, sinh động thì vẫn chưa được nhìn nhận là động lực của sự phát triển, mà chủ yếu được coi là nền tảng củng cố sự tồn tại. Cho nên, việc sản xuất sản phẩm văn hóa phải tuân thủ những tiêu chí khá nghiêm ngặt, tiền nhân ít khi hướng tới việc sản xuất sản phẩm có thể gây biến động trong sinh hoạt, làm cho sự ra đời của sự vật - hiện tượng có khả năng gây “sốc” trong tiếp nhận văn hóa xưa kia là rất hãn hữu. Nói cách khác, trong hàng nghìn năm, sự bình ổn của hệ thống giá trị văn hóa, xu hướng củng cố sự bình ổn cùng khả năng hạn chế của phương tiện truyền tải… hầu như rất khó làm ra các cú “sốc” đối với xã hội. Ngày nay thì khác, một mặt xã hội đã có quan niệm đúng đắn về vai trò của văn hóa với tư cách là động lực tinh thần của phát triển, một mặt hệ thống giá trị văn hóa được mở rộng, nâng cấp, quan trọng hơn là con người được khuyến khích, được tạo điều kiện tham gia sản xuất các giá trị văn hóa, làm phong phú thế giới văn hóa của chính mình và cộng đồng. Tuy nhiên, các thuận lợi ấy lại vận hành trong bối cảnh của quá trình mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế - văn hóa với thế giới hết sức đa dạng và phức tạp, một số giá trị văn hóa đã lỗi thời vẫn tồn tại dai dẳng, rồi sự chi phối của tính tự phát trong quá trình sản xuất đã đưa tới một số hạn chế trong khi phân biệt sự khác nhau giữa sản phẩm có tính văn hóa và sản phẩm có tính “phản văn hóa”…

Đơn cử một hiện tượng xã hội như mode chẳng hạn. Xét trong bản chất của nó, mode là hiện tượng thuộc về thị hiếu thẩm mỹ, có nguồn gốc sâu sa từ nhu cầu làm đẹp mình, qua đó làm đẹp xã hội. Trong các thời kỳ trước, do sự ổn định của hệ thống chuẩn mực và giá trị văn hóa - thẩm mỹ, cho nên mode không xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày của xã hội. Như với trang phục, cha ông chúng ta đã ít nhiều “quy chuẩn hóa”, cụ thể là phụ nữ thì váy lĩnh và áo mớ ba mớ bảy, nam giới thì quần lá tọa với khăn xếp áo the… Từ khi trang phục trong xã hội bắt đầu có dấu hiệu chuyển dịch, sau khi tiếp xúc với văn hóa - văn minh phương Tây, thì mode bắt đầu xuất hiện, và làm cho trang phục của con người trở nên đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn. Các năm gần đây, phải nói rằng trang phục của người Việt Nam đã “gần như” đã theo kịp với sự thay đổi trang phục của thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn là lập tức những mode trang phục mới ra đời ở nước ngoài đã có mặt trong nước. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không phải mode nào cũng đẹp, mode nào cũng góp phần hoàn thiện vẻ đẹp của con người, mà lại có những mode lố lăng, dị hợm, phô bày thân thể, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… và làm cho dư luận lành mạnh phải lên tiếng. Chưa nói, trong khi khả năng kinh tế cá nhân, khả năng kinh tế của xã hội chưa thể thỏa mãn các nhu cầu thì vì “chạy theo mode”, vì điện thoại di động, xe máy, quần “bò”… mà có người vi phạm pháp luật. Và như thế, ngay trong mode - một hiện tượng văn hóa thẩm mỹ, cũng chứa đựng một số vấn đề mà nếu không xem xét kỹ lưỡng, có thể đẩy tới sự kỳ thị hoặc dung túng. Nói cách khác, ngay trong mode trang phục của xã hội hiện tại, cũng đã mang theo yếu tố văn hóa và cả yếu tố “phản văn hóa”.

Quá trình sản xuất văn hóa, trên phương diện nào cũng là quá trình sản xuất các giá trị nhằm phát triển và hoàn thiện con người. Quá trình đó gắn liền với khả năng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, ngày càng bản chất hơn về tự nhiên, xã hội và con người, theo tiến trình từ sơ khởi đến các giai đoạn sau phát triển hơn. Kết quả của quá trình nhận thức và sản xuất đó đã đưa tới sự ra đời, hình thành, phát triển của hệ thống các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, và đồng thời đặt con người vào xu thế tất yếu là phải “văn hóa hóa”, phải làm cho bản thân trở thành con người văn hóa, phải tham gia xây dựng xã hội trở thành xã hội văn hóa. Tiến trình sản xuất văn hóa và xác lập các giá trị, chuẩn mực của văn hóa thể hiện rất rõ nét qua việc con người thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu của mình là ăn, mặc, ở, bảo toàn nòi giống. Văn hóa đã trực tiếp giúp con người đi từ ăn uống ở thời mông muội đến văn hóa ẩm thực - như hôm nay chúng ta thường gọi, hết sức đa dạng. Với thỏa mãn nhu cầu mặc cũng vậy, con người đã đi từ chiếc khố làm bằng vỏ cây đến những bộ quần áo hiện đại ngày càng đẹp hơn. Tương tự như thế với nhu cầu ở, con người đã thỏa mãn nhu cầu này bằng các bước đi từ ở trong hang động đến ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi… Đây cũng là điều mà một triết gia đã đề cập khi phân biệt sự khác nhau giữa “ăn sống nuốt tươi” với việc ăn bằng thìa và nĩa.

Tuy nhiên, do yêu cầu riêng của lịch sử và do một số giới hạn của nhận thức, mà trong tiến trình văn hóa, dù luôn nằm trong xu hướng đi lên và có “mẫu số chung”, thì mỗi thời kỳ lại có tiêu chí văn hóa riêng và điều này, một mặt làm nên tính liên tục lịch sử của văn hóa, mặt khác lại đòi hỏi con người phải tuân thủ các chuẩn mực riêng của mỗi giai đoạn. Như với đạo đức chẳng hạn, nếu đạo hiếu là “mẫu số chung” của quan hệ giữa con cái với cha mẹ thì so sánh sự thực hành của quan hệ này giữa thời trung đại với thời hiện đại ở Việt Nam đã có một số điểm khác nhau. Ngày nay, nếu câu tục ngữ “Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” vẫn nguyên giá trị thì các câu tục ngữ “Mẹ già ở tấm lều tranh - Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con”, “Con gái thì gả chồng gần - Có bát canh cần nó cũng đưa sang” đã ít nhiều chuyển dịch ý nghĩa khi con người tỏ ra không còn bằng lòng với giới hạn tù túng của lũy tre làng, mà ngày càng mở rộng phạm vi sinh sống của mình. Tình huống mới về cư trú đã làm cho việc “sớm thăm, tối viếng” dù có muốn cũng trở nên khó khăn, và từ đó, cả cha mẹ và con cái đều chấp nhận việc thực hành đạo hiếu qua thư từ, điện thoại, về thăm cha mẹ vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc về phép; và đồng quà tấm bánh hay chiếc áo mới nhiều khi lại được thay thế bằng chiếc “phong bì” để cha mẹ mua sắm tùy ý. Như vậy là, việc thực hành đạo hiếu đã có chuyển dịch để thích ứng với tình huống mới của cuộc sống, và dường như điều này đã được số đông dân chúng chấp nhận.

Trong tư cách là chủ thể của quá trình sản xuất văn hóa, con người luôn luôn có khát vọng phải làm sao để sản phẩm do mình làm ra có tính hữu dụng ngày càng cao, ngày càng đẹp, ý nghĩa nhân văn ngày càng phong phú, sâu sắc. Đó là căn nguyên lý giải tại sao tính thẩm mỹ lại tham gia vào việc làm đẹp ngôi nhà, chiếc xe, thậm chí đến chiếc áo - vật dụng mà chức năng trước hết là để “che nửa trên của cơ thể”. Ngay cả khi sản xuất các sản phẩm của nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng vậy, từ máy bay, tầu hỏa cao tốc, ô tô, máy tính… tới điện thoại di động, xe máy,… con người vẫn chú ý đến vai trò của tính thẩm mỹ để làm sao sản phẩm vừa hữu dụng vừa “bắt mắt”, phù hợp thị hiếu thẩm mỹ của người sử dụng. Với các sản phẩm tinh thần, từ lý tưởng mà xã hội đang hướng tới đến các bài hát, bản nhạc, cuốn truyện, bức tranh, vở kịch, bộ phim… thì yêu cầu về tính nhân văn còn cao hơn rất nhiều. Bởi những tác phẩm này tác động trực tiếp tới sự hoàn thiện thế giới tinh thần bên trong của mỗi người, làm cho thế giới ấy trở nên phong phú hay nghèo nàn, sinh động hay cằn cỗi, giàu khát vọng sáng tạo hay thụ động, lười nhác… Điều đó cho thấy, việc sản xuất các sản phẩm văn hóa trước hết phụ thuộc vào quan niệm và mục đích của người sản xuất, vào việc họ huy động phương tiện để đem sản phẩm ấy đến với con người như thế nào. Và nếu khi trong xã hội xuất hiện các sản phẩm “phản văn hóa” thì người sản xuất phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, duy nhất. Bởi không ai khác, chính họ là chủ nhân của sản phẩm, họ phải chịu trách nhiệm trước xã hội.

Trong sự phát triển phẩm chất, năng lực văn hóa của con người, phải nhấn mạnh đối với hình thành - phát triển thế giới tinh thần (không chỉ là thâu nạp các giá trị Chân - Thiện - Mỹ nói chung mà còn là thâu nạp tri thức và những giá trị làm nên phẩm cách) thì việc giáo dục ngay từ khi còn nhỏ giữ vai trò hết sức quan trọng. Những nét chấm phá đầu tiên của nhân cách được phác họa từ giáo dục gia đình đến nhà trường và xã hội. Nói cách khác, phẩm chất - bản lĩnh văn hóa của mỗi con người khi mới hình thành được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, mà cơ bản và tập trung là ở không gian văn hóa gia đình, rộng hơn là không gian văn hóa nhà trường, xã hội. Sự quyết định này có thể diễn ra dưới hình thức “cưỡng bức” như ở gia đình và nhà trường, cũng có thể diễn ra dưới hình thức tự nhiên, ngoài ý muốn như khi trẻ em tiếp xúc, thiết lập quan hệ với sinh hoạt xã hội. Tập hợp các giá trị được con người thâu nạp từ khi còn nhỏ là nền móng đầu tiên để tạo dựng nên hình hài con người văn hóa. Từ nền tảng ấy con người phát triển và vì thế, ký ức văn hóa thuở thiếu thời thường để lại dấu ấn rất sâu đậm. Hiển nhiên, nếu “nền móng” ấy không được xây dựng một cách nghiêm túc mà còn chứa đựng cả sự vật - hiện tượng “phản văn hóa” thì rất dễ đẩy con người tới những hành vi nằm ngoài tiêu chuẩn văn hóa chung của cộng đồng.

Trở lại với “phản văn hóa”. Trước hết phải nhấn mạnh rằng, các sự vật - hiện tượng phản văn hóa không giúp làm nên phẩm cách con người. Sự ra đời của sự vật - hiện tượng “phản văn hóa” luôn có khả năng gây tác hại khôn lường đối với tiến trình phát triển xã hội, và trực tiếp đẩy tới sự tha hóa con người. Việc phê phán các sự vật - hiện tượng “phản văn hóa” trong thời gian gần đây cho thấy các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa lành mạnh vẫn giữ vai trò chủ động trong sinh hoạt xã hội. Do vậy, vấn đề cần quan tâm là phải trả lời câu hỏi: Tại sao các sự vật - hiện tượng phản văn hóa lại nảy sinh, thậm chí còn có thể thẩm thấu, chi phối hành vi của một nhóm xã hội, như sự xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt lớp tuổi và sinh hoạt xã hội của lớp tuổi vị thành niên, mà báo chí, dư luận đã lên tiếng phê phán, lo ngại sẽ là một nguy cơ tràn lan, hay hiện tượng xuất bản một số ấn phẩm dành cho trẻ em lại có hình ảnh, nội dung bậy bạ…?

Như đã trình bày, người sản xuất là người chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với sự ra đời của sản phẩm “phản văn hóa” trong sinh hoạt xã hội. Hiển nhiên, với sự phát triển của con người như ngày nay, không thể coi đó là hành vi tự phát mà phải coi đây là hành vi có ý thức, nhưng là ý thức vô trách nhiệm đối với cộng đồng. Tuy nhiên vấn đề ở đây không chỉ là sự nhận thức, bởi trừ một số cá nhân (như văn nghệ sĩ trẻ ít nhiều còn nông nổi, chưa đủ chín chắn để phân biệt lợi - hại, hay - dở khi công bố tác phẩm trước công chúng) chắc chắn số người còn lại đều nắm bắt được tác động nguy hại của sản phẩm do họ sản xuất và họ đã cố tình tảng lờ sự nguy hại ấy. Hoàn toàn có thể nói rằng hiện tượng trên đây có hai nguyên nhân chủ yếu: sự thiếu hụt trong hiểu biết về tác động ngược chiều của sản phẩm đối với xã hội - con người và mục đích vì lợi nhuận. Một số người, trong khi chạy theo lợi ích kinh tế hẹp hòi của cá nhân, đã buông lơi, hạ thấp ý nghĩa văn hoá của sản phẩm do họ làm ra và các sản phẩm đó đã có tác động xấu tới sự phát triển đời sống tinh thần của xã hội. Nhìn ra thế giới, hậu quả nhãn tiền của mô hình “xã hội tiêu thụ” cùng sự suy giảm những giá trị văn hoá tinh thần ở một số quốc gia là bài học chúng ta phải tham khảo trong khi xây dựng mối quan hệ cân bằng, đồng bộ giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần của xã hội. Mấy năm gần đây, một sự thật đáng lo ngại đã và đang diễn ra là trong khi mức sống, thu nhập quốc dân tăng lên thì các tệ nạn xã hội nảy sinh, đạo đức xã hội có những mặt xuống cấp, tự nhiên bị khai thác bừa bãi và lối sống thực dụng cực đoan đã chi phối hoạt động của không ít cá nhân…

Trong thực tế, đã xuất hiện những tín hiệu đầu tiên của tình trạng mất cân đối giữa văn hoá và phát triển. Và đó là điều rất đáng quan ngại. Rất đáng quan ngại bởi các hiện tượng “phản văn hoá” sẽ không chỉ có tác hại đối với xã hội - con người của hôm nay, mà còn có tác hại đối với xã hội - con người trong tương lai. Chính vì thế, vì tương lai của nền văn hoá dân tộc, vì sự toàn vẹn của một đời sống đạo đức lành mạnh, đã đến lúc yêu cầu tinh thần văn hoá tự giác phải trở thành phẩm chất bên trong của mỗi người phải được kết hợp với những biện pháp chế tài dựa trên cơ sở luật pháp để xử lý các sản phẩm “phản văn hoá”. Nói cách khác, đối với các cá nhân là chủ thể của quá trình sản xuất - quảng bá các sản phẩm «phản văn hoá» thì việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh cũng phải có vai trò thượng tôn./.

  • Nguyễn Hoà
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất