Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 26/11/2008 15:38'(GMT+7)

Từ cái ấm ủ nghĩ đến văn hoá Trà xứ Bắc và văn hoá làng nghề

Những gì được gọi là văn hoá sẽ còn tồn tại mãi với thời gian cho dù những thực thể vật chất tạo nên nó đã không còn. Theo chân những nhà nghiên cứu văn hoá, tôi khám phá được nhiều điều từ những nền văn hoá đang tồn tại bất biến như những tượng đài minh chứng cho tiến trình phát triển của con người, của những vùng miền đặc trưng của xã hội (như văn hoá Sa Huỳnh, Oóc Eo, Chăm…).

Trong khi bóc tách những tầng lớp văn hoá còn bí ẩn thì nhiều thực thể văn hoá cũng lại dần mất đi. Tôi đặc biệt ấn tượng với “Văn hoá Sơn Vi”, với những dấu ấn của nền văn minh lúa nước được hình thành từ thời khởi thuỷ. Sơn Vi còn là một địa chỉ văn hoá…

Sơn Vi (Lâm Thao - Phú Thọ) là một xã nhỏ thuần nông có khoảng hơn 2.000 hộ dân, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân ở đây còn có thêm nhiều nghề phụ như: làm đũa sơn, thêu ren, dệt thảm, tranh sơn mài, làm chăn bông, dệt vải…, Sơn Vi còn có nghề làm ấm ủ truyền thống một thời thịnh vượng đã đem lại sự phồn vinh cũng như tiếng tăm cho cả một địa phương. Nhưng đến nay nghề làm ấm ủ đang bị mai một dần đi, từ chỗ có gần nghìn hộ (những năm 1990) nay chỉ còn không đến chục hộ, sản phẩm đang bế tắc bởi đầu ra, thu nhập của người lao động thấp, đó là lý do khiến người dân Sơn Vi chia tay không hề luyến tiếc với nghề truyền thống của mình, họ không sống nổi với nghề…

Người dân xứ Bắc hầu như đều “quen mặt” với cái ấm ủ, đơn giản vì người

Ấm ủ Sơn Vi

Bắc rất “nghiền trà”, trong cái lạnh lẽo đến khắc nghiệt của mùa đông xứ Bắc thì bên những chén trà, cái ấm ủ lại càng thêm ý nghĩa. Nghề làm ấm ủ duy nhất chỉ có và nổi tiếng ở Sơn Vi, tuy rằng ấm ủ được sản xuất thủ công và khá giản đơn. Từ nứa (làm nan), rơm, bông, vải vụn (làm lõi ấm), ván xoan mỏng (làm đáy) và sơn gắn, sơn quang dầu để trang trí… cái ấm ủ là hiện thân của sự thanh sơ, chân chất mộc mạc nhưng cũng rất cao sang trong mỗi cuộc hội hè lễ tết ở làng quê. Nếu xét về nguyên vật liệu, giá thành thì cái ấm ủ chẳng “đáng” gì (chỉ năm nghìn đến bảy nghìn đồng/cái), có lẽ cái ấm ủ chỉ trở nên nổi tiếng bởi người ta tính đến cái công lao động cần mẫn và âm thầm của người thợ. Quy trình làm ấm ủ gian nan và “dài hơi” nhất là lúc làm nan, người thợ lấy nứa cạo sạch tinh, cắt ngắn theo kích cỡ, đem phơi khô vài nắng sau đó đem luộc lên, phơi lại rồi bó vào từng bó, đến lúc đem ra làm lại phải ngâm nước cho mềm nan… chính vì làm kỹ như vậy nên phần nan hạn chế được mối mọt và giòn gãy, cái ấm ủ rất bền.

Trước đây thợ làm ấm lùng sục khắp nơi mua nứa, chợ Tứ Xã (Lâm Thao) có lúc nứa chất đống như rừng, người ta chỉ việc tới mua về. Bây giờ cùng với sự đi xuống của làng nghề, chẳng còn ai đi bán nữa. Nghề làm ấm ủ mặc dù tận dụng được tối đa sức lao động và những thời gian rỗi rãi, nông nhàn, nhưng vì đầu ra ngày một khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, ngày công của người lao động cực kỳ rẻ mạt, người ta muốn chung thuỷ với nghề có lẽ cũng không được nữa.

Người dân Sơn Vi dần dần bỏ nghề truyền thống làm ấm ủ, họ bung ra làm

Anh Nguyễn Văn Hảo, một trong ít ỏi
số thợ còn trung thành với nghề làm
ấm ủ truyền thống ở Sơn Vi
nhiều nghề khác nhau để kíêm sống, nhiều người vẫn làm ruộng, nhiều người rời làng đi kiếm ăn ở nơi xa. Cái ấm ủ cổ truyền dần dần bị cái ấm ủ “cách tân” lấn lướt, người dân các tỉnh khác sau một thời gian thấy vắng mặt cái ấm ủ truyền thống Sơn Vi đã bắt đầu chuộng hơn các loại ấm ủ sơn mài, vỏ quả dừa, gỗ tiện… của Nam Định, Thạch Thất (Hà Tây cũ) và các tỉnh khác phía Nam. Làng nghề Sơn Vi đang chìm dần và có nguy cơ sẽ biến mất, làng nghề đang thoi thóp tồn tại với hơn chục hộ làm ấm, không khí làng nghề không còn được như xưa.

Không chỉ riêng Sơn Vi mà nhiều làng nghề truyền thống khác cũng đang trên đà …đi xuống. Nhà nước cũng đã cảnh báo về sự biến mất rất đột ngột của nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Chẳng lẽ cái ấm ủ từ bao đời nay từng gắn bó với đời sống nông nghiệp của người nông dân Bắc Bộ sẽ vĩnh viễn phải “chia tay” với “văn hoá trà” của con người xứ  nhiệt đới có nhiều tháng lạnh này. Nhìn một cách rộng hơn, nếu gây dựng lại được làng nghề này thì không những người lao động ở đây có một nghề tiếp tục có thu nhập ổn định mà chúng ta còn gây dựng lại được cả một “văn hoá làng” cho một địa phương, cho nông thôn Bắc Bộ. Ông Triệu Văn Tơ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Vi cho biết thêm: “Nghề làm ấm có khả năng khôi phục lại được nếu xã lo được đầu ra cho sản phẩm, bán sản phẩm được cho người nông dân, việc khuyến khích các hộ làm trở lại không khó lắm. Hiện xã đang có chủ trương liên hệ với nhiều đại lý ở các thành phố, thị trấn, ở các tỉnh lân cận đồng thời đặt vấn đề với các cơ sở sản xuất đồ sành xứ (ấm, chén…) để bán kèm giúp người nông dân, nếu được như vậy thì cũng thật có hy vọng cho các thợ thủ công, cho sự sống lại của làng nghề này”.

Nước ta có hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống, mỗi làng nghề mang một bản sắc văn hóa riêng, giữ được một làng nghề là giữ được một địa chỉ văn hoá, việc đó mang giá trị bảo tồn văn hoá không những cho riêng địa phương mà cho cả nền văn hoá lâu đời gắn liền với nông nghiệp của dân tộc. Thiết nghĩ việc này cần thiết và thật đáng lưu tâm./.

Bằng Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất