Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 1/9/2010 7:56'(GMT+7)

Không thể phủ nhận vai trò kinh tế Nhà nước

Một trong những chủ đề khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là chuyện thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sự kiện Bộ Chính trị đưa ra kết luận vụ việc đồng thời chỉ đạo hướng cơ cấu lại Vinashin, không chỉ cho thấy tầm quan trọng của tập đoàn này mà còn là vấn đề khôi phục niềm tin về vai trò và vị thế của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung trong nền kinh tế Việt Nam. Điều đáng tiếc là có một số người, nhân sự kiện này lại suy diễn cho rằng: “Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam đã sụp đổ”; “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đường lối sai lầm ”…

Trước hết, cần phải khẳng định, kinh tế nhà nước không chỉ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước mà còn có rất nhiều nguồn lực quan trọng khác, như ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước, tài nguyên quốc gia, đặc biệt là đất đai. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là  hoàn toàn đúng đắn và được khẳng định qua thực tiễn.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới đây đã làm cho nhiều nhà quản lý và nghiên cứu phải nhìn nhận lại vai trò của kinh tế nhà nước. Thành công của nhiều quốc gia cứu vãn nền kinh tế là dùng đến công cụ “kinh tế nhà nước”. Có thể  không nói công khai, nhưng dưới nhiều hình thức, ở những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po,... kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò "bà đỡ" cho các doanh nghiệp vào những giai đoạn khó khăn, nhất là trong chuyển giao công nghệ, liên doanh góp vốn với nước ngoài. Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, không phải chỉ một lần mà đã phải  xuất dự trữ nhà nước nhiều lần để  mua cổ phiếu nhằm cứu vãn một số doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngay tại những nước tư bản phát triển nhất, kết cấu hạ tầng cũng vẫn phải do nhà nước đảm nhận xây dựng và vận hành. Nước Mỹ chắc chắn chẳng bao giờ rao bán NASA và các nhà máy điện hạt nhân cho các nhà tư bản dù các nhà tư bản này thừa tiềm năng để mua nó và vận hành… Kinh tế càng phát triển, hội nhập quốc tế càng sâu rộng, càng khẳng định vai trò kinh tế nhà nước với từng quốc gia.

Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, trong thành phần kinh tế nhà nước, một số doanh nghiệp nhà nước chưa xứng đáng với vai trò mà nó đang nắm giữ. Vẫn tồn tại những doanh nghiệp nhà nước không những không nuôi nổi người lao động của mình, mà còn luôn đòi Nhà nước cứu trợ để bảo đảm sự tồn tại; một số doanh nghiệp khác thì liên tục thua lỗ. Vinashin là một điển hình của sự yếu kém này.

Thế nhưng, không thể chỉ nhìn vào Vinashin mà đánh giá toàn bộ doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước Việt Nam yếu kém. Theo báo cáo của  Ban chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, năm 2009 là năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Việt Nam vẫn đạt  tổng doanh thu 1.164.469 tỷ đồng, tăng 42,4% so với kế hoạch năm; tổng nộp ngân sách 175.406 tỷ đồng, tăng 40,5% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế là 80.799 tỷ đồng, tăng 52,8% kế hoạch năm, tăng 5% so năm 2008… Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước  đã có nhiều cố gắng, đóng góp thiết thực để Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế và tăng cường an sinh xã hội theo mục tiêu đề ra. Tất cả các huyện nghèo nhất của Việt Nam đều có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhận đỡ đầu, hỗ trợ.

Đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Việt Nam luôn  khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhưng chúng ta không thể kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư phát triển các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cung ứng những hàng hóa và dịch vụ công ích. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, khó tìm được tư nhân nào có thể nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Khi thiên tai xảy ra, khó có tư nhân nào có thể cứu hộ, trợ giúp được cả một địa phương, một khu vực?

Như vậy, không thể từ những khó khăn của Vinashin mà phủ nhận vai trò, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung.
Trước những khó khăn, bất cập của kinh tế nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn. Mới đây, cùng với việc thông báo kết luận về Tập đoàn Vinashin, Bộ Chính trị cũng đã có thông báo kết luận về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trước đó, vào tháng 2-2010, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về phương hướng đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Chính trị khẳng định: “Đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh. Tổ chức, sắp xếp các tổng công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để thành lập các tổng công ty nhà nước đủ mạnh và tiếp tục thí điểm các tập đoàn đang có để các đơn vị này thực sự là công cụ của Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực và thế giới”.

Như vậy, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam không nhìn nhận ra các hạn chế, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một số người đã có ý kiến trên mạng internet. Trái lại, chúng ta đã nhìn nhận đúng thực trạng và đề ra các giải pháp để chấn chỉnh, đưa các doanh nghiệp này vào đúng quỹ đạo phát triển. Thực tế tại Tập đoàn Vinashin, sau gần một tháng thực hiện việc tái cơ cấu, đổi mới toàn diện tập đoàn theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đưa ra các lời cảnh báo, các ý kiến phản biện của các cá nhân đều có ảnh hưởng ít nhiều đến dư luận xã hội. Chúng ta trân trọng những ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn mang tính xây dựng, nhưng cũng cần phải cảnh giác trước những thông tin  thiếu khách quan, phản ánh không đúng bản chất sự việc, suy diễn thiếu căn cứ… làm người xem, người nghe hiểu sai chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. 

(Theo: Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất