Hơn một năm qua, đã có hàng nghìn khách đến tham quan bảo tàng kỷ vật chiến tranh tư nhân nằm ở số 9/17, đường Đặng Việt Châu, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).
Cựu chiến binh Vũ Đình Lưu, người chủ của bảo tàng nhớ lại và kể cho tôi nghe những kỷ niệm một thời chiến đấu hào hùng của dân tộc, về những kỷ vật mà ông cất công rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để sưu tầm.
Cuối năm 2007, với sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội và các cán bộ bảo tàng Nam Định, tâm nguyện của ông Lưu đã được hoàn thành. Đó là một căn phòng được xây dựng trên diện tích 40m2 ngay sát nhà, trưng bày kỷ vật chiến tranh, được chia làm ba khu: Kỷ vật thời kháng chiến chống thực dân Pháp, kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ và kỷ vật thời bao cấp. Để khách tham quan dễ nắm bắt các sự kiện, ông trưng bày các kỷ vật theo tiến trình lịch sử với chú thích rất rõ ràng, như: “Chiếc lọ thủy tinh đựng đậu xanh của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Uông”, “Chiếc ba lô của dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Đức Bình”. Khách đến tham quan, luôn được ông nhiệt tình giải thích, giới thiệu về nguồn gốc các kỷ vật như một hướng dẫn viên bảo tàng đã qua trường lớp. Ông Lưu cho biết: Bảo tàng tuy mới chính thức được công nhận vào tháng 12-2007, nhưng đến nay đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, đông nhất là các em học sinh. Bảo tàng của ông đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử như bản đồ Biệt khu Thủ đô trước 1975, chiếc máy ảnh của Pháp được sản xuất từ năm 1923, tấm khăn rằn… Cũng có nhiều kỷ vật mang theo một câu chuyện đẹp, thấm đượm tính nhân văn. Câu chuyện về chiếc chăn của anh bộ đội Lê Minh, bạn học cùng phổ thông với ông Lưu là một minh chứng. Vào chiến trường, anh Minh mang theo một chiếc chăn chiên rất nặng so với sức vóc của mình, khi đơn vị hành quân qua Quảng Bình, một bà mẹ đã đổi cho một chiếc chăn len nhẹ và ấm hơn, để anh đỡ vất vả. Trong ruột có hình một cô thôn nữ đang trao chiếc chăn cho anh bộ đội trước khi vào chiến trường với lời nhắn nhủ “Ngày chiến thắng nếu anh trở về mang theo chiếc ruột này chúng mình sẽ thành đôi”!
Nhấp hớp chè xanh, ông Lưu cho biết ý tưởng lưu giữ kỷ vật chiến tranh đã nhen nhóm bởi người Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn 312 từ những năm 70 của thế kỷ trước. Mảnh dù, con dao găm, chiếc bật lửa mà đồng đội tặng thời chiến luôn được ông mang bên mình. Với ông, mỗi kỷ vật dù nhỏ bé đều ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, không ít đồng đội đã ngã xuống, mang theo những dòng nhật ký còn chưa khô mực, bức thư mới nhận từ hậu phương, hay chiếc bi đông vẫn còn đầy nước. Không muốn quá khứ bi thương mà hào hùng đó bị trôi vào quên lãng, ông ý thức rằng phải trân trọng, bảo quản và trưng bày chúng như một lời tri ân với những đồng đội đã ngã xuống chiến trường, đồng thời giáo dục truyền thống của cha ông cho lớp trẻ. Tâm nguyện là vậy, nhưng phải mãi đến khi được nghỉ hưu ông mới có thời gian để thực hiện.
Hơn một năm qua, đôi chân của người lính già đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi như thế, ông lại mang về những kỷ vật chiến tranh, khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, lúc vài con dao nhíp hay cuốn nhật ký còn viết dở… Con đường đi tìm lại kỷ vật của ông cũng lắm gian nan, mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn một hành trình, một câu chuyện vui buồn. Ông kể, một lần đến Nho Quan, Ninh Bình, bị người dân gọi là ông buôn sắt vụn, một lần khác ở Hòa Bình lại bị mọi người nhìn với con mắt dò xét vì tưởng lầm ông với người đi buôn đồ cổ. Đôi khi gặp sự cố trên đường cũng khiến ông muôn phần vất vả, có lần xe hỏng, ông phải dắt bộ hàng cây số mới có cửa hàng sửa… Đi lại đã vất vả, việc tìm kiếm thông tin, dò hỏi về nguồn gốc cũng như xin xác nhận về các di vật cũng không hề đơn giản. Để lưu giữ hàng nghìn kỷ vật quý giá, ông Lưu phải nhờ các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định tư vấn cách bảo quản và trưng bày. Trong không gian chật hẹp của phòng trưng bày, ông trang bị đầy đủ máy hút ẩm, máy sấy, điều hòa nhiệt độ. Ông cũng đầu tư khá nhiều tiền của để đóng những chiếc tủ trưng bày hiện vật vừa đảm bảo mỹ quan, vừa phù hợp với không gian của căn phòng và bảo vệ hiện vật. Ông mong muốn có được một mảnh đất để xây dựng bảo tàng có quy mô rộng hơn, để trưng bày được hết những kỷ vật mà ông đang lưu giữ, và hơn nữa là thêm các kỷ vật mà ông sẽ tiếp tục sưu tầm./.
(Theo: Hoàng Nguyên/QĐND)