Điều kiện để thực hiện ý tưởng
Từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, quy tụ và gắn kết mọi người trong nghĩa “đồng bào”, trong khối đại đoàn kết dân tộc hiếm nơi nào trên thế giới có được, khi tất cả các dân tộc trên mọi miền đất nước thờ chung một Quốc Tổ, một cội nguồn.
Những ngày này, hàng triệu người từ khắp các địa phương trong cả nước và rất nhiều kiều bào ở nước ngoài đã tìm về Đất Tổ với tấm lòng thành kính, tri ân công đức dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Dự kiến năm nay Phú Thọ sẽ đón sáu triệu lượt khách. Thật xúc động khi đọc những dòng chữ của nhiều người con xa xứ ghi ở sổ lưu niệm của Bảo tàng Hùng Vương; thấy Đất Tổ đã thật sự in sâu vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt. Khách thập phương về dự Giỗ Tổ ngày càng đông, khiến quy mô lễ hội ngày càng phát triển. Đó là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng thành phố lễ hội.
Người dân Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung rất tự hào khi trên Đất Tổ có hai di sản gắn với thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Di sản hát Xoan ở Phú Thọ. Với ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những năm qua tỉnh đã đầu tư tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng theo đúng tiến độ quy hoạch phát triển, mở rộng đến năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu của cả nước. Có thể nói, chưa bao giờ, Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng như hiện nay. Bên cạnh đó, việc bảo vệ khẩn cấp di sản hát Xoan đạt những kết quả đáng mừng. Đồng chí Bùi Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong suốt bốn năm qua, sau khi UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, tỉnh đã nỗ lực để bảo tồn và phát huy. Công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm, chú trọng nhằm đưa di sản ngày càng đến gần hơn với đời sống cộng đồng; nhiều lớp truyền dạy hát Xoan được mở để đào tạo nghệ nhân kế cận; tổ chức công nhận nghệ nhân hát Xoan, phục hồi các bài Xoan cổ, thành lập các CLB, đưa hát Xoan vào trường học; tu bổ đình, miếu, không gian trình diễn hát Xoan truyền thống. Số thành viên tham gia các CLB hiện là 1.100 người, tăng gấp hơn 23 lần so với thời điểm trước khi hát Xoan được UNESCO công nhận. Nhờ kết quả này, tỉnh vừa chính thức gửi hồ sơ đề nghị UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gặp gỡ các nghệ nhân hát Xoan đang khẩn trương tập luyện để tham gia lễ hội, chúng tôi chứng kiến niềm hạnh phúc lớn lao của những người đang gìn giữ di sản vô giá của cha ông. Bà Nguyễn Thị Lịch, Nghệ nhân Ưu tú phường Xoan An Thái nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình có năm đời hát Xoan, bố và ông nội tôi đều là trùm hát Xoan, con và cháu đều ở trong phường hát. Phường An Thái có hơn 100 người với năm thế hệ; nhỏ nhất là bảy tuổi, cao nhất 92 tuổi, sinh hoạt thường xuyên. Tỉnh đã tôn tạo một số đình, miếu để nghệ nhân hát đúng với khung cảnh xưa”. Có thể nói, chỉ cần giữ gìn và phát huy thật tốt hai di sản văn hóa thế giới này, Phú Thọ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách.
Trong dịp Giỗ Tổ, về phần hội, Phú Thọ chủ trương tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Năm nay, lễ hội văn hóa dân gian đường phố lần đầu được tổ chức khiến TP Việt Trì sôi động hẳn lên. Từ 6 giờ chiều 6-3 âm lịch, các ngả đường rẽ về đường Trần Phú, Công viên Văn Lang đã nườm nượp người. Người dân đứng kín hai bên đường chờ khai mạc lễ hội. Những màn diễu hành sôi động và chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu; 2.000 nghệ nhân dân gian, diễn viên và đại diện các tầng lớp nhân dân biểu diễn các tiết mục mang nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng của vùng Đất Tổ. Đó là những làn điệu Xoan cổ; các tích trò, trò chơi dân gian... Người xem đặc biệt bị cuốn hút bởi màn rước kiệu, khi hoạt động này được đầu tư nhiều hơn với đội hình mô phỏng binh lính Văn Lang thuở xưa trong rừng cờ hội phấp phới. Bà Nguyễn Thị Quỳnh ở TP Việt Trì nhận xét: “Lễ hội văn hóa đường phố đã làm sống lại tất cả vẻ đẹp của Việt Trì. Tôi rất mong lễ hội tiếp tục được duy trì vào những năm sau”. Hòa với dòng người tham gia diễu hành trên đường phố, nhiều bạn bè quốc tế không giấu được sự ngỡ ngàng. Chị Dét-xa-ra người Mỹ nói: “Lễ hội của các bạn rất thú vị, thể hiện những nét đặc sắc, những giá trị văn hóa riêng. Nhất định năm sau tôi sẽ quay lại nơi này”. Một vị khách Ấn Độ bày tỏ niềm phấn khích: “Không khí ở đây thật tuyệt. Tôi đặc biệt ấn tượng với các màn biểu diễn dân gian và chương trình nghệ thuật...".
Gắn kết lễ hội và du lịch
Để trở thành một thành phố lễ hội, tỉnh Phú Thọ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên, cần tìm giải pháp để thoát khỏi cảnh xô bồ, nhếch nhác là tình trạng chung của lễ hội ở nước ta để đi vào nền nếp và mẫu mực. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ: “Khó khăn của lễ hội là lượng khách về Giỗ Tổ ngày càng đông. Hôm chưa khai mạc, (vào ngày 4-3 âm lịch), lượng khách về đã gần một triệu người khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nút giao thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai rẽ vào Khu di tích Đền Hùng. Một vấn đề nhức nhối nữa là vệ sinh môi trường khi người bán hàng và người dự lễ hội còn xả rác bừa bãi. Phú Thọ rất mong muốn đưa TP Việt Trì nhanh chóng trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, điểm xuất phát và nguồn lực của tỉnh còn thấp. Trong khi đó một số đề án bảo tồn di sản cần nguồn lực rất lớn. Vì vậy, tỉnh chỉ tập trung ưu tiên cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng, sau đó là làm thay đổi diện mạo TP Việt Trì”.
Chúng tôi đến thăm cổng vào trung tâm lễ hội Đền Hùng vừa khánh thành kịp tổ chức lễ hội năm nay. Đây là công trình lớn gồm ba tòa; được đầu tư đến 31 tỷ đồng, trong đó số tiền công đức là 24 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách của tỉnh. Cổng vào được nối với trục hành lễ có đường đôi rộng 65 m, vườn hoa được chia thành 18 ô mô phỏng 18 chi đời Hùng Vương. Để xây dựng thành phố lễ hội. Phú Thọ cần tạo nhiều nguồn lực, có thể dựa vào xã hội hóa như việc xây cổng vào trung tâm lễ hội Đền Hùng. Trước mắt, thành phố tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển giao thông; quy hoạch chỉnh trang đô thị cần được tăng cường đầu tư, hình thành các tuyến phố, phố ẩm thực, đường nội đô có kiến trúc độc đáo, hệ thống cây xanh đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí nhằm thu hút du khách quanh năm…
Chặng đường xây dựng một thành phố lễ hội của Phú Thọ còn dài, nhưng với tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về Đất Tổ; trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập và phát triển với nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi, tin rằng chặng đường đó sẽ được rút ngắn, Phú Thọ sẽ về đích vào một ngày không xa.