Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 1/4/2016 13:59'(GMT+7)

Đọc văn, học văn

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trên diễn đàn hội nghị về lý luận văn học-nghệ thuật, một nhà phê bình văn học có tiếng ngậm ngùi: Năm trước tặng quyển sách tâm đắc của mình cho một vị giáo sư, năm sau gặp lại chỉ được giáo sư khen cái túi vải đẹp đang đeo chứ không hề đả động gì đến sách vở, chưa nói tới các ý tưởng khoa học nóng hổi mà người viết đã gửi gắm trong đó. Tức là ông đã không đọc… Buồn nỗi vị giáo sư khả kính là người cùng chuyên ngành, những vấn đề được nêu ra trong cuốn sách đang được dư luận chú ý. Lẽ ra giáo sư phải là người quan tâm trước hết, thì ông không đọc.

Một thực trạng cần được khắc phục trong xã hội hôm nay là ít đọc sách, thậm chí là lười đọc sách, nhất là sách văn học. Không chỉ một vị giáo sư nọ mà rất nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình, các giảng viên, sinh viên văn học ít đọc sách, ngại đọc sách. Nhiều tiếng nói đã và đang báo động về tình trạng văn hóa đọc xuống cấp. Còn người viết bài này giảng dạy ở bậc đại học cũng trực tiếp chứng kiến sự lười đọc của những nhà nghiên cứu văn chương tương lai. Dễ thấy nhất là khi hướng dẫn sinh viên, học viên làm khóa luận, luận văn thì một thao tác thường gặp ở một số người là copy những đoạn của các bài viết trên mạng rồi ráp lại và xào xáo thành bài. Dĩ nhiên không thể coi đây là những bài hoàn chỉnh bởi tính đơn giản của sự lắp ghép cơ học những suy nghĩ thiếu hệ thống. Những ai đã mấy chục năm trong nghề không khó nhận ra đoạn này chép ở đâu, ý kia của tác giả nào…

Thói quen không chịu đọc lại có từ thời học sinh phổ thông. Tôi thường có dịp đi dự giờ giảng văn ở bậc phổ thông và nhận thấy rất ít học trò có vở soạn văn riêng. Có em có nhưng lại soạn bài theo kiểu chống đối là mượn vở giảng văn của những anh chị lớp trước rồi căn cứ vào câu hỏi chuẩn bị trong sách giảng văn mà chép vào vở của mình. Thành ra khi thầy cô hỏi thì có khi trò trả lời đúng nhưng chưa chắc trò đã hiểu chính câu trả lời ấy…

Và không chỉ có học sinh, sinh viên lười đọc văn, không ít những bài phê bình của một vài nhà “nghiên cứu” trên báo cũng hời hợt, giới thiệu một đoạn, trích dẫn một tí, khen một tí, chê một tí…

Đặc trưng văn chương là sáng tạo bằng hình tượng, thông qua hình tượng, muốn hiểu văn chương phải hiểu được hình tượng. Mà muốn hiểu thì không còn cách nào khác ngoài sự đọc, chỉ nhờ có con đường đọc mới hình dung ra được hình tượng và suy ngẫm để đi sâu khám phá các khía cạnh của hình tượng. Lê-nin thật sự thiên tài khi đưa ra chân lý về sự hiểu biết: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng… Trước hết phải “trực quan”, tức phải tự mình đọc, tìm tòi… mới có thể hiểu được vấn đề.

Văn học không chỉ là kiến thức, là tư duy mà còn là đạo đức. Do vậy, trong nhà trường cần phải thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu học sinh nghiêm túc đọc văn để soạn văn, thà các em có đọc mà hiểu sai còn hơn không đọc. Vì hiểu sai còn nhờ thầy cô giảng giải, chỉnh sửa, còn không đọc mà chép đúng, nghe đúng thì cũng trơn tuột vì không được trực quan hình tượng, do vậy sẽ không có tư duy về hình tượng.

Cả lịch sử và lý luận văn chương trước nay đều cho thấy: Học văn, viết văn trước hết phải bằng cách đọc văn./.

Nguyễn Thanh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất