“Chửi cha không bằng pha tiếng”. Với câu ấy, cha ông ta đã tỏ ra hết sức tôn trọng phương ngữ (tiếng địa phương). Chúng ta cũng phải có cái tinh thần tôn trọng như thế đối với phương ngữ. Bởi lẽ, phương ngữ là hồn cốt bao đời của cư dân, là một phần đặc sắc độc đáo trong văn hóa từng vùng, miền. Nó kết tinh từ trong lao động, từ trong giao tiếp, từ lịch sử chinh phục thiên nhiên, giặc giã... vùng, miền ấy...
Nhưng nếu quá tôn trọng nó thì phương ngữ vùng, miền này sẽ trở thành “ngoại ngữ” đối với vùng, miền kia, và như thế, tất có hại cho quốc ngữ! Cho nên, bên cạnh việc tôn trọng phương ngữ, nhất định các vùng, miền đều phải bảo vệ và phát triển quốc ngữ với tinh thần cao nhất.
Trong phương ngữ, phần những từ riêng biệt của vùng, miền (mẹ thì gọi là u, bầm, má, mệ...; ngã thì gọi là té, bổ...), cũng chỉ nên dùng trong giao tiếp vùng, miền, còn khi viết, nhất là khi viết cho cả nước đọc, cũng nên hạn chế, thật đắc địa thì mới dùng. Có thế, người các vùng, miền khác, khi đọc văn tự, mới không phải “dịch”, và chúng ta mới có một thứ chữ Việt quốc gia dân tộc thống nhất. Phần này dễ sửa vì ta đã có sách giáo khoa chung, có các cơ quan truyền thông chung... Và, càng đến thế hệ sau, chữ viết càng dễ thống nhất.
Riêng phần ngữ âm (nói) thì khó sửa hơn. Vừa qua, Báo Thanh Niên cho biết, trong chương trình “Lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh gặp gỡ thiếu nhi”, học sinh thành phố này đã phản ảnh với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng rằng: “Có nhiều giáo viên thành phố nói ngọng và viết sai chính tả”(!). Các cháu cho những ví dụ: "Nỗ lực" thì thành "nổ lực", "suy nghĩ" thì thành "suy nghỉ", "nắn nót" thì thành "nắn lót", "Ninh Bình" thì thành "Linh Bình"... , làm cho toàn trường vừa buồn cười vừa... ngượng!
Có lẽ, chúng ta cũng biết, tình trạng ấy đã xảy ra triền miên bao năm nay rồi, và không chỉ ở TP Hồ Chí Minh!
Phải thẳng thắn mà nói rằng, với mọi người, tình trạng ấy đã là đáng buồn, nhưng với các giáo viên, thế là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng! Nó làm hỏng ngôn ngữ Việt, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa, văn hiến nước nhà!
Thế thì lỗi ấy ở đâu ra? Trước hết là ở chúng ta, từ trên xuống dưới, chưa đủ ý thức trong việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Sau nữa, là ở chính ngành giáo dục, vì thế là toàn ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ-vừa chưa đủ ý thức như mọi người, vừa chưa đủ quyết liệt chuyên ngành đi đầu trong việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ Việt, mà tình trạng học sinh cả nước ta bao năm nay “sợ văn, ghét văn, dốt văn” là một ví dụ báo động!
Vậy có sửa được không? Nhất định được!
Nhưng muốn vậy, “ý thức sư phạm” của ta cần phải đủ mạnh. Ai ưu tú cả về vóc dáng lẫn đạo đức và tri thức mới được vào ngành giáo dục. Không chỉ vì không vào đâu được thì mới vào ngành sư phạm (ngày trước chẳng có câu: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua...” đấy ư?). Tối thiểu, sinh viên sư phạm, năm đầu mà còn “nói ngọng, viết sai chính tả” quốc ngữ, thì cho đúp; “ngọng, sai” đến cùng thì thôi cho thi tốt nghiệp v.v..
Ngoài đời, chuyển vùng sinh sống mấy năm đã “pha tiếng” rồi, sao gần một thế kỷ giáo dục mới mà vẫn chưa thống nhất được quốc ngữ, tối thiểu là trong nhà trường? Tôn trọng phương ngữ nhất định phải đi sau ý chí thống nhất quốc ngữ.
Xin đừng ai, đặc biệt là ngành giáo dục, coi đây là chuyện nhỏ! Bảo vệ và phát triển ngôn ngữ Việt chính thống, chính là bảo vệ văn hóa-văn hiến Việt. Lâu dài, đó là bảo vệ hồn cốt, chủ quyền... Việt! Nhiều nước đã coi giáo dục chính là nền tảng của an ninh quốc gia-dạy kém, học kém thì về lâu dài, an ninh quốc gia bị đe dọa.
Cả nước sửa, mà ngành giáo dục phải đi đầu và chỉ huy, thì quốc ngữ mới mong không bị “vừa buồn cười vừa... ngượng” như vậy nữa. Phải xóa bỏ sớm tình trạng “nói thế nào viết thế ấy”. Mong sớm được thế!./.
Đỗ Trung Lai (QĐND)