Theo NSƯT Bích Việt, muốn giữ gìn và phát huy văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, thì giải pháp tốt nhất là phải tạo điều kiện, khích lệ con em cộng đồng các dân tộc làm chủ thể gìn giữ và sáng tạo văn học nghệ thuật.
Giữ văn hóa đồng bào từ phục trang
Chẳng phải vô cớ mà trong rất nhiều các hoạt động, chương trình tổ chức gắn với các vùng văn hóa, đồng bào các dân tộc mà ban tổ chức chương trình đưa ra chủ ý tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc để tô sắc hơn bản sắc cũng như tôn vinh giá trị văn hóa. Cũng bởi từ lâu, những bộ trang phục đưa đến sự khác biệt giữa dân tộc Ê Đê, Chăm; những cô gái Lô Lô xuất hiện khoác lên mình bộ áo váy hoa văn và tua vải màu sắc sặc sỡ hấp dẫn; ngay cả trang phục của đồng bào Dao Tiền và Dao Đỏ cũng tạo sự khác biệt nếu như ai đó có hứng thú tìm hiểu về sự độc đáo này… Trang sức, trang phục của đồng bào các dân tộc vì gắn liền với đời sống thường ngày, nên trong các hoạt động lễ, Tết, cưới hỏi, sinh hoạt cộng đồng và nhất là những người có tài năng nghệ thuật, họ thường tỉ mỉ làm hoặc chọn mua những bộ phục trang, trang sức đẹp nhất, bản sắc nhất của dân tộc mình. Vậy nhưng, theo nhà nghiên cứu Chu Thùy Liên đến từ tỉnh Điện Biên, từ trang sức, trang phục, đồng bào các dân tộc hiện nay đang làm vơi đi bản sắc.
Trong cuộc gặp mặt, giao lưu với các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số và Hội thảo giải pháp, sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2016, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Thùy Liên-Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên thẳng thắn, với trang sức đeo trang trí của các cô gái dân tộc Thái thường điểm xuyến những đồng xu mà trước đây ở các làng, bản có nghệ nhân chế tác, nghề này giờ không còn, nên việc mua ngoài chợ những đồng xu trang sức chữ nước ngoài mà phần lớn không hiểu đó là chữ gì đang là sự lựa chọn dễ dàng nhất; thậm chí, có nhiều người còn lấy cả đồng tiền xu Việt Nam ấn hành những năm trước đây đục lỗ để xâu thành vòng đeo… “Trang sức, phụ kiện trang phục thực tế là nhu cầu lớn không chỉ của đồng bào các dân tộc mà của rất nhiều văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, đây cũng có thể là sản phẩm du lịch rất tốt của các địa phương, nhưng chúng ta đang bỏ ngỏ, còn người có nhu cầu thì sử dụng đang làm sai lệch bản sắc”, nhà nghiên cứu Chu Thùy Liên cho hay.
Cần đào tạo nhân lực cho các dân tộc
Ai đó đã từng ví von, đồng bào dân tộc như con chim tự do sống ở núi rừng, khỏe khoắn, hồn hậu nên âm nhạc và nhảy múa như có sẵn trong máu thịt của họ. Di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật bao đời nay vẫn luôn hiện hữu và có sức sống mãnh liệt trong đời sống của đồng bào. Ở nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, các tài năng văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số thành danh khá nhiều với các sáng tác phong phú, mỗi người có tố chất, có bản sắc riêng, nhưng đều hướng tới sự hòa nhập với văn học, nghệ thuật của cả cộng đồng, của cả nước, nhiều người được công chúng hâm mộ. Các tác phẩm, công trình nghiên cứu đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, giúp các dân tộc hiểu biết, thêm gần gũi và ngày càng đoàn kết gắn bó, đồng thời góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.
Ngày nay, miền núi cũng đang là nơi chứng kiến sự chuyển mình lớn lao của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do vậy, di sản văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số cũng đang đứng trước không ít những thử thách, nguy cơ mai một. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam kể chuyện, ông thân thiết với GS Cầm Trọng, một nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Sơn La. Những năm GS Cầm Trọng còn sống, nhà thơ thường đến chơi, ngắm nghía và được đọc nhiều sách cổ chữ Thái, trang phục, trang sức và đồ đạc của người dân tộc Thái. Nhưng sau khi GS Cầm Trọng qua đời, mới đây, nhà thơ tới nhà chơi, không còn thấy một di sản nào nữa. “Những thứ đó, không cần thiết khi con cháu không theo nghiên cứu nó”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc bày tỏ tiếc nuối.
Việc lưu giữ, bảo tồn di sản văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số hiện nay chủ yếu vẫn trong cộng đồng dân tộc và các cá nhân. Khối lượng thống kê được rất khổng lồ, nhưng sẽ mất mát theo thời gian là không thể tránh khỏi. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc đưa ra ý kiến, để lưu giữ, bảo tồn những di sản văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, trước mắt cần có kế hoạch khảo sát điều tra ở các vùng dân tộc thiểu số, những di sản cần lưu giữ cấp bách để có kế hoạch tài chính cho việc lưu giữ đó. Ngoài ra, phân loại các di sản cần lưu giữ, phát triển thuộc loại hình nào; có chính sách và các quy định cụ thể để khuyến khích việc bảo tồn và gìn giữ các di sản cá nhân, các di cảo của các nhà văn hóa…
Liên quan đến tài năng nghệ thuật, NSƯT Ma Bích Việt lo lắng về sự thiếu hụt những hạt nhân nghệ thuật tại các bản làng. Bà kể vừa có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, thì cả hai địa phương này không ai được đào tạo qua trường lớp. Từ năm 1992, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam thành lập, nghệ sĩ Ma Bích Việt ngày đó là một trong những người tham gia đầu tiên và được giao nhiệm vụ phụ trách các nghệ sĩ như: Vi Hoa, Y Moan, Rơ Chăm Phiang, Nông Bích Kim… với tên gọi nhóm “Hương rừng”. Nhóm vừa làm công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị vừa đi biểu diễn phục vụ bà con khắp mọi vùng, miền Tổ quốc. Chính những chuyến đi này mà nghệ sĩ Ma Bích Việt đã đóng góp ý kiến với nhạc sĩ An Thuyên, đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng thành lập Khoa Nghệ thuật dân tộc thuộc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Sự ra đời của Khoa Nghệ thuật dân tộc sau này trở thành nơi hội tụ uy tín đào tạo và nuôi dưỡng trưởng thành tài năng nghệ thuật các dân tộc, nổi bật là hai con trai của nghệ sĩ Y Moan là I Vol và I Garia; 3 người cháu của Anh hùng Núp… Bản thân nghệ sĩ Ma Bích Việt đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, để rồi ngày nay các tài năng là nòng cốt của các đoàn nghệ thuật khắp cả nước.
Theo NSƯT Bích Việt, muốn giữ gìn và phát huy văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, thì giải pháp tốt nhất là phải tạo điều kiện, khích lệ con em cộng đồng các dân tộc làm chủ thể gìn giữ và sáng tạo văn học nghệ thuật. Các cấp, cơ quan quản lý văn hóa, trường học cần có mối quan tâm hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng con em dân tộc thiểu số. Hiện nay, ở các thôn, bản, buôn làng đều có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng thiếu các nòng cốt được đào tạo chuyên nghiệp về để làm cánh chim đầu đàn, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, việc tổ chức cuộc gặp gỡ, tôn vinh văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số cũng như thu nhận ý kiến thông qua hội thảo lần này, sẽ tiếp thêm động lực để các cấp quản lý văn hóa hòa cùng tiếng nói đồng bào thực hiện “Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” có hiệu quả./.
Vương Hà (QĐND)