Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 21/3/2016 9:0'(GMT+7)

Nhận diện di sản để tránh nguy cơ áp đặt hay ngộ nhận

Cần nâng cao ý thức cộng đồng để họ chủ động gìn giữ tốt di sản (trong ảnh: Hội Gióng Phù Đổng). Font Size:     |

Cần nâng cao ý thức cộng đồng để họ chủ động gìn giữ tốt di sản (trong ảnh: Hội Gióng Phù Đổng). Font Size: |

Đó là câu chuyện từ đề án Kiểm kê Di sản Văn hóa Phi vật thể Hà Nội, chương trình được triển khai trên toàn thành phố trong suốt hai năm qua. Và, một trong những chuyên gia trực tiếp thực hiện đề án là PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc CCH (Trung tâm nghiên cứu & Phát huy giá trị di sản văn hóa).

Nhầm lẫn trong nhận thức



PGS, TS Nguyễn Văn Huy nói: 
- Rất nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng việc kiểm kê này là động thái để xếp hạng, vinh danh các Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đang có. Hoàn toàn không phải như vậy. Dựa trên cơ sở lập danh mục, xác định giá trị, hiện trạng và khả năng duy trì của từng trường hợp cụ thể, mục đích quan trọng nhất của dự án vẫn là việc bảo tồn kho DSVHPVT mà chúng ta đang có.

Tất nhiên, khi xây dựng được một “bản đồ” dữ liệu về các di sản đang có, phía quản lý cũng sẽ đưa ra những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, gìn giữ những di sản nhiều giá trị, đặc biệt là với các trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp. Nhưng để làm được điều này, trước hết đó vẫn phải là câu chuyện ngay từ ý thức cộng đồng, cũng như những người quản lý văn hóa cấp địa phương.

- Trong thực tế của dự án, ông thấy vấn đề này ra sao?

- Đi tới một số phường, xã đôi khi chúng tôi gặp những cán bộ nói rất hay, rất chuẩn về nhu cầu bảo tồn DSVHPVT trên địa bàn mình. Nhưng khi làm việc cụ thể, hóa ra khái niệm này lại thường bị hiểu chưa đúng, thậm chí là sai lệch hẳn. Có địa phương quan niệm rằng DSVHPVT chỉ có ở di tích (đình, đền, chùa), không có di tích nghĩa là không có di sản. Bởi vậy những giá trị, những di sản đang sống hằng ngày như nghề thuốc nam, tri thức về trồng trọt, chăn nuôi… bị bỏ qua. Hoặc, có địa phương cho rằng DSVHPVT phải là lễ hội, nên không chú ý tới những trường hợp hữu ích, gắn với đời sống hằng ngày như tri thức dân gian, các kỹ năng, phong tục tập quán...

Bởi thế, một nội dung quan trọng trong công tác kiểm kê di sản là việc trao đổi và nâng cao nhận thức của người dân và các cán bộ địa phương. Khi cộng đồng hiểu rằng di sản văn hóa phi vật thể không phải là cái gì xa xôi mà có thể là những thứ rất đơn giản, gắn với đời sống thường ngày, họ sẽ chủ động có ý thức gìn giữ.

- Vậy, số di sản được kiểm kê có nhiều trường hợp theo kiểu “đơn giản, gần gũi” như vậy không?

- Khá nhiều. Trong hơn 1.700 trường hợp được kiểm kê đưa vào danh mục DSVHPVT của thành phố Hà Nội, có những trường hợp không chỉ người trong cuộc, mà ngay cả bản thân chúng tôi cũng vô cùng thú vị khi xác định được đó là một di sản văn hóa phi vật thể theo đúng nghĩa.

Tôi chỉ xin kể một trường hợp điển hình về tiếng lóng ở Đa Chất (Phú Xuyên). Hẳn nhiều người sẽ cười khi chúng tôi gọi “tiếng lóng” là một DSVHPVT. Nhưng khác với những tiếng lóng của xã hội hiện đại, tiếng lóng Đa Chất lại hình thành từ rất nhiều năm trước và gắn với đời sống, công việc của những người thợ đóng cối xay lúa bản địa. Họ đã tạo ra ngôn ngữ này và sử dụng cùng nhau trong quá trình đi làm nghề nhằm giữ thể diện, cũng như bí mật nghề nghiệp và cách ứng xử với đối tác. 

Chẳng hạn, khi gia chủ mời ăn cơm, thấy mình thì được ăn cơm, còn các cháu nhỏ con chủ nhà phải ăn cơm độn sắn ông phó cả bảo phó hai “thít ỏn”, nghĩa là “ăn ít thôi, để phần cháu nhỏ nữa”. Rồi, khi trở về nhà, những người thợ cối ấy lại cũng sử dụng tiếng lóng trong không gian của gia đình trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi có khách tới thăm. Có nghĩa, đây là một sự sáng tạo đặc biệt, để cộng đồng tự tồn tại nơi xứ người, bảo vệ nhau khi nguy hiểm và trên hết là dạy nhau tri thức, cách đối nhân xử thế và văn hóa nghề nghiệp.

Và những nguy cơ

- Với hơn 1.700 DSVHPVT được xác định, hẳn câu chuyện bảo tồn sẽ là một bài toán rất dài. Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất cho vấn đề này?

- Tôi có thể nói ngay: vẫn là câu chuyện về nhận thức của cộng đồng, cũng như quản lý văn hóa địa phương. Có thể lấy trường hợp của di sản thuộc dạng lễ hội làm điển hình. Một số lễ hội truyền thống của Hà Nội đang bị chúng ta chủ động thay đổi về diện mạo và cách tổ chức. Cách làm như vậy, có lúc phù hợp nhưng không ít trường hợp vừa xói mòn giá trị phi vật thể, suy giảm tính thiêng, vừa thay đổi quy trình, tập quán của người dân.

Hoặc, do việc mất thần tích, thần phả, sắc phong do chiến tranh, một vài hội làng sau khi xây dựng lại đình, khôi phục lễ hội đã vay mượn thần tích thần phả ở nơi khác áp vào, áp đặt, ngộ nhận là của mình. Rồi, yếu tố Phật giáo, đạo giáo được đưa vô tội vạ vào những hội làng vốn thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, nhân thần. 

Chúng ta muốn cộng đồng là chủ thể bảo vệ DSVHPVT. Nhưng nếu không nâng cao ý thức của họ, rất dễ những sai lầm ấy có nguy cơ lặp lại.

- Vậy, còn câu chuyện về sự “hiện đại hóa” trong cuộc sống bây giờ?

- Quả thật, do sự phát triển tất yếu ấy, rất nhiều nghề thủ công đặc biệt bị mất hẳn. Đó là trường hợp của nghề làm giấy thiếc (thường dùng cho bao thuốc lá) tại Hoàng Mai, hay nghề làm giấy sắc phong ở Nghĩa Đô. Rồi, ngay trong khu phố cổ, nhiều di sản cũng đã mai một dần. Chẳng hạn, thập niên 1980, có tới hàng chục cửa hàng vẽ tranh truyền thần tại đây, nhưng hiện giờ chỉ còn lại có ba, trong đó có hai cửa hàng sắp đóng cửa. Phố Lò Rèn như tôi tìm hiểu cũng chỉ còn một cửa hàng thỉnh thoảng đỏ lửa, mà chủ yếu cũng để cho ông chủ đỡ nhớ nghề.

Với sự thay đổi ấy, có những di sản gần như bất khả thi trong việc khôi phục lại. Và, với những trường hợp đặc biệt cần được bảo tồn, chúng ta lại phải có sự nghiên cứu để tìm một hình thức phù hợp, nhằm duy trì di sản ở một góc độ nào đó. Đó cũng là trường hợp của tiếng lóng Đa Chất, vốn dĩ gắn với nghề đóng cối dạo như đã nói.

Bây giờ, trừ khi đóng cối để… mang vào bảo tàng, hoặc cho một vài gia đình hiếm hoi muốn tự xay thóc, nghề này gần như không còn tồn tại. Thợ cối biến mất, còn lớp trẻ ở Đa Chất cũng gần như không biết về tiếng lóng. Bởi vậy, việc bảo tồn DSVHPVT này có lẽ nên được nghiên cứu trong mối quan hệ với nghề đóng cối cũ. Trước mắt, đó là việc tư liệu hóa di sản, để dù vài ba thế hệ nữa, người Đa Chất không đóng cối, không dùng tiếng lóng nhưng vẫn cần được hiểu về nghề truyền thống và cách giao tiếp của ông cha mình. Rồi trên cơ sở ấy, chúng ta mới nghĩ tới việc tổ chức trưng bày, giới thiệu về cối xay lúa và tiếng lóng Đa Chất ở bảo tàng, hoặc có những hoạt động phụ trợ để “nhắc lại” cho cộng đồng nơi đây.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Đề án Kiểm kê Di sản Văn hóa Phi vật thể Hà Nội đã kiểm kê được hơn 1.700 DSVHPVT tại Hà Nội, gồm sáu nhóm: Di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Tương ứng với sáu nhóm này, đề án cũng đề xuất Hà Nội thí điểm tổ chức bảo tồn sáu DSVHPVT đang có nguy cơ mai một hoặc biến đổi, bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất (Phú Xuyên), Hát Trống quân (ở Thường Tín, Phúc Thọ và Phú Xuyên), Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (Chương Mỹ), Hát và Múa Ải Lao (Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (Hà Đông) và nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (Ba Vì).


Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất