Ấn tượng cảnh quan, con người, ẩm thực...
Theo Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng, sau
khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô trở thành nơi tập trung nguồn
tài nguyên du lịch đa dạng, số lượng điểm đến có sự gia tăng lớn. Hà Nội
vốn nổi tiếng với phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử
Giám, nay có thêm những tuyến, điểm không thể bỏ qua như làng lụa Vạn
Phúc, làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối
Tiên, hồ Suối Hai, chùa Đậu, chùa Mía… Vấn đề là tìm giải pháp để ngày
càng có nhiều người biết tới những điểm đến hấp dẫn ấy?
Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương đón nhiều khách du lịch nhất
cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2013, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng
kinh tế nhưng du lịch Thủ đô vẫn đón gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế
(tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012). Theo kết quả thăm dò ý kiến của hơn
1.400 du khách quốc tế do Sở VH, TT&DL Hà Nội triển khai từ đầu năm
2013 trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp thống kê
lượng khách quốc tế đến Hà Nội", có tới 93,64% du khách nói rằng Hà Nội
là điểm đến hấp dẫn. Ẩm thực, cảnh quan, con người… là những yếu tố
chính tạo nên sức hút ấy.
Để đạt mục tiêu 15,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2013, trong đó
có 2,25 triệu lượt khách quốc tế, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch
Thủ đô được nâng tầm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từ nay đến cuối năm 2013, ngành du lịch Hà Nội sẽ tham dự hội nghị
thường niên của Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) tại Malaysia và
"Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố Châu Á-Thái Bình Dương" (TPO)
tại Hàn Quốc. Đó là cơ hội để du lịch Thủ đô giới thiệu những điểm đến
lý tưởng. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động quảng bá tại
các thị trường trọng điểm, Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều chương trình
xúc tiến du lịch tại Nga, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, trong thời
gian tới sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và Bắc Mỹ.
Những việc khác sẽ được chú ý, như tập trung xây dựng những quầy thông
tin du lịch mới tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, tổ chức Liên hoan Du lịch
làng nghề truyền thống Hà Nội vào tháng 10-2013, tham gia Hội chợ Du
lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE 2013 - tháng 9), Liên hoan Ẩm thực Đồng
bằng sông Hồng… Những hoạt động này không chỉ giúp thu hút khách mà còn
tạo điều kiện cho du lịch Thủ đô trao đổi kinh nghiệm, phát triển sản
phẩm mới.
|
Khách du lịch nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc |
Hữu xạ tự nhiên hương
Nhiều doanh nghiệp du lịch sử dụng giải pháp quảng bá qua mạng và một
kênh khác khá hiệu quả, là truyền miệng. "Nếu có sản phẩm tốt, thái độ
phục vụ thân thiện và chuyên nghiệp, môi trường du lịch an toàn... thì
tiếng lành sẽ đồn xa. Du khách cứ thế rủ nhau đến" - ông Nguyễn Minh
Mẫn, Giám đốc truyền thông của Công ty Du lịch Vietravel tỏ ra tin
tưởng.
Để xây dựng hình ảnh đẹp của du lịch Thủ đô trong mắt du khách nước
ngoài, Hà Nội sẽ cải thiện môi trường du lịch bằng hành động cụ thể.
Trong tháng 7 này, Sở VH,TT&DL đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ du
khách tại 47 Hàng Dầu, nơi tiếp nhận thông tin phản ánh về hành vi lừa
đảo, đeo bám, "chặt chém" du khách, đồng thời là nơi cung cấp thông tin
liên quan đến du lịch. Ngoài ra, Sở cũng đã tiến hành thẩm định 24 đơn
vị đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có 16 nhà hàng và 8 cơ sở
mua sắm, đề xuất cải tạo 7 nhà vệ sinh công cộng ở khu vực phố cổ…
Theo ông Mai Tiến Dũng, môi trường du lịch chuyên nghiệp xuất phát từ ý
thức của người dân và toàn xã hội. Do đó, cùng với việc đầu tư cơ sở vật
chất, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
đối với cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch, tổ chức khen thưởng
đối với những gương người tốt việc tốt, góp phần vào việc giữ gìn môi
trường du lịch Thủ đô.
Thu Trang/HNM