Các vấn đề mà Chính phủ đã cam kết theo khuyến nghị của ICOMOS (Hội đồng
quốc tế các di tích và thắng cảnh) đối với Khu Trung tâm Hoàng thành
Thăng Long Hà Nội (viết tắt là KTTHT) đã được UBND TP Hà Nội thực hiện
nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc cần được giải quyết
dứt điểm.
Tuân thủ cam kết của Chính phủ theo khuyến nghị ICOMOS
Sau 3 năm thực hiện 8 điểm cam kết của Thủ tướng Chính phủ theo khuyến
nghị của ICOMOS, KTTHT tiếp tục được mở rộng diện tích khai quật khảo cổ
học, nhất là tại khu vực Thành cổ Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (viết tắt là Trung tâm)
phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ học
theo quyết định của Bộ VH,TT&DL. Năm 2013, công tác khai quật tiếp
tục được mở rộng tại khu vực điện Kính Thiên, khu vực xây dựng đường hầm
và bãi đỗ xe của Nhà Quốc hội. Song song với việc khai quật mở rộng,
các cơ quan chức năng thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp,
bảo đảm hài hòa với cảnh quan di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng
chuyển tiếp ở phía bắc, đông và nam khu di sản.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm thường xuyên phối hợp với
BQL xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) để giám sát quá
trình thi công xây dựng công trình, giảm tối đa sự ảnh hưởng tới di sản.
Trung tâm đã cùng với các chuyên gia UNESCO, chuyên gia vùng ILede
France (Pháp), chuyên gia Nhật Bản hoàn thành dự thảo kế hoạch quản lý
khu di sản; phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý trong
và ngoài nước nghiên cứu, bổ sung chương trình giám sát chi tiết di sản
vào kế hoạch quản lý. Hà Nội đã và đang đào tạo, nâng cao trình độ
chuyên môn cho những người tham gia công tác bảo tồn KTTHT, có kế hoạch
giám sát số lượng khách du lịch có khả năng tăng nhanh trong thời gian
tới.
Thực hiện cam kết thống nhất quản lý khu di sản, đến thời điểm này, UBND
TP Hà Nội (đại diện là Trung tâm) đã tiếp nhận, quản lý trụ sở của BQL
Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Phòng
Bảo vệ sức khỏe TƯ 5, Cục quản trị Văn phòng Quốc hội và hiện trạng Khu
A-B thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu (không bao gồm hồ sơ, kết quả nghiên
cứu, hiện vật tại khu A- B; Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vẫn đang quản lý
khu C-D). Khu di tích Thành cổ Hà Nội có diện tích 13,86ha. Từ năm 1998
đến 2012, Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho TP Hà Nội quản lý 9,14ha, diện
tích chưa được bàn giao là 4,73ha (UBND TP Hà Nội đã bàn giao
76,6/96,4ha đất tại huyện Từ Liêm cho Bộ Quốc phòng xây dựng trụ sở, đưa
các đơn vị quân đội ra khỏi khu vực di tích).
Cần sớm thống nhất đầu mối quản lý di sản
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc chưa thống nhất quản lý, chưa bàn
giao hiện vật tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu gây ảnh hưởng không có lợi
cho việc bảo quản, phát huy giá trị và đưa di sản đến gần công chúng.
Hiện nay, khu C-D do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam quản lý, được bảo vệ đơn
sơ, di tích xuất hiện nhiều rêu cỏ và các loại thực vật, thường xuyên
bị ngập nước bề mặt, tạo lớp bùn lắng…
Trước yêu cầu cấp thiết của việc thống nhất quản lý đối với Khu Trung
tâm Hoàng thành Thăng Long, ngày 28-6, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng
Tư vấn khoa học, nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà
Nội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị thúc đẩy việc bàn giao
diện tích còn lại của Khu di tích Thành cổ, đồng thời khẳng định việc
bàn giao toàn bộ khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu cho thành phố Hà Nội quản lý
là việc không thể trì hoãn.
Để KTTHT được bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn, UBND TP Hà Nội đề
nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng cam kết bảo đảm an toàn cho di sản
trong quá trình thi công Nhà Quốc hội; chỉ đạo Bộ Xây dựng và BQL Dự án
đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) phối hợp với
UBND TP Hà Nội bàn biện pháp tổ chức thi công, xác định rõ ranh giới
giữa tuyến đường phía Bắc và phía Đông công trình Nhà Quốc hội với khu
di sản cho phù hợp với khuyến nghị của ICOMOS và cam kết của Chính phủ.
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội tổng kiểm kê di
tích, di vật và bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật liên quan cho Trung
tâm quản lý trong năm 2013. UBND thành phố đã giao Trung tâm bố trí đủ
cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để tiếp nhận bàn giao, phát huy giá trị
di sản và tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện công tác nghiên
cứu.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức
năng mở rộng diện tích khai quật khảo cổ, nhất là tại khu vực Thành cổ;
thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị Khu di tích Thành cổ Hà Nội; hoàn thành công tác giải phóng mặt
bằng diện tích đất phục vụ cho việc di chuyển các đơn vị quân đội đóng
quân trong Thành cổ; tiếp nhận các khu đất còn lại trong khu vực di
tích…
Thu Hiền/HNM