Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 18/7/2013 23:14'(GMT+7)

Lạng Sơn: chăm lo bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc

Là tỉnh biên giới phía Bắc, có tới 83% là đồng bào dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn ý thức được việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống người dân. Trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá truyền thống phong phú và đặc sắc riêng, bao gồm: các công trình tôn giáo, tín ngưỡng; lễ hội, dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, tri thức dân gian, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống...

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng, tỉnh ủy Lạng Sơn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân ở các bản, làng vùng cao; phục hồi và phát triển vốn di sản văn hóa các dân tộc, coi văn hóa là một nguồn lực phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận:

Về văn hóa vật thể, hiện toàn tỉnh có 581 di tích gồm 4 loại hình: 248 di tích lịch sử cách mạng,  44 di tích khảo cổ, 246 di tích kiến trúc nghệ thuật, 43 di tích danh lam thắng cảnh . Trong đó có 23 điểm và khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 95 điểm và khu di tích xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2013 Sở Văn hóa đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 02 di tích cấp quốc gia (Khu linh địa Mẫu Sơn, Nhà bia Thủy Môn Đình) và bổ sung 4 di tích (đền Cửa Đông, đền cửa Tây, đền Cửa Nam và đền Cửa Bắc) vào danh mục di tích lịch sử Đoàn Thành Lạng Sơn đã được xếp hạng cấp (bao gồm 01 di tích cấp quốc gia từ năm 1999. Đồng thời tiến hành xin chủ trương và từng bước lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp đối với 10 di tích Quốc gia đặc biệt là ATK Bắc Sơn, 02 di tích cấp Quốc gia, 07 di tích cấp tỉnh). Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được cấp ủy và chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật. Theo kết quả kiểm kê đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 581 di tích với 4 loại hình. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích thường xuyên được thực hiện bằng việc huy động nhiều nguồn vốn: từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa. Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích, nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh và huy động các nguồn lực xã hội hóa, đã có 53 di tích được tôn tạo với 130 lượt trùng tu và một số dự án xây dựng mới với tổng kinh phí thực hiện là 134. 449 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 97. 624,91 triệu đồng chiếm 72,6 %, vốn xã hội hóa là 36.824 triệu đồng chiếm 27,4% .

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc được tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. 15 năm qua, tỉnh đã triển khai các dự án nghiên cứu, sưu tầm phục dựng; xuất bản sách; tổ chức ghi âm, ghi hình để phát hành đĩa CD, VCD, phát sóng tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động truyền dạy hát dân ca; duy trì tổ chức các Lễ hội xuân hàng năm...

Đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm phục dựng: Từ 1998 đến nay bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách, tỉnh đã tiến hành triển khai được 26 dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể với tổng số kinh phí là 2,191 tỷ đồng. Trong đó có 16 dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia, 04 dự án ngân sách tỉnh, 03 dự án ngân sách huyện và 03 dự án từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa khác. Đối với hoạt động truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đã có nhiều cách làm hay góp phần vào bảo tồn và duy trì sự bền vững của những di sản văn hóa. Tỉnh tổ chức mở các lớp truyền dạy; khuyến khích xã hội hóa các câu lạc bộ hát then đàn tính, các nghệ nhân tại cơ sở tham gia truyền dạy cho hội viên và quần chúng nhân dân yêu thích các làn điệu dân ca. Ngành Văn hóa đã tổ chức truyền dạy được 01 lớp Hát sli dân tộc Nùng tại thôn Tềnh Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; 01 lớp hát Lượn dân tộc Tày tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình; 01 lớp Dân ca Sán Chỉ, tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình; gần 15 lớp hát then đàn tính cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng (tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và tại các huyện như Văn Lãng, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan...), đã tổ chức truyền dạy được 01 lớp Hát sli dân tộc Nùng tại thôn Tềnh Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; 01 lớp hát Lượn dân tộc Tày tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình; 01 lớp Dân ca Sán Chỉ, tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình; gần 15 lớp hát then đàn tính cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng (tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và tại các huyện như Văn Lãng, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan...); đưa loại hình hát Then vào chương trình đào tạo Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh; chỉ đạo Đoàn nghệ thuật tỉnh, Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh thường xuyên sưu tầm, khai thác chất liệu dân ca, dân vũ dân tộc vào việc dàn dựng, chỉnh lý, nâng cao các chương trình, tiết mục mới để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đất nước; thực hiện tốt công tác xã hội hóa, phát triển các câu lạc bộ hát then đàn tính và thành lập Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn  hoạt động hoàn toàn theo chủ trương xã hội hóa. Qua 03 năm tích cực hoạt động đến nay Hội đã tập hợp được khoảng 400 hội viên của gần 50 CLB trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia sinh hoạt, mở được trên 40 lớp truyền dạy hát dân ca (Then, sli, lượn ) và tổ chức được trên 30 cuộc giao lưu dân ca quy mô từ đơn vị dân cư (thôn, bản, khối phố) đến liên xã, liên huyện, liên tỉnh bạn. Hội cũng đã thành lập 01 CLB thể nghiệm mang tên “Nộc Én” bao gồm những hội viên trẻ, có chuyên môn, nhiệt tình để biểu diễn, giới thiệu các làn điệu dân ca Xứ Lạng trên sóng truyền hình của tỉnh và Trung ương. Nhìn chung hoạt động truyền dạy các làn điệu dân ca trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá sôi nổi, đóng góp tích cực vào bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các làn điệu dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động lễ hội thường xuyên được quan tâm duy trì, góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa, thu hút du khách tham quan đến với Lạng Sơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 340 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau và chủ yếu diễn ra vào tháng giêng và tháng hai âm lịch hàng năm. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh thường xuyên tổ chức sự kiện Khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan hằng năm, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể được tích cực chỉ đạo triển khai, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh.

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên Lạng Sơn chú ý bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số bằng những việc làm cụ thể như:

Về bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc: Hiện nay, tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao và một số dân tộc khác đang có nguy cơ mai một. Việc sử dụng tiếng nói dân tộc chỉ còn được duy trì ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, số người sử dụng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày đang có xu hướng mất dần, nhất là thế hệ trẻ hiện nay nhiều người không biết nghe, nói tiếng dân tộc. Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn như tổ chức các khóa học tiếng dân tộc ngoài giờ hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, mở chuyên mục phát sóng các bản tin, các chương trình ca nhạc bằng tiếng Tày - Nùng và tiếng Dao trên sóng phát thanh và truyền hình; chỉ đạo sử dụng tiếng dân tộc trong sáng tác văn học nghệ thuật hoặc dịch các tác phẩm sang tiếng Tày, Nùng phục vụ độc giả. Tuy nhiên, việc bảo tồn chữ viết dân tộc chưa thực hiện được, bảo tồn tiếng nói dân tộc gặp khó khăn do ý thức sử dụng của người dân chưa được nâng cao, dẫn đến tình trạng tiếng nói dân tộc dần bị mai một, quên lãng.

Về bảo tồn trang phục, nhà cửa truyền thống: Do tác động của xu thế mở cửa và phát triển hội nhập, nhân dân có điều kiện giao thương, buôn bán, tiếp thu khoa học kỹ thuật mới nên đời sống kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Vì vậy ở các vùng nông thôn, người dân dần dần chuyển sang xây nhà kiên cố hóa và sử dụng trang phục thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày nên nhìn chung về nhà cửa và trang phục truyền thống hiện nay đang có xu hướng bị mai một dần. Một số chương trình, dự án của Trung ương hỗ trợ cho tỉnh triển khai về “Bảo tồn và phát triển các làng, bản buôn truyền thống với tiêu chí là khuyến khích bảo tồn nhà cửa, trang phục, nghề thủ công truyền thống” nhưng hiệu quả thấp. Việc bảo tồn làng cổ truyền thống gắn khai thác phát triển du lịch triển khai gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ..v.v.

Về bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian: Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc như nghệ thuật hát then - đàn tính của dân tộc Tày, Nùng, những điệu múa trong lễ cấp sắc của dân tộc Dao, múa xiên tâng, múa trầu, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc...  được duy trì và phát triển thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở cơ sở như lễ hội, hội thi, hội diễn. Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc. Đã chú ý sử dụng chất liệu nghệ thuật trình diễn dân tộc để xây dựng, chỉnh lý nâng cao các chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc mới với định hướng trên 70% số tiết mục mang bản sắc dân tộc, 30% tiết mục mang yếu tố hiện đại để biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đất nước.

Về bảo tồn ngữ văn dân gian: Tiêu biểu là bảo tồn các làn điệu dân ca như then, sli, lượn, hát ví, hát xắng cọ... Trong 15 năm qua từ nguồn kinh phí hỗ trợ  của Trung ương và của tỉnh, đã có 08 dự án nghiên cứu, bảo tồn về các loại hình dân ca được đầu tư triển khai thực hiện gồm: Hát Lượn dân tộc Tày xã Bằng Mạc huyện Chi Lăng (năm 2007), Hát Xắng Cọ dân tộc Sán Chỉ xã Nhượng Bạn huyện Lộc Bình (năm 2008), Sli sình làng cổ dân tộc Nùng Cháo xã Thạch Đạn huyện Cao Lộc... Lễ hội Phài Lừa Nà Lình, xã Quốc Việt(1999), lễ hội Tình yêu (Báo Slao) xã Quốc Khánh (2006) huyện Tràng Định; Lễ hội Nà Cườm xã Tân Lang huyện Văn lãng (2008), lễ hội Lồng Thồng xã Chu Túc huyện Văn Quan (2009),lễ hội đình Cao Sơn, xã Hữu Liên huyện Hữu Lũng(2010)...   

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền dạy, ghi âm ghi hình; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và các câu lạc bộ đàn và hát dân ca trên địa bàn toàn tỉnh cũng được quan tâm.

Bảo tồn nghề thủ công truyền thống được quan tâm bằng việc chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển làng nghề truyền thống như làng nghề thuộc Khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn; làng nghề thổ cẩm xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, nghề làm ngói (âm dương) xã Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn, nghề làm bánh cao khô xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, nghề nấu rượu ở xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc. Bên cạnh đó, nhiều nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt, rèn, làm hương...vẫn được các tầng lớp nhân dân duy trì để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình và trong sinh hoạt hàng ngày.

Về bảo tồn tập quán xã hội: Thông qua Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, nhiều tập quán xã hội tốt đẹp được nhân dân bảo tồn và phát huy. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi và xóa bỏ các biểu hiện tiêu cực, các hủ tục, tập quán lạc hậu.

Bảo tồn lễ hội truyền thống được chú trọng qua việc triển khai phục dựng lễ hội truyền thống. Trong 15 năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện được 08 dụ án nghiên cứu, phục dựng lễ hội. Quan tâm chỉ đạo tổ chức Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng hàng năm đã góp phần duy trì, bảo tồn, khơi dậy tổ chức các lễ hội truyền thống trong đời sống tinh thần của nhân dân; nhiều nét hay, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, nhất là phục vụ có hiệu quả trong việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa của dân tộc, thu hút du khách tham quan đến với Xứ Lạng.

Bảo tồn tri thức dân gian: Tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn rất phong phú, bao gồm những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, những bài thuốc dân gian gia truyền, những phương pháp chế biến các món ăn, đồ uống như lợn quay, vịt quay, rượu Mẫu Sơn, khau nhục, lạp xưởng … vẫn được duy trì trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Thông qua việc giới thiệu, quảng bá các món ăn truyền thống nhân các dịp lễ hội, các hội chợ, triển lãm và tại các khách sạn, nhà hàng các món ăn truyền thống dân tộc đã trở thành nét đặc trưng riêng biệt của văn hóa ẩm thực Xứ Lạng, được nhiều bạn bè, du khách tham quan biết đến và thưởng thức.

Bảo tồn các môn thể thao dân tộc: Hàng năm vào các dịp lễ hội đầu xuân, các hội thi, hội thao tại cơ sở nhiều bộ môn thể thao dân tộc như: tung còn, đánh yến, đẩy gậy, bắn nỏ, múa võ cổ truyền... được duy trì biểu diễn nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Một số bộ môn thể thao dân tộc được đưa vào chương trình tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Đại hội thể dục thể thao các cấp hoặc đưa tham gia các ngày hội, hội thi, các giải thi đấu cấp khu vực, vùng miền. Tuy nhiên, do xu thế hiện đại hóa, hội nhập, một số bản sắc văn hóa dân tộc như trang phục, nhà cửa truyền thống, tiếng nói, chữ viết…đã triển khai các biện pháp nhằm bảo tồn nhưng chưa thật hiệu quả trước nguy cơ bị mai một, pha tạp. Việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn hẹp nên nhiều loại hình di sản phi vật thể của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã và đang có nguy cơ bị mai một dần mà chưa có biện pháp bảo tồn kịp thời, có hiệu quả.

Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đã có nhiều cố gắng. Điều đáng nói là, việc bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc đã tạo được không khí sinh hoạt đa dạng, độc đáo trong đời sống nhân dân. Các ông mo, bà then không còn đứng ngoài cuộc sống sinh hoạt cộng đồng mà tự khẳng định mình trong sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, truyền dạy nghi thức, kiến thức dân gian… cho lớp trẻ, tạo được sự chuyển giao đầy ý nghĩa giữa các thế hệ.

Lên xứ Lạng hôm nay, du khách không chỉ được chứng kiến sự đổi thay toàn diện của mảnh đất “sơn thủy hữu tình” đậm đặc những huyền thoại về tình đất, tình người, mà còn được đắm mình trong không khí sinh hoạt văn hóa cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Mặc dù chưa hết gian khó nhưng những kết quả trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển di sản văn hóa dân tộc của tỉnh trong thời gian qua là đáng trân trọng, hứa hẹn tiềm năng văn hóa phong phú, độc đáo trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Thanh Huyền

               

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất