Về Quần Tín hôm nay, chúng tôi được các cụ kể cho nghe nhiều huyền
tích của làng. Một hôm, Tiên Cô giáng trần xuống gánh một bên là Núi
Ngọc, bên kia là Ngàn Nưa đi qua làng bị sảy chân thành giếng. Giếng
hiện vẫn còn, có độ sâu chừng 40 m, lòng giếng còn in hình bàn chân năm
ngón phía trước và gót phía sau, nên dân làng thường gọi là Giếng Cô
Tiên. Ngàn Nưa có Am Tiên, phong thủy xưa cho là có huyệt đạo quốc gia.
Tại đây Anh hùng Dân tộc Triệu Thị Trinh đã dấy binh khởi nghiệp, đánh
đuổi giặc Ngô (năm 248). Cũng theo tương truyền, vào thế kỷ 14, sau khi
dấy binh ở Lũng Nhai, xã Ngọc Phụng, thuộc huyện Ngọc Lặc, nay thuộc
huyện Thường Xuân, khi đi qua Quần Tín chiêu mộ thêm nghĩa quân để tiếp
tục cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi và đạo quân khởi nghĩa của
mình đã nghỉ tại đây, được dân làng đón tiếp ân cần chu đáo, chu cấp
lương thảo. Ðêm hôm ấy, Lê Lợi được Thành hoàng làng báo mộng: "Sáng sớm
nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng
nào, thì tiến quân về hướng ấy, ắt sẽ thắng trận". Quả nhiên trận ấy
nghĩa quân Lam Sơn thắng lớn. Sau này, Ngài đã trở lại ban sắc phong và
đặt tên làng là Quần Tín (nơi hội tụ đức tin và tín nghĩa), vào ngày 10
tháng Giêng. Từ đó đến nay, dân làng lấy ngày này làm ngày hội truyền
thống của làng,...
Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc
bùng nổ. Khu Bốn nói chung và Thanh Hóa nói riêng khi ấy là vùng tự do,
nên có nhiều cơ quan trung ương và Hà Nội chọn làm nơi sơ tán. Làng Quần
Tín là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ lớn của cả nước, một trung tâm đào
tạo cán bộ văn hóa cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này. Các
nhà lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước ta (thời kỳ 1947- 1954) như các đồng
chí: Trường Chinh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu... thường lui
tới nhà ông Lê Ðình Thao, trước đây là ngôi đình cổ của làng để gặp gỡ
và bồi dưỡng chính trị cho các văn nghệ sĩ. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch
Xu-pha-nu-vông của nước bạn Lào anh em đã từng về đây dừng chân một thời
gian trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được bà con Quần Tín che
chở, nuôi nấng và bảo vệ an toàn tại nhà cụ Thảo Chức từ tháng 2-1950
đến tháng 2-1951. Làng "hội tụ tín nghĩa" còn là nơi "cắm" trụ sở cơ
quan của "lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn và là địa điểm "rèn cán
chỉnh quân" của các sư đoàn 320, 308, đồng thời cũng là nơi tập kết của
nhiều đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế với nước
bạn Lào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nơi quần tụ của "văn hóa kháng chiến"
Tôi
đã từng có những ngày đóng quân ở Quần Tín cách đây gần 50 năm. Hôm nay
trở về tôi cảm thấy như được sống lại trong tình nồng ấm thuở nào từ
những cái bắt tay, những câu mời chào, ánh mắt, nụ cười nhiệt thành của
người dân nơi đây.
Quần Tín, vùng đất của những huyền thoại, nơi
"hội tụ đức tin và tín nghĩa" trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng
chính là một "địa chỉ đỏ" được nhiều văn nghệ sĩ chọn ở và sáng tác.
Tại đây đã che chở, nuôi dưỡng nhiều tài năng văn nghệ cách mạng Việt
Nam và là nơi mở lớp Văn nghệ kháng chiến đầu tiên, còn gọi là Trường
đại học Văn hóa (các khóa 1 và 2), thời kỳ 1947 - 1954, do Giáo sư Ðặng
Thai Mai phụ trách cùng với các nhà văn tên tuổi khác như: Nguyễn Tuân,
Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trần Dần, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Xuân
Diệu, Nguyễn Ðình Thi, Thế Lữ, Hữu Loan, Minh Huệ, Hoàng Trung Thông,
Trần Hữu Thung; các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Phạm Văn Ðôn,
Nguyễn Thị Kim... Riêng gia đình cụ Vũ Ngọc Phan có tới 12 người từng ở
đây. Gia đình Giáo sư Ðặng Thai Mai cũng có bảy người quây quần ở nhà
ông Quạch, bà Vọng, nay là nhà bà Lê Thị Cúc và nhà ông Bính. Bà Nguyễn
Tuân còn đem theo nghề tráng bánh cuốn và hàng tạp hóa của Hà Nội vào
đây tráng bánh và bán thuốc lào cho anh em văn nghệ sĩ.
Những
ngày đó, nữ sĩ Hằng Phương, vợ ông Vũ Ngọc Phan đã mở xưởng giấy ở nhà
ông Lê Ðình Oánh. Các họa sĩ còn lập một xưởng họa và mở lớp dạy vẽ tại
làng. Vì thế, nhiều tài năng hội họa sau này như Vũ Giáng Hương, Sỹ
Ngọc... đều được ươm mầm từ nơi đây. Nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng
như: Tình quân dân, sơn mài của Nguyễn Sỹ Ngọc; Du kích Cảnh Dương -
tranh in đá của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Ðôn; Hạnh phúc - phù điêu của
Nguyễn Thị Kim... đều được ấp ủ, hình thành từ làng Tín Nghĩa này...
Ðây
là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật
Việt Nam. Trở về thăm Quần Tín, thật xúc động khi một cụ bà cứ nắm chặt
tay tôi gửi lời về thăm bà Hạnh, Giáo sư văn học phương Tây, nguyên là
giáo viên khoa Văn, Ðại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và là con gái thứ
hai của Giáo sư Ðặng Thai Mai, người đã từng dạy cho bà cụ cái chữ đầu
tiên cách đây hơn nửa thế kỷ, để đi làm cán bộ phụ nữ, nay đã nghỉ
hưu...
Ðịa chỉ đỏ về nguồn của giới văn nghệ sĩ
Ngày
31-1-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã ký Quyết định
số 418 cấp Bằng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh cho Khu lưu niệm Hội
Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947- 1954 thuộc làng Quần Tín, xã Thọ Cường,
huyện Triệu Sơn. Trước đó, ngày 11-8-2011, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công
văn gửi các ban, ngành chức năng trong tỉnh và huyện Triệu Sơn, xã Thọ
Cường về việc đầu tư xây dựng khu lưu niệm này.
Ðồng chí Nguyễn
Khoa Ðiềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng
Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư) khi về thăm Quần
Tín đã nói với nhân dân địa phương: "Quần Tín là địa danh lịch sử cách
mạng, nên cần có một nhà bia ghi dấu ấn, xứng đáng cho văn hóa cả nước,
làm cơ sở về nguồn cho các thế hệ mai sau"... Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ
tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam khi về thăm Quần
Tín gần đây cũng mong muốn: "Việc xây dựng nhà bia là vô cùng cần thiết.
Chúng ta phải chung tay xây dựng một khu văn hóa kháng chiến xứng tầm
để tri ân nhân dân Quần Tín đã nhường cơm xẻ áo, cưu mang các văn nghệ
sĩ suốt tám năm. Chúng ta chỉ làm nhà bia lưu danh những người từng đến ở
Quần Tín thì chưa ổn. Chúng ta phải nghĩ đến nhân dân, phải có nhà bia,
nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sĩ trở về cội
nguồn".
Các hộ gia đình nằm trong khu quy hoạch di tích lịch sử
cách mạng đã sẵn sàng dời nhà đi nơi khác, nhường đất để xây dựng nhà
bia và khu lưu niệm. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Thọ Cường Nguyễn Thị Thanh,
chỉ trong hai năm, từ năm 2011 đến năm 2012, nhân dân xã Thọ Cường, nhất
là làng Quần Tín, đã có 598 hộ hiến 38.160 m2 đất thổ cư và 18.120 m2
tường rào xây, quán và nhà cấp bốn để làm đường xây dựng nông thôn mới.
Xã cũng đã lập quy hoạch xây dựng nhà bia, khu văn hóa lưu niệm làng
Quần Tín. 35 hộ trong xã, nơi có văn nghệ sĩ ở ngày xưa đã tình nguyện
hiến đổi 7.000 m2 đất để xây dựng Khu văn hóa lưu niệm. Hy vọng rằng, dự
án về khu di tích nhiều ý nghĩa này sớm được khởi động.
ÐỖ NGỌC YÊN/NhanDan