Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 15/7/2013 11:22'(GMT+7)

Sức lan tỏa rộng, hiệu quả thiết thực

Các em học sinh Đà Nẵng tham quan phòng trưng bày về Hoàng Sa.

Các em học sinh Đà Nẵng tham quan phòng trưng bày về Hoàng Sa.

Sức lan tỏa sâu rộng

Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Cụm lực lượng Hải quân 3 đánh giá, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình “Vì biển đảo Tổ quốc”, các tỉnh (thành) đoàn 7 tỉnh, thành phố miền Trung và các đơn vị thuộc Cụm lực lượng Hải quân 3 đã phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược, ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam; lịch sử truyền thống cách mạng của đất nước, quân đội, quân chủng, đơn vị và các địa phương. Đây là hoạt động có tính tuyên truyền, giáo dục rất hiệu quả...

Để làm tốt công tác tuyên truyền, các đơn vị Lữ đoàn 680, Lữ đoàn 172, Lữ đoàn 161, Lữ đoàn Công binh 83, Trung tâm ĐBKT 354, Kho K714… thuộc Bộ tư lệnh Hải quân và Ban Tuyên giáo, tỉnh, thành đoàn các địa phương từ Quảng Bình-Bình Định ký kết chương trình phối hợp triển khai tuyên truyền biển, đảo. Ngay sau đó, các đơn vị đã cử các đoàn công tác về các địa phương... Bằng nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú, đa dạng, các em học sinh đã được cung cấp nhiều thông tin về tầm quan trọng của biển, đảo trong phát triển kinh tế, xã hội, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết những vấn đề trên Biển Đông; cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử  khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Hải quân nhân dân Việt Nam... Các đơn vị còn giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về lực lượng hải quân cũng như những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sinh viên, học viên Học viện Hải quân Nha Trang khi đang học trong nhà trường và khi ra trường…

Đội ngũ báo cáo viên của các đơn vị trong Cụm lực lượng Hải quân 3 đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho hơn 60.000 lượt cán bộ, chiến sĩ đoàn viên thanh niên và nhân dân; cùng với Ban Tuyên giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố miền Trung tổ chức tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân trong thời kỳ mới; tuyên truyền cho 67 trường THPT với hơn 70.000 lượt học sinh… Những hoạt động ấy đã góp phần khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ quyền và tình hình biển, đảo Việt Nam hiện nay, giúp cho các em học sinh nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời các em cũng thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Học sinh thành phố Đà Nẵng tham gia vẽ về biển, đảo quê hương.

 

Hiệu quả thiết thực

Đồng chí Nguyễn Chí Quang, UVBCHTƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh- Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế cho biết: “Ngay sau khi Chương trình “Vì biển đảo Tổ quốc” được ký kết đã nhận được sự đồng thuận của các sở, ban, ngành. Chúng tôi coi việc tuyên truyền giáo dục và bồi dưỡng xây dựng ý thức, trách nhiệm của thanh niên đối với biển, đảo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, khi Tỉnh đoàn phát động thì nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ”.

Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế phát động các chương trình: “Thùng tiết kiệm làm theo lời Bác”, “Heo đất tiết kiệm”,  không chỉ riêng lực lượng thanh thiếu niên mà còn vận động các đơn vị khối các doanh nghiệp, nhà trường quyên góp gần 200 triệu đồng mua ti vi, đầu đĩa, máy lọc nước tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa; phối hợp với Báo Thừa Thiên-Huế tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Biển đảo-xa mà gần” trưng bày hàng trăm bức ảnh và bài viết phản ánh cuộc sống của người dân và các chiến sĩ ở vùng biển trời của Tổ quốc. Nhân dịp này, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Thừa Thiên-Huế còn đóng góp được gần 75 triệu đồng, 7 ti vi màn hình lớn, 2 radio, 3 đầu DVD, cùng nhiều điện thoại di động, tạp chí, sách báo, băng đĩa… gửi tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1…

Thành phố Đà Nẵng có cách làm "đưa biển, đảo vào học đường". Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) có sáng kiến tổ chức Ngày hội biển, đảo-tình yêu Tổ quốc cho hơn 2000 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Các trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng có hình thức đưa kiến thức về biển, đảo đến với học sinh bằng việc tích hợp, lồng ghép chương trình lịch sử địa phương trong các môn học Lịch sử, Địa lý. Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu phối hợp với các đơn vị hải quân tổ chức các buổi nói chuyện cho cán bộ, giáo viên, học sinh toàn quận về tình hình thời sự trên Biển Đông, tin tức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tổ chức trưng bày triển lãm tranh ảnh, các bài viết liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa cho học sinh khối THCS và tiểu học. Kể từ năm học 2011-2012, Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cũng đã triển khai dạy chuyên đề lịch sử địa phương, trong đó bổ sung nội dung về quần đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng.  

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi với chương trình "Hội trại sinh viên với biển, đảo" tại huyện đảo Lý Sơn đã quy tụ hơn 900 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc tham quan triển lãm ảnh, xem phim về chủ quyền biển, đảo; tặng cờ cho ngư dân, giao lưu với cán bộ và nhân dân Lý Sơn… Hoạt động hiệu quả của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi là chương trình phát động xây dựng công trình thanh niên “Thắp sáng điện cho nhân dân đảo Bé-Lý Sơn” đã vận động được gần 500 triệu đồng.  

Tuổi trẻ LLVT thành phố Đà Nẵng với biển, đảo quê hương.

 

Tỉnh đoàn Quảng Trị với phong trào “Tuổi trẻ học đường Quảng Trị với biển, đảo quê hương” đã vận động quyên góp tặng Vùng 3 Hải quân hai tủ sách (với hơ 1000 đầu sách), ti vi và nhiều dụng cụ thể thao trị giá gần 50 triệu đồng.

Thực tế Chương trình “Vì biển đảo Tổ quốc” được triển khai trong những năm qua đã góp phần hướng về hải đảo với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Ước mơ làm giàu từ biển”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”… thu hút hơn 40.000 đoàn viên tham gia với các công trình trị giá hàng tỷ đồng. Hằng năm, các đơn vị trong Cụm lực lượng Hải quân 3 còn điều động các tổ, đội công tác với 1.508 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên lao động giúp dân, cứu hộ, cứu nạn; sửa chữa 30 phòng học, hơn 100 nhà dân… Đáng trân trọng hơn, chương trình không chỉ dừng lại ở tuổi trẻ, mà còn được đông đảo các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và nhiều tầng lớp nhiệt tình hưởng ứng, tham gia.

Sinh viên Nguyễn Thùy Dung (Khoa Ngữ văn) Đại học Đà Nẵng tâm sự: “Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa là trách nhiệm của mọi người, trong đó thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng. Chính những lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở trong nhà trường, các buổi học tập ngoại khóa đã tạo cơ hội cho chúng em tiếp thu và hiểu rõ các chính sách, chủ trương, đường lối của Nhà nước ta về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiểu một cách sâu sắc về trách nhiệm và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các nhà trường nên tổ chức thêm nhiều buổi học ngoại khóa về biển, đảo và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho các đối tượng thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên”.

 PHAN TIẾN DŨNG/QDND


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất