Sau một loạt bài viết xuyên tạc về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bị dư luận trong và ngoài nước phê phán thì gần đây ông lại viết bài “Về danh hiệu Đảng viên cộng sản”, đăng trên một số mạng điện tử có nội dung phản động ở nước ngoài.
Trong bài viết này ông đã chủ ý bẻ cong sự thật.
Ngay ở những dòng đầu tiên bài viết ông nói, ông có hơn 40 năm ở trong Đảng Cộng sản (tháng 3-1991 bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam), còn gần 20 năm nay ông là người tự do mà theo ông “không có gì sung sướng bằng". Ông cho biết, ông hoàn toàn hài lòng vì ông trở nên "có ích cho dân, cho nước hơn hẳn, khác hẳn trước”.
Ông nói như thế nghĩa là hơn 40 năm trước đó, trước cái ngày ông sang Pháp rồi bỏ luôn Tổ quốc, ở lại xứ người, ông đã sống không thật, làm không thật, những việc ông làm không có ích cho dân, cho nước bằng hiện nay. Bốn mươi năm, quá nửa đời người, lại ở thời kỳ “bẻ gẫy sừng trâu” như thế thì có thể coi là cả đời rồi còn gì?. Cũng phải nói lại rằng ngày ông bỏ Tổ quốc ra đi (năm 1990), đất nước Việt Nam vô cùng khó khăn, lạm phát phi mã tới hơn 700%, người dân bữa đói, bữa no. Ông bảo ông ra đi vì dân, vì nước thì thật là khó thuyết phục quá. Có lẽ động cơ ông ra đi vì ông dự đoán chế độ XHCN ở Việt Nam sẽ sụp đổ theo chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Ông ra đi và hi vọng ngày trở về với một cương vị khác. Nhưng sự thật lại không diễn ra như thế. Ông đã tính sai nước cờ, đành phải chịu tha hương…
Ông nói ông thương hại “vô vàn bạn bè, người quen, bà con họ hàng” của ông ở trong nước “do hoàn cảnh éo le là chỉ có một mình đảng cộng sản” nên vẫn phải theo…”. Rồi ông tỏ ra hiểu biết hơn để lên lớp cho mọi người nghị quyết nọ, nghị quyết kia, của tổ chức nọ, tổ chức kia… đang lên án Đảng Cộng sản.
Thưa ông, hiện nay Việt Nam có khoảng 24% dân số (cả nông dân ở vùng sâu, vùng xa) ngồi trước màn hình máy vi tính trong nhà mình “nhấn chuột” chừng dăm, bẩy phút là có những thông tin, số liệu cần tìm ở trong nước và thế giới. Mạng in-tơ-nét phổ cập gần như khắp nước, đúng nghĩa với từ “cần là có”, ngoài ra còn rất nhiều kênh thông tin khác. Do vậy chế độ nào tốt, chế độ nào xấu, đảng nào tốt, đảng nào xấu, đất nước nào có tự do, đất nước nào không có tự do, không phải người dân không biết, và chẳng dễ gì xuyên tạc, lừa mị. Ví dụ như chuyện xả súng vào trường học ở Mỹ, ở Đức... hay gần đây nhất, một số cảnh sát Mỹ đánh dã man một sinh viên Việt Nam là lập tức trong nước có đầy đủ thông tin, kể cả vi-đê-ô quay tại hiện trường cảnh đấm, đá của cảnh sát cũng như tiếng kêu cứu của người bị hại…
Có nhiều kênh thông tin và thông tin thuận lợi như thế nên người dân Việt Nam cũng có đủ bản lĩnh để lựa chọn con đường đi, mà không cần ông phải chỉ bảo, lại càng không cần ông thương hại. Còn những lập luận và quan điểm của ông thì mọi người đã rõ, đó là quan điểm chống cộng sản đến cùng.
Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc, Tổ quốc này, với nhân dân ta kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai thì không phải nói thêm nữa, vì ai cũng đã hiểu. Đã từng có hơn 40 năm ở trong Đảng, chắc ông không thể phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân ta đoàn kết, thống nhất, với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại non sông thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn 30 năm qua, vượt qua biết bao thử thách khó khăn, trong tình hình thế giới có những biến động hết sức phức tạp không có lợi cho phong trào cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, đạt được những thành tựu rất quan trọng, “có ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thật đó là không thể phủ nhận.
Ông có đề cập đến chuyện trong Đảng có một số đảng viên “nhạt lý tưởng”, “nhạt niềm tin”, “không sốt sắng trong sinh hoạt đảng” như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã cảnh báo. Đó là một thực tế. Thậm chí trong Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói đại ý: Tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí ở một bộ phận cán bộ, đảng viên rất nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn sẽ là nguy cơ tồn vong của chế độ…
Nhưng những yếu kém đó không phải bắt nguồn từ bản chất của Đảng cộng sản, càng không phải do “chế độ độc đảng” như ông nói, mà đó chỉ là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, phấn đấu, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức, lại bị tác động tiêu cực mặt trái của cơ chế thị trường. Và cũng có cả do buông lỏng quản lý, giáo dục của các tổ chức Đảng. Tuy nhiên, sự yếu kém đó đang được toàn Đảng tập trung khắc phục thông qua cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hơn hai năm qua là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Mở rộng dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội là vấn đề lâu dài, trọng yếu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và tiếp tục nỗ lực phấn đấu để từng bước đạt tới. Điều đó cũng dễ hiểu, vì dân chủ là bản chất của xã hội phát triển, là ước mơ của loài người, là thước đo trình độ phát triển của một xã hội. Nghĩa là, nó được thiết lập đồng thời với sự phát triển của đất nước. Ông quá biết đất nước Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh với cơ sở hạ tầng, nền tảng khoa học kĩ thuật thấp kém đến mức độ nào, nên hiện nay mặc dù là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khá bền vững, nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, thu nhập bình quân vẫn còn thấp. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam còn đang khắc phục hậu quả do thiên tai và chiến tranh để lại; nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, lo đủ ăn, đủ mặc, lo học hành cho người dân, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo trong quá trình phát triển, phấn đấu xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ và công bằng…
Dù còn nhiều khiếm khuyết trong tiến trình dân chủ hóa xã hội, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, không thể phủ nhận, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân chủ đã là một thực tiễn sống động và đang trên đà phát triển được thể hiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và là một trong những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua. Nếu so sánh với chính mình thì chưa bao giờ Việt Nam mạnh như hôm nay, chưa có chế độ nào, đảng nào mang lại độc lập tự do, cơm ăn, áo mặc cho người dân như chế độ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Một thực tế hiển nhiên như thế mà ông bẻ cong ngòi bút, viết rằng: “Hiện nay Việt Nam… với những cuộc đàn áp, bắt bớ các chiến sĩ dân chủ, các trí thức yêu nước… đàn áp, đánh đập, bắt giam các giáo dân và Phật tử…”.
Ông "suy tôn" những nhân vật cơ hội chính trị, có xu hướng chống đối như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… là những trí thức yêu nước, thì không ai chấp nhận được. Xin thưa, họ là những người lợi dụng tôn giáo, nhân quyền để làm những việc sai trái vi phạm pháp luật (kể cả đạo lí) Việt Nam, nên bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, bắt giam, xét xử theo luật định. Có lẽ ông là người "đồng cảm" nhất với những người này vì ông và họ có cùng có chung quan điểm và thái độ hằn học, công kích Đảng cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Cũng trong bài viết này, ông đã xúc phạm cả đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp vốn đang phát triển rất tốt đẹp. Tôi còn nhớ tháng 6-2005, trong đoàn báo chí tháp tùng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Giắc Si-rắc (Jacques Chirac), tôi đã được chứng kiến Tổng thống, Quốc hội, Thủ tướng Pháp đón tiếp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rất trọng thị với nghi thức Nhà nước cao nhất dành cho Nguyên thủ Quốc gia. Sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị đó được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin hai nước và thế giới. Thế mà ông hằn học nói “Nếu như các người lãnh đạo đảng CS Việt Nam mang nguyên cái lập trường cộng sản của họ sang trình bày ở nước Pháp này… họ sẽ lập tức bị công luận lắc đầu, bĩu môi, coi họ là những kẻ bệnh hoạn, man rợ…”.
Với điều kiện, hoàn cảnh của ông, tôi nghĩ rằng ông nên về thăm, hoặc về lại Tổ quốc an tuổi già, để có điều kiện “mắt thấy, tai nghe” tình hình đất nước. Ở xa đất nước, ông luôn tỏ ra là người "thạo tin" nhưng những bài viết xuyên tạc sự thật, bóp méo thực tế như vậy, làm sao có thể tạo được lòng tin nơi bạn đọc.
(Theo: Huy Thiêm/QĐND)