Là một nữ thủ lĩnh của Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức - cửa ngõ phía Đông của TPHCM, nơi có vị trí rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh từ các tỉnh, thành vào TP - nhưng khi kể về mình, chị Đặng Thị Tuyết, trưởng trạm, bắt đầu bằng một câu nhẹ tênh: Bình thường thôi…
Đối mặt
Gần 6 giờ sáng ngày 13-8-2010, trên xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), bà Nhung (ngụ tỉnh Hà Tĩnh) bị trạm lập biên bản khi vận chuyển trái phép 13 con tê tê. Số tê tê trên được bà Nhung để trong bao nhựa PP và dồn vào 3 chiếc giỏ xách có ướp nước đá.
Tổng số tê tê cân nặng hơn 76kg, ước trị giá hơn 100 triệu đồng… Đáng nói là sau khi chờ lực lượng chức năng của TP xuống thụ lý, một nhóm người tìm đến trạm “làm luật” ngay với trưởng trạm bằng gói tiền trị giá 50 triệu đồng cùng những hành động có ý hăm dọa. Chị và đồng nghiệp vẫn cương quyết lập biên bản.
Ngày 7-5 mới đây, trạm bắt giữ xe khách 53M-2130 vận chuyển hơn 600kg thịt và nội tạng heo không rõ nguồn gốc từ Đồng Nai và xe khách 92K-3020 vận chuyển 45 con heo sữa không rõ nguồn gốc từ Quảng Nam vào TPHCM.
Chị kể: “Sau khi lập biên bản tịch thu tiêu hủy, các chủ hàng chửi bới, hăm dọa “làm thịt” cán bộ thú y khiến chúng tôi phải nhờ tới sự can thiệp của Công an phường Linh Trung”. Một vụ việc khác là khi trạm phát hiện tại khu vực cầu vượt Thủ Đức một xe máy vận chuyển 160kg thịt heo bẩn. Tuy nhiên, khi bị ngành chức năng đưa lô hàng trên về trạm xử lý thì người chở hàng tên Thắng tìm mọi cách “xin” lại lô hàng và hăm sẽ “xử lý” trưởng trạm khiến mọi người phải báo ngay công an phường hỗ trợ.
Vào tháng 11-2008, trên đường đi cơ sở ở đường Nguyễn Thị Định, phường An Phú, quận 2, chị phát hiện một vựa trứng vi phạm quy định và nhắc nhở chủ vựa. Đã không nghe, chủ vựa còn tấn công chị bằng hai con dao làm bếp nhưng đã được nhiều người ngăn lại kịp thời.
Nhớ lời ba dặn
Tiếp chúng tôi tại “tổng hành dinh” của trạm đặt tại xa lộ Hà Nội, buổi nói chuyện liên tục bị gián đoạn bởi chị vừa tất bật cùng nhân viên kiểm tra các xe vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào liên tục, vừa nghe điện thoại của các “cơ sở bí mật” cung cấp thông tin phương tiện vận chuyển trái phép đang chuẩn bị qua trạm. Dáng người khá… nam tính trong bộ đồng phục hơi cũ, không son phấn, gương mặt đen sạm nắng gió, trông chị khắc khổ và già hơn so với cái tuổi 40 của mình.
Chị cười: “Ba tôi cưng tôi nhất nhà vì giống ổng đó, giống cái tính cái nết chân chất của người nông dân như thế nào thì cứ sống đúng như thế đó. Quan trọng là phải hiểu biết, phải xử sự có tình, có lý”.
Chị cho biết: “Ngày tôi được kết nạp Đảng (năm 2004), ba vui lắm. Ông cụ cứ dặn đi dặn lại: Các con sống, làm việc sao cho đàng hoàng, đúng đắn, đừng để mang tiếng tổ chức, mang tiếng gia đình…”. Lời ba chị - một lão nông chân đất đã nuôi nấng 9 đứa con đều thành đạt, được chị luôn ghi nhớ như lời tuyên thệ trước cờ Đảng.
Giờ giấc công tác khá khắc nghiệt: Chiều tối ra khỏi nhà, đến sáng khi chồng con đã đi học đi làm, chị lại quay về. Nhiều ngày trong tuần, chồng chị phải thay vợ vừa giữ con, cho con ăn, đưa đón con đi học vừa phải nấu ăn cho cả nhà khi chị vào đợt kiểm tra.
Chị tâm sự: “Tôi đọc được một câu của Bác dặn dò đảng viên: “Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”. Điều đó cũng có nghĩa là bản thân mỗi đảng viên phải tự giác”.
Hành trang của chị đến với công việc hàng ngày là lời tuyên thệ trước cờ Đảng và cả lời dặn dò của ba - làm việc sao cho đàng hoàng, đúng đắn...
Chị Đặng Thị Tuyết là một trong những điển hình cá nhân xuất sắc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tuyên dương vừa qua./.
(Hồng Hiệp/SGGP)