Thứ Bảy, 5/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 14/3/2010 23:3'(GMT+7)

Việc nghĩa ở Giáo xứ Tân Sa Châu

Bữa cơm bác ái ở nhà thờ Tân Sa Châu.

Bữa cơm bác ái ở nhà thờ Tân Sa Châu.

Khi nghe đến những bữa cơm từ thiện chúng tôi nghĩ rằng chắc cũng chỉ có cơm, rau qua loa giúp cho những người khốn khó sống qua ngày.

Thế nên khi được tình cờ “ thực mục sở thị” bữa cơm bác ái của giáo xứ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) dành cho người nghèo, chúng tôi không khỏi bất ngờ: Cơm tơi xốp, trắng tinh, thức ăn có 3 món (thịt gà kho, rau xào và canh thịt) được bày lên đĩa cá nhân sạch sẽ, tinh tươm, chất lượng hơn hẳn đĩa cơm bình dân 12.000 đồng ngoài đường phố. Vậy mà số tiền chi ra cho mỗi suất cơm như vậy - theo ông Trần Viết Hợp, Trưởng ban Truyền giáo giáo xứ, chỉ có 8.000 đồng (chưa kể tiền ga đun nấu).

Bất kể tôn giáo, theo đạo hay không theo đạo, trong giáo xứ hay ngoài giáo xứ, những người đến ăn cơm ở đây chỉ với một điều kiện duy nhất là: Thực sự nghèo khó hoặc tàn tật cô đơn, không nơi nương tựa. Họ là những cụ ông, cụ bà không con cháu, không nơi nương tựa, những đứa trẻ lang thang bán vé số, đánh giầy và cả những người đến bằng xe lăn. Tất cả đều được đón tiếp ân cần và được giáo xứ cấp cho mỗi người một tấm thẻ, đến giờ ăn hằng ngày cứ việc đeo thẻ đến nhà ăn của nhà thờ là được phục vụ tận tình. Những người lang thang, cơ nhỡ lần đầu đến đây cũng được đón tiếp chu đáo. “Không chỉ phục vụ bữa ăn, chúng tôi còn muốn làm sao cho những người nghèo khổ đến ăn cơm nơi đây cảm thấy như được chính con cháu mình phục vụ” - ông Hợp cho biết thêm.

Hình ảnh những người phục vụ vừa dắt tay những cụ ông, cụ bà đi rửa mặt, rửa tay trước khi ăn, vừa ân cần thăm hỏi họ, đã chứng minh cho lời tâm sự ấy của ông Trưởng ban Truyền giáo. Những người ốm đau, bại liệt, thần kinh không đến được nhà ăn thì hằng ngày giáo xứ cử người mang cơm đến tận nhà cho họ. “Ăn ngon, ấm cúng” và “cảm ơn sự cưu mang của giáo xứ” đó là những lời nhận xét của bà con đến ăn cơm ở đây.

Vừa ăn, ông Nguyễn Văn Cẩm vừa cho chúng tôi biết: Ông không theo đạo nào cả, không có con cháu, sống nhờ ở chân cầu thang một khu cư xá ở đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Hằng ngày ông đi nhặt ve chai kiếm được chừng dăm, bảy ngàn chỉ đủ mua một ổ bánh mì ăn một bữa, một bữa đành nhịn đói, đã gần một  năm nay nay ông được giáo xứ cho ăn cơm trưa ở đây. “Cảm ơn giáo xứ nhiều lắm !”- ông cảm động. 

Còn giáo dân Tống Thị Lan, 70 tuổi cũng sống một mình, hằng ngày đi bán vé số kiếm sống, đã 15 tháng nay bữa cơm Bác ái của giáo xứ giúp bà đỡ khổ. “Cảm ơn chúa, cảm ơn cha xứ nhiều lắm” - bà xúc động nói. Họ là những người có hoàn cảnh cô đơn không nơi nương tựa, bệnh tật, đói khổ về đây nương nhờ giáo xứ, người mới thì mới dăm bảy ngày, người cũ thì 14, 15 tháng và có cả những người đã ăn cơm ở đây  một năm rưỡi rồi. Cứ thế, người cũ giới thiệu cho người mới cùng cảnh ngộ. Đã gần một năm trôi qua kể từ ngày giáo xứ duy trì bữa cơm Bác ái và bây giờ thì số bà con đã được cấp thẻ đã lên đến 90, nhưng hằng ngày nhà ăn vẫn nấu hơn 100 suất ăn “để cho những người lang thang, cơ nhỡ mới đến” ông Hợp cho biết. Tìm hiểu thêm chúng tôi mới biết: Bữa cơm bác ái của giáo xứ được tổ chức vào các buổi trưa ngày thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần và được giáo dân tình nguyện đến nấu nướng, phục vụ miễn phí. Những giáo dân đến phục vụ tình nguyện này được tổ chức thành từng nhóm: Phạt Tạ, Mẹ công giáo, Giới trẻ, Bác ái, v.v… Mỗi nhóm chịu trách nhiệm phục vụ trong một tuần.

Không chỉ có những bữa cơm bác ái, giáo xứ còn thường xuyên có các hoạt động chăm lo đến người nghèo: Hằng tuần tổ chức cho các giáo khu đi thăm hỏi tặng quà bệnh nhân nghèo trong giáo xứ. Cứ đến dịp Tết Nguyên đán là các giáo khu lại tổ chức thăm, phát quà cho người nghèo. Năm nào cũng vậy, giáo xứ đều tổ chức vận động giáo dân quyên góp áo quần rồi tổ chức đoàn đến những vùng sâu, vùng xa như: Cần Giờ, trại phong Bến Sắn để trao tặng bà con nghèo. Hằng năm, cứ đến mùa thi giáo xứ lại tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi”, đón các em học sinh từ khắp mọi miền về thành phố dự thi đại học, cao đẳng, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ và thuê xe đưa, đón các em và phụ huynh đến địa điểm thi. Mỗi năm có từ 50 đến 60 em học sinh và phụ huynh nhờ chương trình này của giáo xứ mà bớt phần khó khăn vất vả. Hằng năm, giáo xứ còn cấp học bổng giúp đỡ cho trên dưới 20 em học sinh nghèo hiếu học ở địa phương. Tất cả những hoạt động từ thiện ấy của giáo xứ đều xuất phát từ lòng yêu thương con người, không hề phân biệt tôn giáo, có đạo hay không có đạo. Sở dĩ giáo xứ duy trì được những hoạt động ấy là nhờ sự quyên góp của giáo dân và cả những tấm lòng hảo tâm của những người ngoại đạo. Ngoài ra, cứ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần giáo xứ còn tổ chức một quán cà phê, giải khát trong sân nhà thờ. Quán cà phê có tên E-mau do nhóm tình nguyện Giới trẻ đảm nhiệm. Nét đặc biệt của quán này là phục vụ miễn phí, ai có nhu cầu uống gì cứ gọi, không phải trả tiền, nhưng những ai có lòng hảo tâm thì tự nguyện quyên góp vào hòm “Hiệp thương Bác ái”. Đây cũng là nguồn thu đáng kể cho hoạt động từ thiện của giáo xứ. Tất cả những ai đóng góp cho giáo xứ để giúp đỡ người nghèo và đóng góp bao nhiêu hằng tháng đều được công khai lên bảng trước sân nhà thờ.

Có một điều đặc biệt là, trong quá trình trò chuyện cùng chúng tôi không chỉ những bà con nghèo đến dùng bữa cơm bác ái của giáo xứ mà cả những giáo dân tình nguyện đến phục vụ nơi đây cũng thường hay nhắc đến một người với lòng kính trọng, đó là cha xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết. Khi được hỏi “Vì sao các chị tự nguyện đến phục vụ miễn phí ở đây?”, không chút chần chừ chị Mai Thị Lệ Thuỷ, nhóm trưởng nhóm Giới trẻ (đang phục vụ bà con khi chúng tôi đến thăm) cho biết: “Vì lòng thương người nghèo khó và noi gương cha xứ mà làm việc thiện”. Còn ông Nguyễn Văn Cẩm thì nhận xét: “Cha xứ sống rất giản dị, hòa đồng với mọi người. Hằng ngày cha vẫn cùng ăn bữa cơm bác ái cùng chúng tôi”. Ông Trần Viết Hợp, Trưởng ban Truyền giáo Giáo xứ còn cho chúng tôi biết thêm, chính cha là người đã khởi xướng bữa cơm bác ái và hằng tháng ông vẫn đóng tiền để ăn cơm cùng người nghèo và bà con người dân tộc. Cảm động trước việc nghĩa tình và cả cách làm hết sức công khai minh bạch của giáo xứ nên ngoài bà con giáo dân, nhiều Việt kiều về nước cũng đã tìm đến giáo xứ xin được quyên góp tiền vàng giúp người nghèo. Nhiều chị em tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai cũng đã chung sức cùng giáo xứ làm việc thiện, người ủng hộ chục cân rau, người ủng hộ vài, ba cân thịt, cá, cua… Điều đó lý giải vì sao số tiền chi ra không nhiều nhưng chất lượng bữa ăn khá tốt, hơn thế nữa hiện nay giáo xứ còn có hơn 100 triệu đồng, nếu giả dụ không tiếp tục nhận được các nguồn bổ sung tiếp theo thì giáo xứ vẫn “đủ sức” duy trì bữa cơm bác ái thêm dăm bảy tháng nữa.

Trong căn phòng nhỏ hẹp và có phần bề bộn bởi những tiện nghi sinh hoạt đơn sơ ở phía sau nhà thờ, cha xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết đã vui vẻ tiếp chúng tôi. Quả thật, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi ở của một vị cha xứ của một xứ đạo khá lớn với nhà thờ hoành tráng, uy nghi, lại khiêm tốn như vậy. Khi biết chúng tôi có ý định viết bài về những hoạt động từ thiện của giáo xứ, cha nói : “Chúa dạy, sống bác ái, yêu thương, chia sẻ - những việc gì giáo xứ đã làm vừa là thực hiện lời chúa dạy vừa là thể hiện tấm lòng của con người với con người, đó cũng là thực hiện lời Bác Hồ đã dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Cha còn cho chúng tôi biết thêm, để giúp người dân nghèo nắm, hiểu và thực hiện đúng pháp luật, mới đây giáo xứ còn liên hệ với chi hội luật gia phường 2, quận Tân Bình mở một điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho bà con vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại nhà thờ. 

“Tích cực, cụ thể, hiệu quả và có sức lan toả” đó là nhận xét của ông Phạm Văn Nhàn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 2, quận Tân Bình khi nói về những hoạt động từ thiện nhân đạo thời gian vừa qua của Giáo xứ Tân Sa Châu - một trong những điển hình của địa phương trong làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

(Theo: Thanh Tùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất