Là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn chiều 20/3, ông Hoàng Tuấn Anh đối mặt với khá nhiều chất vấn xung quanh những mặt trái của lễ hội. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào về việc gần đây các chùa chiền đặt quá nhiều hòm công đức, Bộ trưởng Tuấn Anh thừa nhận tình trạng người dân đi lễ chùa thường rải tiền vào nơi thờ những vị La hán, chư Phật... Đây là việc làm sai bởi theo quy định mỗi chùa chỉ có một hòm công đức.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba chất vấn: "Tôi đi các đền chùa ở phía Bắc thấy người đi cúng lễ mâm đầy tiền, nhìn vào rất phản cảm. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào, có nên hướng dẫn tín ngưỡng của nhân dân, hay để phát triển tự nhiên?".
Một đại biểu khác cũng lên tiếng: "Gần đây hiện tượng đi chùa chiền rất nhiều, xu hướng đó liệu có phù hợp với nền văn hóa tiên tiến cách mạng mà chúng ta đang xây dựng?".
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đi cúng lễ với mâm đầy tiền, nhưng riêng việc người dân đi chùa nhiều và có phù hợp với nền văn hóa tiên tiến cách mạng hay không thì Bộ trưởng Tuấn Anh lúng túng: "Chúng tôi không biết nói thế nào vì đây là nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của con người. Ta chỉ có thể chống lợi dụng để làm việc không hay như lên đồng, bói toán".
"Kinh tế đang khó khăn, người thất nghiệp nhiều, việc tổ chức quá nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm tốn kém hàng tỷ đồng có nên không? Bộ có nên hạn chế một số lễ hội, lễ kỷ niệm?", đại biểu Lê Thị Thu Ba tiếp tục truy vấn.
Khẳng định rất ý thức khi đất nước đang khó khăn, việc tổ chức nhiều lễ hội sẽ tốn kém, tuy nhiên Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng so với trước kia thì hiện nay không gia tăng lễ hội. Cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian. Nhiều lễ hội đã được xã hội hóa, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, ví dụ Fesitval pháo hoa ở Đà Nẵng hay Festival văn hóa cồng chiêng.
"Chúng tôi đã phân cấp quản lý lễ hội cho từng cấp. Tổ chức ở quy mô thế nào thì các địa phương phải cân nhắc. Lễ kỷ niệm thành lập ngành, thành lập trường phải phụ thuộc vào ý thức của các cơ quan. Chúng tôi đã có ý kiến các địa phương cần xem xét lại có dàn trải, lãng phí không?", ông Tuấn Anh trả lời.
Phản ánh tình trạng việc vi phạm quy định về việc cưới, việc tang chủ yếu là cán bộ có chức quyền, đảng viên (tang lễ của dân chỉ 3 ngày, của quan chức cao cấp tận 5 ngày), đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: "Sắp tới ta có nên công khai quy định này việc tổ chức tang lễ nên bao nhiêu ngày để dân khỏi thắc mắc?".
Bộ trưởng Tuấn Anh hứa: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu nên hướng dẫn thế nào cho phù hợp". Riêng Bộ VH, TT& DL đã có quy định rất cụ thể, với việc hiếu, ai đi, đi bao nhiêu vòng hoa. Việc cưới không được tổ chức trong giờ hành chính.
Nhiều đại biểu cũng quan tâm tới việc trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết hỏi: "Lộ trình cụ thể trong việc khôi phục các di tích bị xâm phạm. Bộ trưởng nói có những di tích bị xâm lấn từ hàng chục năm trước, giải quyết cần phải một vài năm là còn quá chung chung?".
Theo ông Tuấn Anh, cả nước có 40.000 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia, trên 5.300 di tích cấp tỉnh. Hiện 228 di tích xếp hạng quốc gia bị vi phạm. Hà Nội là địa phương có nhiều di tích bị xâm phạm nhất (hiện có 1.200 hộ dân và 11 cơ quan đang sử dụng đất của 104 di tích). Bộ đặt mục tiêu đến năm 2010 trùng tu được khoảng 6.000 di tích quốc gia, số còn lại sẽ trùng tu dần vì phải phụ thuộc vào ngân sách.
"Vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai", ông Tuấn Anh nói và giải thích trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, do bức xúc về nhà ở, một bộ phận dân đã ở trong các đình, đền, chùa. Nhiều hộ đã được cấp sổ đỏ nên công tác giải tỏa xâm phạm càng gặp khó khăn. Mặt khác, việc triển khai quy hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội ở gần, thậm chí nằm hoàn toàn trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử văn hóa, không tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan, nên đã dẫn tới tình trạng xây cất trái phép xâm phạm vào khu vực bảo vệ di tích.
Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn: "Tôi thấy chưa rõ lắm việc bao giờ khôi phục được các di tích lịch sử văn hóa, chủ trương, định hướng phát triển các lễ hội".
Hồng Khánh( VN.Espress)