Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 19/3/2009 10:47'(GMT+7)

Phát hành phim nghệ thuật-Lẽ nào chỉ chờ tài trợ?

Cảnh phim “Trăng nơi đáy giếng”.

Cảnh phim “Trăng nơi đáy giếng”.

Lý do của việc “thờ ơ” với mục đích doanh thu được chính đạo diễn thừa nhận “để kéo người xem đến rạp với Trăng nơi đáy giếng là hơi khó”…

Bộ phim vừa đoạt giải bạc tại giải “Cánh diều vàng”. Những tưởng nhà sản xuất sẽ chớp lấy thời điểm để tung ra các rạp, nhưng không, vài suất chiếu ngay trong cuộc thi, thêm một buổi chiếu dành cho báo chí, 2 buổi chiếu miễn phí phục vụ khán giả TPHCM và ra mắt khán giả tại Huế, còn lịch phát hành chính thức thì… chưa biết bao giờ.

Ngoài lý do phim khó thu hút đông người xem, thì một lý do nữa mà nhiều bộ phim nghệ thuật vấp phải, là sự từ chối của các rạp.

Các phim “Đời cát”, “Mùa ổi”, “Thung lũng hoang vắng”, “Mùa len trâu”, “Thời xa vắng”... cũng chung một hoàn cảnh. Những bộ phim này đều được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như tính nhân bản.

Phim “Cầu Ông Tượng” mất tới vài năm mới được đem ra chiếu phục vụ nhân dịp lễ. “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao”, “Áo lụa Hà Đông” có cả một chiến lược quảng cáo cũng không ăn thua, hầu hết bị đánh bật khỏi rạp một cách nhanh chóng.

Mới đây, phim “Rừng đen” phải hoãn lịch chiếu 2 - 3 lần vì không thể chen chân với phim ngoại để vào rạp lớn. Phim ít người xem, rạp thường không nhận chiếu dù phim hay!

Tuy chưa phát hành nhưng nhà sản xuất Hãng phim Giải Phóng cũng tự hào tuyên bố: “Trăng nơi đáy giếng” đã thu được gần 1 tỷ đồng. Đó là số tiền mà phim bán được cho một vài kênh truyền hình nước ngoài và được một số nhà tài trợ nước ngoài “giúp đỡ” để phát hành. Không phải chỉ riêng “Trăng nơi đáy giếng”, nhiều bộ phim nghệ thuật khác cũng đã phải tìm giải pháp đó để “cứu phim”.

Bằng mối quan hệ của mình, các đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh với “Mùa len trâu”, Việt Linh với “Mê Thảo, thời vang bóng”… đã tạo được nguồn thu cho phim. Tất nhiên, các đạo diễn này đều là những người có khả năng tìm kiếm tài trợ do điều kiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là họ biết hướng những tác phẩm theo tiêu chí xét cấp tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tất nhiên, đây là số ít những phim tìm được hướng ra bằng cách đó. Còn phần nhiều các phim nghệ thuật sản xuất ra vẫn loay hoay trong vòng xoay tham dự các liên hoan phim và… cất kho.

Gần 1 tỷ đồng tuy chưa đủ để thu hồi vốn nhưng cũng khích lệ nhà sản xuất, không quá bị áp lực phải tìm đầu ra cho bộ phim bằng mọi cách. Nhưng dường như điều này đã khiến chính Hãng phim Giải Phóng không năng động và cố gắng tìm giải pháp đưa phim đến khán giả. Ngay đến lịch chiếu cụ thể của “Trăng nơi đáy giếng” thì chính người đứng đầu hãng còn chưa biết đến bao giờ, số phận bộ phim sẽ còn tiếp tục phải trông chờ vào tài trợ. Khán giả (dù không nhiều) muốn được thưởng thức phim nghệ thuật vẫn phải trông chờ.

Phim nghệ thuật và thương mại có một khoảng cách khá xa trong việc tạo doanh thu là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả Mỹ, kinh đô điện ảnh thế giới và nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển.

Tuy nhiên, nếu ở các nước khác, nhà nước luôn tạo điều kiện cho phim nghệ thuật phát triển bằng cách dành rạp riêng, tài trợ phát hành, bù lỗ… thì ở nước ta cơ chế này vẫn còn xa vời.

Các nhà làm phim tâm huyết luôn tâm niệm vẫn phải tự cứu môn nghệ thuật thứ bảy đích thực, cứu đứa con tinh thần của mình trước khi nhận được sự giúp đỡ nào đó.

Theo Hà Giang - SGGP Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất