Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 12/2/2009 20:18'(GMT+7)

Các chương trình xóa đói giảm nghèo: Trực tiếp, bám sát yêu cầu của người dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử - Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử - Ảnh: Chinhphu.vn

PV: Thưa Bộ trưởng, trong các Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội luôn được đề cập đến như là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Uỷ ban Dân tộc (UBDT) đã có Chương trình hành động gì để thực hiện mục tiêu trên trong bối cảnh năm 2009 là năm được dự báo rằng chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: Chính phủ đánh giá năm 2009 là năm sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2008, vừa phải phòng ngừa lạm phát đồng thời phải ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

UBDT có nhiệm vụ rất to lớn là tiếp tục triển khai việc xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng ý thức phải có trách nhiệm đóng góp cùng với các Bộ, ngành cũng như tham mưu cho Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ trên.

Vừa qua, UBDT đã rà soát lại toàn bộ các văn bản đã được Chính phủ ban hành từ trước đến nay; cùng với các Bộ như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và đặc biệt là với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực của Chương trình giảm nghèo quốc gia xây dựng những chính sách chung cho cả nước và trong đó có những chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi cho rằng, hiện nay có một số chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi thấy rằng cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Người dân tộc thiểu số ở rải rộng theo chiều dài đất nước, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau nên phải làm sao để những chính sách này tiếp cận đến được tất cả các địa phương một cách hiệu quả. Các địa phương cũng cần chủ động đề xuất để các Bộ, ngành mà trực tiếp là UBDT. Từ đó làm cơ sở để Uỷ ban kiến nghị Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp với người dân, giúp cho người dân ở đó có có hội để phát triển.

Trên cơ sở đã có những chính sách phù hợp rồi, việc quan trọng là làm sao để triển khai thực hiện có hiệu quả. Nguồn lực đầu tư không nhiều lắm nhưng làm sao để tránh thất thoát, để đồng tiền của nhân dân, của Chính phủ đến được trực tiếp người nghèo, các dự án dựa trên cơ sở có hiệu quả thiết thực, bám sát cuộc sống, bám sát những yêu cầu của dân.

PV: Trong nhiều phiên họp của Chính phủ, khi bàn về các chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhấn mạnh: “Phải làm sao đảm bảo để sự hỗ trợ của Chính phủ đến được tận tay những người nghèo”. Thưa Bộ trưởng, UBDT thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: UBDT hiện đã có đề án báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Đúng là trong điều kiện hiện nay việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân là rất là cần thiết và rất quan trọng để chúng ta tránh những khâu trung gian và thất thoát. Đây là tiền của của nhân dân. Thực chất vấn đề đầu tư đều là tiền thuế của dân, Chính phủ phải đầu tư trả lại cho dân nên làm sao phải thực hiện chương trình này cho tốt.

UBDT hiện đang trình Thủ tướng để ban hành chính sách mới. Theo đó, sự hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, muối i-ốt, bảo vệ sức khỏe… sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho người dân thay vì giao cho các công ty nhà nước và các tổ chức dịch vụ cung ứng cho người dân. Như vậy, khoản hỗ trợ này của Chính phủ sẽ không bị thất thoát vào những khâu trung gian như hỗ trợ cước vận chuyển, những vấn đề dịch vụ..

Đây là chủ trương mà bắt đầu từ năm 2009 chúng ta sẽ thực hiện đối với tất cả các chương trình xoá đói giảm nghèo và tôi tin chắc rằng những chính sách của Chính phủ sẽ góp phần tích cực hơn để đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

PV: Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ, UBDT có nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với các Bộ thực hiện chính sách đầu tư nhằm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo ngay từ đầu năm 2009. Xin Bộ trưởng cho biết, UBDT đang bắt đầu triển khai nhiệm vụ này như thể nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: Mục tiêu chúng ta đặt ra là từ nay đến năm 2011 cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 40%.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc trên cả nước còn rất cao. Theo thống kê năm 2006, 61 huyện nghèo nhất cả nước có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 60-70% là tương đối phổ biến, bình quân khoảng trên 60%. Đặc biệt cả nước còn 1 huyện tỷ lệ hộ nghèo chiếm 90%, đó là huyện Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi.

Trong số 61 huyện nghèo này có đến 80% số xã và tất cả 61 huyện nghèo này đều nằm trong chương trình 135, có đến 80% số xã và 90 % số dân nằm trong chương trình 135. UBDT hiện đã có đề án cùng với Bộ Lao động, Thương binh Xã hội và các Bộ, ngành khác phối hợp chặt chẽ với nhau và đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện đan xen chương trình 135 với chính sách cho 61 huyện nghèo.

Trong điều kiện mới hiện nay, muốn thực hiện hiệu quả chính sách của Chính phủ, tôi thấy chúng ta cần làm hai việc.

Theo tôi, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu phải đưa yếu tố khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Do đó trước tiên, rất cần hướng dẫn, đào tạo lại cho người dân mà cụ thể là vấn đề đào tạo lại cho người nông dân. Người nông dân không có kiến thức thì không tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật nên nếu chúng ta muốn đưa chuyển giao kỹ thuật vào trong nông nghiệp thì cũng rất chậm, rất lâu.

Vấn đề thứ 2 là tổ chức, phân công lại lao động trong nông nghiệp, chuyển một bộ phận lớn, cơ bản người nông dân sang các ngành nghề khác. Trong điều kiện tiến hành CNH-HĐH, một phần diện tích đất đai tất yếu chúng ta phải chuyển sang làm công nghiệp. Như vậy, những lao động dôi ra trong nông nghiệp sẽ chuyển sang làm công nhân, còn lại phải chuyển sang làm các ngành nghề khác, kể cả những ngành truyền thống thủ công rồi đào tạo nghề để họ có cơ hội có việc làm và thu nhập.

PV: Thưa Bộ trưởng, ông có nghĩ rằng chính sách sách đầu tư nhằm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 40% vào năm 2011?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: Có thể chính sách dành riêng cho 61 huyện nghèo nhất của cả nước của Chính phủ là một chính sách rất đặc thù, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước về thực hiện an sinh xã hội, mặc dù đất nước chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Theo kinh nghiệm chỉ đạo nhiều năm nay, chúng tôi thấy rằng càng về sau, những huyện, xã thực hiện chương trình này càng khó khăn. Do địa bàn chia cắt, trình độ dân trí còn hạn chế, có thể nói họ chưa thể tự bản thân mình đi trên đôi chân của mình được, cần phải có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, kể cả của các tổ chức nước ngoài một cách lâu dài.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo UBDT, chúng tôi hết sức biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng hết sức trân trọng, ghi nhận và cảm ơn các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ của các nước, các tổ chức trên thế giới đã cộng đồng trách nhiệm cùng với Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam và cũng mong rằng trong thời gian tới, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ để góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn./.

Năm 2008, Chính phủ đã dành 3.800 tỷ đồng dành cho Chương trình 135 giai đoạn II, hỗ trợ đầu tư rất quan trọng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng mới được hơn 500 công trình trong phạm vi cả nước, chủ yếu là các chương trình về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và tăng cường nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số...

Tính đến nay, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ của các nước, các tổ chức trên thế giới đã hỗ trợ khoảng 300 triệu USD cho Chương trình 135 của Việt Nam.

UBDT là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của UBDT theo quy định của pháp luật.



(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất