Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 7/12/2008 21:45'(GMT+7)

Sân chơi cho trẻ em

Hình ảnh minh họa một game online

Hình ảnh minh họa một game online

Dư luận đã nhiều lần phê phán những đồ chơi mang tính bạo lực như súng, đao kiếm, phi tiêu... không chỉ gây tổn hại tâm hồn trẻ thơ mà còn nguy hiểm, dễ gây thương tích. Gần đây trò chơi trực tuyến (game online) đã lôi cuốn các em tham gia, nhiều em đã bị nghiện quên ăn, quên ngủ không thể rời khỏi máy, vừa hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng xấu đến học tập. Ðiều đáng lo ngại hơn nữa là có nhiều trò chơi bạo lực, với những cảnh bắn phá, chém giết, đẫm máu lôi cuốn các game thủ vào "thế giới ảo", cũng say máu chém giết ham muốn giành phần thắng. Ðã xảy ra những vụ án đau lòng, do thiếu tiền chơi game, thiếu tiền mua loại vũ khí có sức công phá lớn trong cái thế giới ảo đen tối kia, có những đứa trẻ đã phạm tội giết người, cướp của.

Khi hỏi căn nguyên, người mẹ những đứa trẻ chỉ biết bàng hoàng khóc than vì cứ đinh ninh con mình được nhà trường nhận xét là ngoan, học khá, nhưng không hề biết lúc rảnh rỗi con mình đi chơi ở đâu, làm những gì.

Trước thực trạng trò chơi trực tuyến gây tác động xấu tới trẻ em, Trung tâm thanh, thiếu niên miền nam (thuộc T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) thực hiện dự án "Cai nghiện game online" bằng việc đưa các em tham gia các chương trình thể dục thể thao, học cách sử dụng internet có ích... đưa các em thoát khỏi cuộc sống ảo, trở lại với cuộc sống thật. Ðây là sáng kiến kịp thời, có lợi ích thiết thực. Như vậy khi tiếp cận với trò chơi hiện đại, chúng ta không chỉ ngăn chặn, quản lý chặt chẽ những yếu tố xấu độc, gây hại mà quan trọng hơn là giáo dục, hướng dẫn các em biết sử dụng cái có ích của công nghệ hiện đại và có đủ ý thức và bản lĩnh phân biệt được đúng, sai, nhận diện được những trò chơi nguy hiểm để phòng tránh và đấu tranh lên án nó.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi các địa phương tăng cường công tác quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa trong dịp Tết Kỷ Sửu. Thiết nghĩ có hai trò chơi nguy hiểm dễ lôi kéo các em là game online và đốt pháo. Dịch vụ trò chơi điện tử không chỉ ở thành phố mà lan tới cả các vùng quê, thậm chí cả miền núi. Cần có những quy chế hoạt động chặt chẽ và cụ thể, mang đúng ý nghĩa dịch vụ văn hóa không vì lợi nhuận mà làm những điều phi văn hóa, làm hại trẻ nhỏ. Thực ra ngành đã có những quy định cụ thể cho hoạt động này, nhưng xem ra việc thực hiện chưa nghiêm.

Chưa đến Tết mà đã có bao nhiêu vụ vận chuyển, tàng trữ pháo lậu bị bắt giữ. Nhà trường và các bậc làm cha mẹ ngay từ bây giờ phải răn dạy để các em hiểu đốt pháo là trò chơi nguy hiểm và vi phạm pháp luật. Khắp nơi trong cả nước đang rộn ràng chuẩn bị Tết, có lẽ chúng ta không thể không lo sân chơi cho trẻ em, với nhiều hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Trong dịp Tết cổ truyền, nên khôi phục và mở rộng các trò chơi dân gian, vừa vui chơi vừa giáo dục văn hóa truyền thống cho các em. Tạo nhiều sân chơi lành mạnh thu hút các em cũng chính là giải pháp tốt nhất để các em tránh xa các trò chơi nguy hiểm.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất