Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 2/12/2008 14:44'(GMT+7)

Điện Biên nỗ lực phòng chống HIV/AIDS

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 6 năm 1998, đến tháng 9 năm 2008, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã phát hiện, quản lý, điều trị 2.756 hồ sơ người có HIV ở 74/106 xã, phường, thị trấn của 9/9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh. Trong đó, số mới nhiễm trong 9 tháng đầu năm 2008 là 684; số chuyển sang giai đoạn AIDS tích lũy là 1.274; số tích lũy tử vong là 833 người. Đưa tỷ lệ người lây nhiễm HIV/ 100 ngàn dân của tỉnh Điện Biên đứng vào hàng thứ 3 toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Sơn La).

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS đã được các ngành, các cấp trong tỉnh quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc theo nội dung Chương trình hành động số 10, ngày 28/6/2006 của Ban Thưởng vụ tỉnh ủy “Thực hiện Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”.

Những hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội tiếp tục được duy trì một cách điều đặn ở các cấp, các ngành, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở từng địa bàn.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của ngành y tế thì trong năm 2008, số người có HIV mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong chưa có dấu hiệu chựng lại, thậm chí còn có dấu hiệu lan truyền ra xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh bình quân cứ một ngày lại phát hiện thêm hơn 02 người nhiễm HIV và 01 người chết do chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Điều đáng lo ngại là, số người phát hiện lây nhiễm HIV ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ người nhiễm HIV ở độ tuổi từ 20-39 chiếm 77,15%; Nam giới chiếm 91%; Người nghiệm tiêm chích ma túy 72,23%; lây theo: đường truyền máu 90,6%, đường tình dục 8,6%, mẹ sang con 0,48%.

 Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS ở các địa bàn cơ sở từng lúc, từng nơi vẫn còn mang tính phong trào, chiến dịch. Sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa mạnh, chưa kiên quyết. Các Ban Chỉ đạo còn khoán trắng cho ngành chức năng, thiếu quan tâm kiểm tra, đôn đốc; sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa được chặt chẽ. Có nơi, tụ điểm ma túy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm bị biến tướng, một số địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Mặt khác, kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy, mại dâm vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác; cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu và yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao…

Để khắc phục hạn chế trên, tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2008”, do Ủy ban phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tỉnh Điện Biên phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên tổ chức ngày 30/11/2008, ông Phạm Xuân Kôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu nêu rõ tinh thần chỉ đạo của tỉnh với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới với các nội dung cụ thể như: Ngoài việc tranh thủ các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai mạnh những hoạt động dự phòng lây, nhiễm HIV, chính quyền các cấp cần thực hiện một cách thiết thực các chương trình, như: Chương trình sử dụng bao cao su trong sinh hoạt tình dục; giáo dục tiêm chích an toàn, dùng riêng bơm kim tiêm, thực hiện trao đổi bơm kim tiêm. Đẩy mạnh phong trào “3 tự” gắnvới việc mở rộng mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng và hệ thống cộng tác viên để kịp thời tư vấn, giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ, hoặc những trường hợp hợp có HIV tự bảo vệ sức khỏe mình. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu và nhận thức đầy đủ về tác hại của đại dịch HIV/AIDS, qua đó nâng cao trách nhiệm phòng ngừa chung; các ngành, các cấp cần phải có giải pháp cụ thể, trực tiếp và thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hơn hết, phải đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương mình. Tại các cơ quan, ban, ngành, xóm bản, tổ tự quản phải dành thời gian cho việc sinh hoạt tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đảm bảo thực hiện tốt công tác giám sát có trọng điểm, giám sát hành vi và xét nghiệm phát hiện bệnh; thực hiện an toàn trong truyền máu và các chế phẩm máu, các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội có liên quan đến máu; điều trị và chăm sóc người có HIV/AIDS...

Những số liệu tổng hợp tình hình và nguyên nhân lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Điện Biên nêu trên cho thấy đại dịch HIV/AIDS đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong thời gian tới với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần vào cuộc với quyết tâm và trách nhiệm cao. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần phải ráo riết, quyết liệt hơn nữa, nhằm nỗ lực thực hiện, đạt kết quả cao nhất trong nhiệm vụ phòng, chống Đại dịch HIV/AIDS. /.

Nguyễn Vân Chương

Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Điện Biên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất