Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 8/12/2008 21:41'(GMT+7)

Chính sách dân tộc đưa ấm no đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Năm 2008, các xã ĐBKK thuộc chương trình 135 của Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng 150 công trình CSHT.

Năm 2008, các xã ĐBKK thuộc chương trình 135 của Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng 150 công trình CSHT.

Năm 2008, tỉnh Hoà Bình tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT), chính sách trợ giá, trợ cước, Chương trình 134, 135… Nhờ đó, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5 – 6%/năm.

Tết Kỷ Sửu này là cái Tết thứ hai gia đình chị Bùi Thị Đượng ở xóm Rú I, xã Xuân Phong, Cao Phong được đón niềm vui trong ngôi nhà mới. Ước mơ về căn nhà sàn mái lợp tấm Prôximăng vững chãi của mẹ con chị Đượng đã thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ của Chương trình 134 và sự giúp đỡ của cộng đồng, làng xóm. Mùa đông rét cắt da, cắt thịt nhớ về căn nhà tranh tre, nứa lá hơn 2 năm về trước, chị cảm nhận được sự ấm áp của nghĩa Đảng, tình dân. Không riêng gì gia đình chị Đượng mà rất nhiều đồng bào dân tộc khác trong tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ này.

Đến nay, Chương trình 134 đã hỗ trợ cho 14.457 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo xây dựng nhà ở, hỗ trợ xây bể, đào giếng, mua "téc" đựng nước sinh hoạt cho 12.020 hộ, xây dựng 103 công trình nước sinh hoạt tập trung, góp phần đưa tỷ lệ số hộ nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 70%.

Các chương trình, dự án hỗ trợ như đầu tư xây dựng CSHT, chính sách trợ giá, trợ cước, Chương trình 135… cũng được triển khai có hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 79 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), ATK và 86 thôn, bản khu vực 2 được hưởng sự hỗ trợ từ Chương trình 135 giai đoạn II. Năm 2008, các xã ĐBKK đã được đầu tư 150 công trình CSHT như đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, lưới điện, trường học, trạm y tế… Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã xây dựng 52 mô hình chuyển giao KHKT; hỗ trợ giống cây, con, vật tư phân bón cho 6.642 hộ nghèo; mở 75 lớp tập huấn khuyến nông-khuyến lâm (KN-KL) và tham quan các mô hình sản xuất giỏi; xây dựng 6 tủ sách khuyến nông-lâm-ngư nghiệp; cấp hỗ trợ 39 máy nông cụ và chăm sóc 25 ha chè Shan tuyết. Đồng bào còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh, cấp sách, báo và trợ giúp pháp lý. Con em dân tộc thiểu số được học nghề thêu, may công nghiệp, gò hàn, móc vòng xuất khẩu, tăm mành, chổi chít. Cán bộ được tập huấn nhóm cộng đồng, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Các công trình CSHT xây dựng trong giai đoạn I được cấp 4.331 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã triển khai thực hiện 18 mô hình KN -KL phù hợp với địa phương như cải tạo đàn bò địa phương, trồng nấm rơm... Chương trình cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn triển khai từ năm 2007 đã giúp cho 485 hộ có vốn phát triển kinh tế gia đình… Ngoài ra, đồng bào còn được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ mua giống lúa, ngô lai; con em hộ nghèo đi học mầm non, tiểu học, THCS, THPT được hỗ trợ kinh phí; học sinh dân tộc nội trú được nâng mức học bổng, người nghèo được cấp thẻ khám-chữa bệnh.

Ông Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hoà Bình cho biết: Việc lồng ghép các chương trình, dự án đã góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng bào được tiếp cận với KHKT tiến tiến, học cách làm ăn, trình độ canh tác, sản xuất nâng lên rõ rệt. Các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng dần thay thế cho tập quán sản xuất lạc hậu. Kết cấu hạ tầng KT-XH được cải thiện đã làm thay đổi diện mạo các xã ĐBKK theo hướng tích cực. 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, có trường tiểu học và THCS; 94% số xã có trạm y tế kiên cố. Khoảng cách giàu nghèo so với các vùng miền thuận lợi được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của các xã ĐBKK giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ giảm nghèo chung của tỉnh với mức giảm 5 – 6%/năm, hiện còn trên 30% (bình quân tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3 – 3,5%/năm). Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã có sự phối kết hợp trong việc triển khai các chương trình, dự án đến với bà con dân tộc. Công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn được quan tâm. Tỉnh cũng đã phân công 50 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 69 xã ĐBKK trong giai đoạn II. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên của các ĐBKK phức tạp, địa hình đồi núi là chủ yếu, dân số ít nhưng phân bố không đều; điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững. Một số dự án triển khai chậm do vướng mắc về đơn giá xây dựng. Năm 2008 là năm cuối thực hiện Chương trình 134, nhưng đối tượng cần được hỗ trợ vẫn còn.

Năm 2009, mục tiêu của các chương trình, dự án tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giảm tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK xuống còn dưới 33%. 100% số xã có trạm y tế kiên cố, 65% số hộ có thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người /năm.

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Đức Chung cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào. Chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng một số vùng chuyên canh cây nông nghiệp có lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản; đào tạo cử tuyển cho học sinh đồng bào dân tộc tạo nguồn cán bộ. Phát triển ngành nghề nông thôn gắn sản xuất nông nghiệp với CN -TTCN.

Những kết quả đạt được và mục tiêu phấn đấu đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính sách dân tộc đã thực sự đưa ấm no đến với đồng bào./.

Cẩm Lệ/Báo Hoà Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất