Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 21/12/2008 21:18'(GMT+7)

Bảo hiểm thất nghiệp: "Bà đỡ" cho người mất việc làm!

Người lao động sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2009

Người lao động sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2009

 P.V: Đối tượng người lao động và cả chủ sử dụng lao động tham gia BHTN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được căn cứ vào đâu thưa ông?

- Không phải doanh nghiệp (DN) có quy mô lao động nào cũng tham gia BHTN. Luật Bảo hiểm xã hội quy định chỉ có các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên mới được đóng BHTN. Và trợ cấp thất nghiệp cũng chỉ dành cho người đã có hợp đồng lao động song bị mất việc làm chứ không dành cho đối tượng như sinh viên ra trường chưa có việc làm. Những quy định này căn cứ vào khả năng quản lý DN, năng lực của DN cũng như tình hình thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 75 nước thực hiện BHTN cho người lao động. Học tập theo kinh nghiệm của các nước đi trước, lộ trình thực hiện ở nước ta sẽ đi từ quy mô lớn xuống quy mô nhỏ. Tức trong quá trình thực hiện sẽ mở dần đối tượng tham gia, sẽ hạ quy mô sử dụng lao động của DN từ 10 xuống còn 5, thậm chí là 1 lao động cũng sẽ phải đóng BHTN cho người lao động

P.V: Quỹ BHTN sẽ được hình thành như thế nào và tính ổn định, bền vững của nó ra sao?

- Mỗi nước có một cách đóng khác nhau để hình thành nên Quỹ BHTN. Ở nước ta quỹ này hình thành trên cơ sở sự chia sẻ: tức: người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công; chủ sử dụng đóng 1% tổng quỹ tiền lương, tiền công và hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ Ngân sách 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này. Ngoài ra, còn có tiền sinh lời của hoạt động quỹ đầu tư và các nguồn thu hợp pháp khác. Điều quan trọng, có sự hỗ trợ 1% của Nhà nước cho Quỹ BHTN chính là nét ưu việt so với nhiều nước trên thế giới bởi khi có sự bảo hộ của Nhà nước, Quỹ sẽ ổn định, không thể vỡ được, đảm bảo an sinh cho người lao động

P.V: Thực tế nhiều DN, nhất là tại TP.HCM còn nợ BHXH của người lao động với số nợ lớn. Nhiều DN đã cố tình trốn, thoái thác trách nhiệm này. Vậy với BHTN, Bộ đã tính đến chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng trên?

Trên thực tế đúng là có thực trạng trên, nhưng chính TP.HCM trong vòng 2 năm trở lại đây đã dẫn đầu trong việc tìm ra biện pháp bắt buộc chủ DN phải tuân thủ việc đóng BHXH, thông qua hình thức khởi kiện các DN trốn đóng, chậm đóng. Hình thức này đã đảm bảo tính pháp luật và nghiêm minh trong quá trình thực hiện, đạt hiệu quả cao. Nhiều DN trước khi bị khởi kiện đã nộp đầy đủ BHXH.

Với BHTN cũng nên là như vậy, nếu DN trốn đóng, chậm đóng, thì cũng căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật để khởi kiện ra tòa, buộc chủ sử dụng tuân thủ đúng. Kinh nghiệm của TP.HCM trong quá trình khởi kiện sẽ phải được nhân ra cho tất cả các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, thêm một yếu tố để thực hiện thành công việc đóng BHXH là phát huy được sự sự hợp tác chặt chẽ giữa "tam giác" Liên đoàn LĐ, Sở LĐTBXH và Bảo hiểm XH dưới sự đồng thuận của UBND TP

P.V: Vì sao thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động theo quy định tại NĐ số 127 vừa ban hành của CP chỉ dao động từ 3 tới 12 tháng và có rất nhiều quy định khá "cứng" để cắt trợ cấp này nếu người thất nghiệp vi phạm?

Nguyên tắc của Quỹ trợ cấp thất nghiệp là không kéo dài thời gian trợ cấp để người lao động nhanh chóng trở lại với việc làm, một phần nhằm cân đối quỹ, tăng tính chủ động của người lao động, các cơ quan tạo việc làm và hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ có thể xảy ra. Do đó, theo quy định, nếu người lao động không thông báo hằng tháng với cơ quan lao động về tìm kiếm việc làm hoặc sau 2 tháng người lao động từ chối việc làm do tổ chức BHXH giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị cắt trợ cấp…

Quan trọng nhất là phải xây dựng được một cơ chế quản lý, giám sát BHTN chặt chẽ, có hiệu quả để có thể chủ động khắc phục cao nhất tình trạng lạm dụng hưởng trợ cấp thất nghiệp.


P.V: BHTN sẽ thực thi bắt đầu từ ngày 1-1-2009 tới, đúng vào thời kỳ nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng do tác động từ nền kinh tế thế giới. Ông đánh giá thế nào về thái độ tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động cũng như tính khả thi của nó?

Rõ ràng trong thời kỳ kinh tế khó khăn sẽ gây cản trở phần nào khả năng đóng góp vào Quỹ BHTN của cả người lao động và chủ sử dụng lao động, song vấn đề quan trọng ở đây chính là việc nhận thức. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức một chiến dịch tuyên truyền tổng thể với các đối tượng này để người lao động hiểu việc đóng loại hình bảo hiểm bắt buộc này vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi.

Tôi tin rằng nếu thấy khó mà không thực hiện BHTN thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được. Hơn nữa, trong thời gian khó khăn này lại chính là thời điểm cần thiết để thực thi BHTN khi tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới có khả năng gia tăng. Cần phải có một "bà đỡ" cho người thất nghiệp. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục đề cập đến việc phải có các chính sách cho các đối tượng này.

 (Theo Hà Nội Mới điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất