Công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, thể hiện quyết tâm, khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác này.
Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã khẳng định như vậy trong lời khai mạc Cuộc đối thoại chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống tham nhũng, các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao hiệu quả phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Thông báo của Thanh tra Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm 2008 triển khai 18 đoàn thanh tra, đã kết luận và báo cáo Thủ tướng 10 cuộc, phát hiện sai phạm trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, 45.647 USD, hơn 8.000 ha đất; qua giải quyết 41.270 vụ việc khiếu nại tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại công dân gần 50 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 421 người, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc. Theo báo cáo của Bộ Công an, cũng 9 tháng qua, đã khởi tố điều tra 220 vụ, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 249 bị can về các tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ để trục lợi… Một số vụ tham nhũng điển hình được xã hội quan tâm như vụ Đề án 112, Tổng Công ty Vật tự nông nghiệp, Tổng Công ty Mía đường 2, Tổng Công ty Xây dựng miền Trung, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Nông trường Sông Hậu.
Thanh tra Chính phủ cho biết, điểm đáng mừng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là người dân đã tham gia nhiều hơn vào việc tố giác những hành vi tham nhũng vào cuộc. Năm ngoái có 6.700 đơn thư tố cáo thì năm nay có hơn 8.000 đơn. |
Trong cuộc đối thoại chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và Chính phủ vừa qua, trước lo ngại của đại diện một số tổ chức Quốc tế về việc các ban chỉ đạo địa phương được thành lập hơn một năm qua hoạt động không được hiệu quả khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh là trưởng ban, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết, chức năng nhiệm vụ chủ yếu của ban này ở địa phương là chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn chứ không làm thay chuyên môn của các đơn vị chức năng. Nếu các vụ việc tham nhũng liên quan đến cấp Chủ tịch tỉnh thì đã có các cơ quan Trung ương về phòng, chống tham nhũng giám sát nên không đáng lo ngại về vấn đề này. Một số ý kiến khác lại tỏ ý băn khoăn rằng công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam đang chùng xuống do thấy số vụ tham nhũng bị phát hiện giảm. Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, xem xét công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam phải xét ở tổng thể hệ thống đang hoạt động như thế nào chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá một số hiện tượng, một số dư luận. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, rất quyết tâm chống tham nhũng và không có vùng cấm đối với công tác này. Thể hiện quyết tâm đó, Chính phủ vừa hoàn tất dự thảo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Quốc hội Việt Nam đang kiến nghị xây dựng luật cụ thể hóa quy định của Liên Hợp Quốc có liên quan đến kiểm soát tài sản của công chức, theo đó, nếu tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải thích được sẽ bị quy là phạm tội.
Ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: Tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam
Tôi đánh giá cao những nỗ lực ban đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một khu vực công không có, hoặc rất ít tham nhũng. Thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng lớn hơn so với nhiều cuộc chiến khác, bởi đối tượng là những người có vị trí rất chắc chắn và sẽ có một số người không muốn chống tham nhũng, thậm chí cản trở những nỗ lực này nhằm bảo vệ những lợi ích mà họ mong có được. Điều này lý giải tại sao các chính phủ và các nhà nước không thể làm giảm được tham nhũng nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều thành phần xã hội, trong đó có báo chí.
Bà Molly, Tham tán Đại sứ quán Thụy Điển: Cần đảm bảo cho mọi người có thể công bố rộng rãi thông tin liên quan đến tham nhũng
Theo tôi, để phát hiện ra các vụ tham nhũng nhiều hơn, cần đảm bảo cho mọi người làm việc, ở cả khu vực công, tư, báo chí, các cá nhân, có thể công bố rộng rãi những thông tin liên quan đến các trường hợp tham nhũng mà họ biết. Họ phải được đảm bảo niềm tin rằng các cơ quan mà họ cung cấp thông tin về tham nhũng có quyền năng hành động, sẵn sàng xử lý các thông tin đó.
Chính phủ vừa hoàn tất Dự thảo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Tôi hy vọng được thông qua, Chiến lược này sẽ chuyển tải thông điệp mạnh mẽ việc Việt Nam sẽ không chấp nhận để cho tình trạng tham nhũng xảy ra nữa, kể cả những vụ tham nhũng nhỏ lẻ.
Ông Martin Rama, Quyền Trưởng đại diện ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam: Mua sắm công ở Việt Nam còn có vấn đề
Mua sắm công ở Việt Nam mặc dù đã có cải cách về tài chính và có Luật Ngân sách để điều chỉnh, nhưng vẫn còn có vấn đề khi triển khai ở cấp tỉnh, cấp cơ sở. Chúng tôi nhìn nhận hệ thống mua sắm công hiện nay chưa đủ mạnh, nên các dự án mua sắm công của WB áp dụng quy định riêng về mua sắm công.
Ông Michael Michalak, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội: Càng minh bạch, cơ hội cho tham nhũng càng giảm
Càng minh bạch, cơ hội cho tham nhũng càng giảm. Minh bạch thông tin là một trong những chìa khóa thực chất để chống tham nhũng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo vệ người tiết lộ thông tin cũng là một cách để chính phủ tăng cường sự minh bạch thông tin; cho phép mọi người có thể sẵn sàng tiết lộ thông tin cũng là một cách chống tham nhũng hiệu quả. Hoa Kỳ sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam về những chuẩn mực quốc tế trong việc soạn thảo luật bảo vệ người tiết lộ thông tin về tham nhũng.
Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ: 3 yếu tố đảm bảo cho Việt Nam phòng chống tham nhũng có hiệu quả
Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống thể chế đầy đủ để thực hiện công việc phòng chống tham nhũng một cách công khai, minh bạch. Thứ hai, Việt Nam đã triển khai được công tác tuyên truyền phát động toàn xã hội, nhất là trong hệ thống chính trị một cách có chiều sâu làm chuyển biến nhận thức của mọi ngành, mọi người. Thứ ba, triển khai hệ thống các giải pháp phòng ngừa, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, kể cả việc kiểm soát hoạt động của cán bộ công chức, quản lý, tài sản, kê khai tài sản của cán bộ công chức.
- Ngày 23/9/2008, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố bảng xếp hạng năm 2008 về “cảm nhận tham nhũng”. Trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 121, cải thiện được hai bậc so với năm 2007.
- Trong Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 có đề ra 5 nhóm giải pháp: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch dịnh chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng. |
Theo Tiếng nói Việt Nam