Những thành tựu của công cuộc đổi mới, sự tăng trưởng kinh tế đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, cộng đồng và trẻ em. Trẻ em được hưởng lợi từ kết quả giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hoá, đặc biệt là các nguồn đầu tư trực tiếp cho hoạt động bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng tăng cao.
Bên cạnh mặt tích cực thì việc nước ta tham gia sâu rộng vào quá trình toàn cầu hoá cũng đặt ra những khó khăn thách thức đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó có một vấn đề đang nổi lên là việc đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em.
Sự chênh lệch và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ, sự biến đổi các giá trị đạo đức lối sống, năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em còn hạn chế đã khiến cho tình trạng xâm hại trẻ em ở nước ta ngày càng gia tăng với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Theo nguồn của Tổng Cục cảnh sát, số trẻ em gái bị xâm hại luôn nhiều hơn số trẻ em trai. Lực lượng công an đã bắt giữ và xử lý hơn 6.200 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.
Trẻ em là tương lai đất nước. Bởi vậy việc chăm lo để thế hệ trương lai được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tuy nhiên để tìm ra một giải pháp phòng ngừa chống xâm hại trẻ em có hiệu quả không phải là việc đơn giản.
Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, theo ông Jseper Morch, Giám đốc Tổ chức UNICEF tại Việt Nam: “Nếu chỉ chú trọng đối phó với thủ phạm xâm hại trẻ em thôi sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta đã tạo cơ hội để nạn xâm hại trẻ em được tiếp diễn. Bởi không ai khác, chính trẻ em là người phát hiện ra thủ phạm đầu tiên, nếu trẻ được chia sẻ kịp thời sẽ tránh được hậu quả đáng tiếc sau đó. Phòng chống xâm hại trẻ em không chỉ là tìm các giải pháp vĩ mô đối với cộng đồng và các cơ quan chức năng mà điều quan trọng là lắng nghe ý kiến của trẻ”.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc phòng chống xâm hại trẻ em có hiệu quả là luôn lắng nghe ý kiến của trẻ để biết trẻ đang đối mặt với những hiểm hoạ gì.
Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng do nhận thức của người dân còn hạn chế, các bậc cha mẹ chưa hiểu biết nhiều về tâm lý trẻ em, chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc xâm hại trẻ em. Điều đáng buồn là hiện vẫn tồn tại tâm lý, khi chứng kiến trẻ bị xâm hại, nhiều người vẫn đứng ngoài cuộc, cho đó không phải là chuyện nhà mình, họ không nhận thức được rằng, điều này là mối đe dọa tiềm ẩn với con em mình.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chưa sâu rộng để người dân có ý thức phát hiện, tố giác những hành vi xâm hại trẻ em. Cấp quản lý ở cơ sở còn yếu, chưa phát huy sức mạnh của tổ chức cán bộ xã, phường, các hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh cùng phối hợp ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Khung pháp luật xử lý các hành vi xâm hại trẻ em cũng chưa đầy đủ, chỉ tập trung xử lý ở những vụ việc nghiêm trọng./.
Xâm hại trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng
Các hình thức xâm hại trẻ em bao gồm: xâm hại thân thể, xâm hại tình dục, sao nhãng, lạm dụng tình cảm - tâm lý, trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình, bóc lột vì mục đích thương mại, buôn bán trẻ em.
Các vụ xâm hại trẻ em vẫn gia tăng vì:
Thứ nhất, ngày nay, bố mẹ có ít thời gian dành cho gia đình, con cái, trong khi các dịch vụ xã hội như nhà trẻ kém phát triển; trẻ em thiếu sự chăm sóc.
Thứ hai, tình trạng bạo lực gia đình khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam.
Thứ ba, các gia đình ly hôn có xu hướng gia tăng.
Thứ tư, hình thức xử phạt tội xâm hại trẻ em chưa nghiêm, ít có tác dụng răn đe.
Việc xâm hại trẻ em thường để lại những hậu quả nghiêm trọng. Những hậu quả có thể nhìn thấy trước mắt như trẻ bị thương tích trên cơ thể. Nhưng có những hậu quả kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời. Những em bị xâm hại trở nên rụt rè, tự ti, ảnh hưởng đến học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Một số em trở nên hung dữ, tìm cách chống đối xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những em bị xâm hại hồi nhỏ khi trưởng thành dễ có hành vi xâm hại con em mình cao hơn những trẻ bình thường khác. |