Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 1/12/2008 22:18'(GMT+7)

OHK: Thành tựu phát triển phải đến với người nghèo

Tổng Giám đốc Oxfam Hongkong, ông John Sayer.

Tổng Giám đốc Oxfam Hongkong, ông John Sayer.

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Oxfam Hongkong, ông John Sayer, đã chia sẻ những nhận định liên quan đến vấn đề này và khuyến nghị về những thay đổi chính sách liên quan đến người nghèo đối với Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà tài trợ quốc tế.
 
Xin ông cho biết về hoạt động của Oxfam Hong Kong (OHK) tại Việt Nam trong 20 năm qua?
 
Năm 1988, Việt Nam bắt đầu cho phép chúng tôi thực hiện một số dự án, tập trung vào việc phát triển kinh tế cho các cộng đồng người Việt Nam. Một trong những chương trình đầu tiên của chúng tôi là trợ giúp các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế nông nghiệp. Không chỉ trợ giúp trực tiếp cho cộng đồng, mà chúng tôi còn làm việc với các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy các chính sách tốt hơn cho người nghèo, kể cả ở phạm vi quốc tế.
 
Chúng tôi cũng đã làm việc với chính phủ Việt Nam để xem xét những tác động của việc trở thành thành viên WTO đối với người nghèo. Ngoài ra, chúng tới cũng dành trợ giúp cho các cộng đồng ở các khu vực thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai.
 
Ông đánh giá thế nào về công cuộc chống đói nghèo của Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn và thách thức trong giai đoạn hiện nay?
 
Rõ ràng rằng trong 20-25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc xóa đói giảm nghèo. Hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống và được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục.
 
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, một số người bị bỏ lại sau, và trong một số trường hợp, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Do đó, tôi cho rằng thách thức đối với Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ như OHK là phải làm thế nào để có nhiều người hơn nữa được hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thậm chí những người nghèo nhất cũng có thể được hưởng lợi từ sự phát triển chung này. Bởi vậy, thời gian tới, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới những cộng đồng ở vùng sâu, vùng núi, vùng xa, các cộng đồng thiểu số.
 
Đề nghị ông cho biết nhận xét về sự phối hợp của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các dự án của OHK, cũng như khả năng tiếp nhận và tiến hành các dự án của các cấp địa phương Việt Nam.
 
Quả thật trong những năm đầu tiên, không phải đối tác nào cũng có thể hiểu được cách làm việc của chúng tôi cũng như có thể phối hợp tốt để thực hiện các dự án. Do vậy, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Khi đó, thông thường các đối tác địa phương chỉ quan tâm đến khía cạnh tài chính mà không chú ý nhiều tới việc chuyển giao tri thức và công nghệ.
 
Bên cạnh đó, một số cơ quan của chính phủ rất nhanh nhạy, họ nhận thấy bản chất của sự hợp tác đó không chỉ là về nguồn lực tài chính mà còn là về ý tưởng, trí thức và công nghệ. Họ hiểu chúng tôi muốn làm gì.
 
Và bây giờ sau hai mươi năm, tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ (NGO). Họ nhận thấy những mặt tích cực cũng như những nhược điểm của các tổ chức này. Nói một cách tổng quan, 20 năm qua là một quan hệ đối tác tốt và là một quá trình tốt để học hỏi cho cả hai bên.
 
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vậy Việt Nam nên làm gì để có thể vừa tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới lại vừa có thể giảm thiểu được những tác động này?
 
Đây là một câu hỏi khó!  Thách thức rất lớn này nhiều nước đang phải đối mặt chứ không riêng gì Việt Nam. Trong quan hệ về kinh tế, thương mại giữa các nước, tôi cho rằng các nước đang phát triển có quyền bảo vệ mình, người dân của mình. Những quy tắc của và việc liên tục thương lượng trong WTO cho phép các nước đang phát triển có được khả năng đó. Và trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước phát triển và giàu hơn cần mở rộng thị trường của mình cho các nước đang phát triển. Chúng tôi luôn ủng hộ việc này và ủng hộ việc bảo vệ cho những người nghèo nhất trong xã hội trong quá trình kinh tế bị suy thoái.
 
Một vấn đề khác là chúng tôi đấu tranh để các nước giàu vẫn duy trì mức viện trợ cho các nước nghèo.
 
Sự suy thoái kinh tế và sụp đổ của hệ thống tài chính quốc tế là một thách thức song cũng là một cơ hội để thiết kế lại hệ thống tài chính toàn cầu một cách đỡ manh mún, đỡ mong manh. Chúng tôi cũng kêu gọi LHQ và các tổ chức tài chính thế giới như WB, IMF, cần chú ý đến các vấn đề cam go đang xảy ra như vấn đề biến đổi khí hậu, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nước… khi thiết kế lại hệ thống tài chính thế giới.
 
Cam kết hỗ trợ của OHK cho Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
 
Tôi có thể nói chắc chắn rằng trong thời gian tới hoạt động của chúng tôi sẽ tập trung vào các khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, những nơi được cho là nghèo nhất tại Việt Nam. Ngoài việc duy trì quan hệ hiện có với các đối tác, chúng tôi sẽ phát triển những kênh làm việc khác như các tổ chức cộng đồng, các tổ chức NGO của Việt Nam.
 
Bên cạnh những hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương, chúng tôi sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của người dân để họ có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Việc này được thực hiện thông qua các chương trình đào tạo, các chương trình giáo dục song ngữ (dạy thử nghiệm cả tiếng Việt và tiếng dân tộc) tại một số địa phương. Chúng tôi sẽ chú ý đến đối tượng phụ nữ, chìa khóa cho việc xóa đói giảm nghèo, đến nguyện vọng và điều kiện sống của họ trong các chương trình mà chúng tôi có thể làm.
 
Trong hoạt động của mình, tất nhiên Trung Quốc Đại lục và Hongkong là trọng tâm, song Việt Nam cũng sẽ là ưu tiên của chúng tôi với các chương trình hỗ trợ quan trọng. Trong 20 năm qua, chúng tôi có quan hệ tốt với Chính phủ Việt Nam, và tôi tin rằng mình đã có đóng góp nhất định cho Việt Nam và điều đó sẽ sẽ được tiếp tục.
 
Ông có thông điệp gì trước Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ diễn ra vài ngày tới?
 
Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là một số lượng lớn người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, một số lượng khác vẫn ở trong tình trạng này. Điều đó đòi hỏi phải có sự sửa đổi về chính sách đối với việc xóa đói giảm nghèo. Nhiều người ở các vùng nông thôn sử dụng các nguồn lực phát triển tự nhiên của mình như trang trại và có sự tiếp cận với thị trường. Trong khi đó, những người sống ở các vùng sâu xa, các dân tộc thiểu số bị nằm ngoài sự phát triển chung của đất nước. Cần có những chính sách và chiến lược phù hợp hơn đối với nhóm này để giúp họ thoát nghèo.
 
Điều thứ hai là cần phải chú ý đến môi trường trong quá trình phát triển cũng như thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo. Chúng ta cũng cần phải lưu ý đến việc sử dụng giống cây công nghiệp, sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu…có thể dẫn đến sự xói mòn đất hay ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo được sự phát triển bền vững hay giảm nghèo bền vững, lâu dài.
 
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và kể cả xóa đói giảm nghèo. Sự dâng cao của nước biển có thể biến hàng triệu người Việt Nam ở khu vực ven biển, trũng, mất nơi ở và đất đai canh tác. Các cộng đồng ở miên núi thì phải đối mặt với nguy cơ lũ, hạn hán, sụt lở đất. Vì vậy, theo tôi, việc đối phó với biến đổi khí hậu cũng là điều quan trọng đối với xóa đói giảm nghèo.
 
Một trong những giải pháp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi, theo tôi là cần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các khu vực sâu xa, miền núi, giúp họ kỹ năng cần thiết để làm việc, kiếm sống, và nâng cao thu nhập.
 
Tôi cho rằng công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam không chỉ là việc của Chính phủ, của các nhà tài trợ mà còn là của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và của Việt Nam và của chính các cộng đồng dân cư. Chúng ta phải làm sao để huy động sự tham dự tối đa của tất cả các bên./.
 
Theo Hà Linh – Hoàng Nhương (Vietnam+)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất