Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 12/2/2009 19:59'(GMT+7)

Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Minh: Hành lang pháp lý phải hoàn thiện hơn

Cục trưởng Cục PC tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Minh

Cục trưởng Cục PC tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Minh

- Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay công tác phòng chống mại dâm của lực lượng chức năng đang có biểu hiện chùng xuống?

- Ông NGUYỄN VĂN MINH: Nói thế là không chính xác. Thực tế, lực lượng công an và các ngành liên quan ở nhiều địa phương đã thường xuyên chủ động phối hợp tổ chức các cuộc khảo sát, điều tra người mại dâm, lập danh sách quản lý từng tụ điểm công cộng, nhà hàng nghi hoạt động mại dâm. Cũng đã có rất nhiều sáng kiến như cấp thẻ tiếp viên ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ; cơ sở vi phạm 2 lần/năm bị thu hồi giấy phép kinh doanh; các cơ sở đến hạn đổi giấy phép phải rà soát lại các điều kiện hoạt động và nhân thân của người xin đăng ký.

- Thực tế hiệu quả thì sao, thưa ông?

- 5 năm qua, công tác truy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường… đã được tăng cường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... Như chúng ta đã thấy, hầu hết các tụ điểm mại dâm công cộng mà trước đây báo chí phản ánh đầy nhức nhối đã cơ bản được giải quyết. Việc đấu tranh và xử lý các tụ điểm mại dâm công cộng và khu vực biên giới, cửa khẩu cũng quyết liệt hơn.

Tôi có thể đưa ra con số chứng minh thế này. Từ tháng 1-2004 đến tháng 9-2008, lực lượng công an các cấp đã truy quét, triệt phá 6.109 vụ mại dâm (giảm 13,9% so với giai đoạn 1999 - 2003), với 19.443 đối tượng. Các địa phương đã triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm mại dâm với quy mô lớn, tính chất hoạt động phức tạp là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai... Số vụ án về mại dâm giảm 33% so với giai đoạn 1999 - 2003.

- Điều đó có nghĩa là tệ nạn mại dâm đã được đẩy lùi?

- Chưa thể nói là đã được đẩy lùi. Nhưng phải thừa nhận là Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đã có tác dụng kìm hãm tốc độ gia tăng của tệ nạn mại dâm, giảm rõ rệt về phạm vi, quy mô của hoạt động mại dâm nơi công cộng, hạn chế được hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Tất nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận tệ nạn mại dâm mới chỉ giảm ở bề nổi. Tệ nạn mại dâm nơi công cộng vẫn tiếp tục quanh quẩn ở bài toán “đẩy đuổi”, đối tượng di dời từ địa bàn này sang địa bàn khác hoạt động. Chúng ta cũng chưa giải quyết dứt điểm được đường dây hoạt động mại dâm liên tỉnh, đưa ra nước ngoài hoạt động mại dâm. Số người bán dâm chưa giảm, mại dâm có yếu tố nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng.

- Phải chăng xử lý trong phòng chống mại dâm vẫn thiếu kiên quyết như dư luận từng đề cập?

- Bức xúc của dư luận là có cơ sở. Vì thực tế, tại nhiều địa phương, công tác đấu tranh với tệ nạn mại dâm chủ yếu tiến hành theo các đợt cao điểm, hoặc chỉ chú ý các vụ việc lớn xảy ra ở các khu vực trung tâm, mà xem nhẹ quản lý địa bàn ở nông thôn, dẫn đến một số tụ điểm phức tạp để tồn tại lâu ngày. Rõ nhất là việc còn biểu hiện thiếu kiên quyết, phạt rồi lại để cho tồn tại.

Việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng quản lý ở khu vực biên giới cũng chưa cao, khi phía Việt Nam truy quét mạnh thì đối tượng mại dâm chạy ra nước ngoài và ngược lại. Hàng loạt các lý do đó khiến công tác phòng chống mại dâm chưa được như chúng ta mong muốn. Đau đầu nhất là việc chưa có nhiều biện pháp làm giảm sự kỳ thị của xã hội và mặc cảm của đối tượng trong tái hòa nhập cộng đồng, vì vậy tỷ lệ tái phạm của đối tượng bán dâm rất cao, 60% - 70%.

- Dự báo về tình hình mại dâm trong thời gian tới?

- Thực ra, để nói chính xác là rất khó. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, yếu tố thỏa mãn nhu cầu tình dục, khoảng cách phân hóa giàu nghèo, quá trình đô thị hóa nông thôn, di cư lao động… đang có xu hướng rõ rệt hơn như hiện nay, thì mại dâm cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn.

Hiện nay, số đối tượng bán dâm ước tính trên địa bàn cả nước là 30.904 (tăng 0,9% so với năm 2003). Gần 64.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tăng tới 17,1% so với năm 2003. Trên các tuyến biên giới Việt - Trung và Việt Nam - Campuchia, lực lượng biên phòng đã đưa vào “sổ đen” trên 200 nhà hàng có biểu hiện hoạt động mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Khoảng 20% phụ nữ bán dâm hoạt động có đường dây tổ chức. Khách nước ngoài đến Việt Nam mua dâm có chiều hướng gia tăng (chiếm 10,1%), nhất là trong các khách sạn lớn ở các thành phố và các khu du lịch… Đó là các yếu tố cho thấy, mại dâm sẽ tiếp tục phức tạp.

- Cách nào để ứng phó, thưa ông?

- Sẽ phải triển khai cả hệ thống phòng chống đồng bộ. Hành lang pháp lý cũng phải hoàn thiện hơn. Chúng tôi sẽ đề xuất hình thức xử phạt nặng hơn đối với người mua dâm (tăng mức xử phạt bằng tiền và bổ sung biện pháp giáo dục đối với công chức Nhà nước, người trong lực lượng vũ trang). Sẽ bổ sung chế tài xử lý các hành vi bị nghiêm cấm như bảo kê và môi giới mại dâm, các hành vi tình dục khác, phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung, hình thức khiêu dâm.

Theo SGGP.Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất