Theo ý kiến của đa số đại biểu, kỳ thi quốc gia duy nhất ở cuối bậc phổ thông là chủ trương đúng.
Ngày 23/8, tại Hà Nội, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và trường Đại học Hòa Bình đã tổ chức hội thảo bàn về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo ý kiến của đa số đại biểu, kỳ thi quốc gia duy nhất ở cuối bậc phổ thông là chủ trương đúng. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học cho rằng: Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất không phải là ý tưởng mới xuất hiện, nó đã được đề xuất ở Đề án Giáo dục Việt Nam từ thập niên 1990 và cũng nằm trong lộ trình phát triển kỳ thi đại học/cao đẳng “3 chung” từ năm 2002 nhưng bị trì hoãn mãi cho đến nay. Do vậy, không nên chần chừ nữa mà nên thực hiện ngay. Theo Giáo sư Thiệp, thực ra 2 kỳ thi có cùng bản chất: đó là các đánh giá theo thành quả học tập nên có thể hợp nhất. Quan trọng là thiết kế kỳ thi sao cho có phổ điểm trải rộng để có thể chọn mức điểm theo từng mục tiêu.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Huy Vinh nêu ra nhiều điểm tích cực khi tiến hành 1 kỳ thi chung quốc gia. Đó là: gộp hai kỳ thi vào một kỳ thi chung sẽ giảm tốn kém ngân sách; đỡ khổ cho học sinh, phụ huynh; giảm tải công việc và giúp các trường tuyển sinh linh hoạt hơn; các trường đánh giá được chất lượng dạy học thực sự. Tuy nhiên, trước mắt vẫn có thể sử dụng phương án 1: thi 4 môn với 2 môn tự chọn để học sinh có thời gian chuẩn bị.
Nhiều đại biểu tại hội nghị băn khoăn trước việc thiết kế kỳ thi thế nào phù hợp. Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bàn đến môn thi và cho rằng, không nên tham thi nhiều môn, để đánh giá năng lực học sinh chỉ cần tập trung thi 2 môn cơ bản là Văn, Toán và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập của học sinh là đủ. Với môn ngoại ngữ, hiện nay có một số địa phương chưa có điều kiện, Bộ cần có phương án thay thế, không nên bỏ môn ngoại ngữ. Theo cách tổ chức này, sẽ thi ít môn nên giáo viên và học sinh có thời gian tập trung ôn tập, có đủ năng lực, tự tin và giảm được tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, để tránh trường hợp thi ít môn, học sinh học lệch, có thể lấy điểm tổng kết cuối năm đạt mới được thi quốc gia, để học sinh học đều tất cả các môn.
Về công tác coi thi và chấm thi, các đại biểu nêu ý kiến nên có lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường đại học, cao đẳng tham gia các hội đồng coi, chấm thi, không khoán trắng cho địa phương. Để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, có thể lắp camera cho các phòng thi, giám sát 100% thời gian thi.
Đề thi cũng là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo tỷ lệ học sinh đạt trung bình và tỷ lệ phân hóa chọn được học sinh khá, giỏi cho các trường đại học, cao đẳng./.
Theo TTXVN