Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 7/10/2016 10:11'(GMT+7)

Cách tân và sự ứng xử với truyền thống

Người ta thích nói về sự cách tân (làm mới) như là một nỗ lực, một hành động vượt qua giới hạn (với ngầm ý là truyền thống, cái cũ), đáng nói hơn, dường như người ta đã đánh đồng sự cách tân với giá trị nghệ thuật (dễ hiểu hơn là: Hay). Như thế, vô hình trung, phương pháp, con đường đã bị đồng nhất vào mục đích, vào điểm đến.

Sẽ thật bối rối khi phải định danh, định vị một giai đoạn, một bộ phận nào đó của thơ trữ tình Việt Nam là truyền thống. Bởi lẽ, ngay cả những tác phẩm xưa cũ, vẫn hàm chứa trong đó những sắc thái cho đến hôm nay còn mới nguyên. Nam Quốc Sơn Hà, Hịch tướng sĩ, Tụng Giá hoàn Kinh sư, Cảm hoài, Bình Ngô đại cáo,… trong bối cảnh hiện nay hẳn là còn mang tính thời sự. Truyện Kiều của Nguyễn Du, có phải là truyền thống không? Dù sáng tác theo thể lục bát, xuất hiện thời trung đại, người ta vẫn thấy ở đó câu chuyện của muôn đời. Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương có phải truyền thống không? Những “hoài niệm phồn thực” trong thơ Hồ Xuân Hương sao gần gũi với thơ ca của nhiều tác giả đương đại? Ngày kia, Thơ mới ra đời đưa tất cả những tác phẩm với hệ mỹ học trung đại vào hậu trường, trở thành phong trào thơ ca tiền phong, tiêu biểu tạo nên “một thời đại trong thơ ca” (Hoài Thanh). Nhưng rồi, chẳng lâu sau đó, người ta lại nói đến nhiều hơn những thất bại của Thơ mới, hay nói đến truyền thống Thơ mới như một giá trị cần phải vượt qua, cần phải “chôn vùi”. Thơ ca cách mạng giai đoạn 1945-1975 có phải là một giá trị đã trở thành truyền thống? Hệ mỹ học thời chiến với hạt nhân là tinh thần lãng mạn cách mạng, gắn với ý thức công dân, ý thức đoàn thể, “có chung khuôn mặt, có chung tâm hồn”, sự thật, cho đến hôm nay vẫn đang hiện diện trong đời sống văn học của chúng ta. Vậy, truyền thống không phải là cái cũ, càng không phải là cái đã hết giá trị. Truyền thống là một hoài niệm trong cái nhìn ngoảnh lại của hôm nay. Truyền thống không nên đặt trong sự đối lập với cách tân. Bởi lẽ, một khi đặt bên cạnh cách tân, truyền thống dễ bị xem là cái cũ, cái không còn hợp lý, cái cần phải vượt qua. Tâm thế này dẫn đến việc sáng tạo đôi khi bị câu thúc bởi việc phải phủ định truyền thống. Nếu hiểu truyền thống là những giá trị được một cộng đồng gìn giữ, trao truyền qua thời gian, đồng thời là cái chưa hoàn kết, luôn luôn được bồi đắp, khi đó chúng ta sẽ có cách ứng xử thoả đáng với truyền thống.

Mọi cách tân có giá trị đều trở thành truyền thống. Chính vì thế, những thực hành cách tân, những sáng tạo của hôm nay chính là hành trình đi đến truyền thống. Truyền thống là cái còn lại trong ký ức con người, trong di sản của nhân loại khi thời gian đi qua. Vì vậy, đừng cho rằng truyền thống là cái đã không còn giá trị, cái nên “chôn vùi” hay vứt bỏ. Ở đây, vượt qua truyền thống là cách diễn đạt có phần khoa trương về nhiệm vụ, sứ mệnh của kẻ mở đường sáng tạo. Tuy nhiên, truyền thống mãi còn mà những cách tân vô giá trị sẽ chìm trong quên lãng. Thơ Việt Nam đương đại đang xuất hiện nhiều cách tân, cho thấy thái độ, nỗ lực của các nhà thơ muốn đem đến những giá trị mới. Tuy nhiên, phải chân thành để nói rằng, các thể nghiệm Tân hình thức, Thơ tịnh tiến, Thơ ngoài lời, Thơ phụ âm, Thơ chữ,… chưa đem đến những niềm tin cho giá trị thơ trữ tình Việt Nam. Người đọc đã quen với những giá trị được gọi là truyền thống, đôi khi thấy nhàm chán. Thế nhưng, những giá trị mới cũng chưa thuyết phục được người đọc. Đó là câu chuyện còn tiếp tục được nhắc đến trong sự vận động của thơ Việt đương đại. Tuy nhiên, ở đây cũng cần có thái độ phù hợp trước những cách tân. Bởi lẽ, trước khi nó có thể đạt đến một giá trị nào đó, cách tân là một thái độ, một hành vi cho thấy nhu cầu cần phải sống khác, viết khác với những gì đã có. Sự sống sinh động và phong phú. Bởi vậy, mỗi cá nhân là một bản thể không lặp lại. Sáng tạo nghệ thuật cũng không phải là những bản sao. Sáng tạo luôn mang dự phóng về phía cái mới, cái khác. Và như thế, khi cách tân tỏ ý chê bai truyền thống thì truyền thống cũng không ngừng đả kích vẻ lai căng, xa lạ của cách tân. Sau tất cả, đó lại chính là trung tâm của câu chuyện đời sống văn chương, nghệ thuật. Sự thể sẽ ra sao, nếu ngày mai chúng ta không nói về truyền thống hay cách tân? Nhiều người phủ định cặp phạm trù có tính nhị nguyên này để nói đến một phạm trù khác có tính nhất nguyên-cái hay. Đúng là truyền thống hay cách tân không quan trọng mà cái hay, cái đẹp mới là cái đích của nghệ thuật. Nhưng, sẽ chẳng có cái hay, cái đẹp nếu chúng ta không mạnh dạn làm mới, làm khác, mạnh dạn đối thoại với truyền thống, mạnh dạn phô bày những quan niệm nhân sinh, quan niệm giá trị, quan niệm nghệ thuật mới trước dòng chảy của lịch sử, văn hoá và nghệ thuật.

Thơ Việt Nam mang trong lòng nó những truyền thống, là những “mẫu gốc”, những căn cước cho hiện tại và tương lai. Đó là di sản mỗi ngày lại được làm giàu có hơn lên bằng chính nỗ lực kế thừa, cách tân của các thế hệ nhà thơ. Trên tầm quan sát bao quát hơn, ở chiều sâu hơn của sự vận động văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, mọi cách tân vẫn luôn có một căn rễ nào đó bám vào các “mẫu gốc”, các tầng vỉa đã chồng xếp, đan dệt trong lịch sử. Chính điều này cho phép chúng ta hình dung về những hệ thống liên văn bản, liên văn hoá vốn là bản chất của những kiến tạo xã hội. Và, từ đó, những cách tân hay truyền thống có được sự hiện diện một cách khách quan, bình đẳng trước thang bậc giá trị./.

TS. Nguyễn Thanh Tâm

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất